Tôi là người dùng máy tính cũng khá sớm trong giới nhà văn nhà báo. Qua một lớp học lơ mơ còn lại chủ yếu là tự mò. Từ cái máy tính "second hand" đầu tiên tới giờ đã cả năm bảy đời laptop, iPad, thế nhưng lại có một cái tật ảnh hưởng rất nhiều tới việc viết bài, ấy là chỉ viết được trên laptop của chính mình, đụng vào cái khác là không thể tư duy được. Nó y như từ hồi chuyển sang viết bằng máy tính thì không thể viết tay được nữa, nó cứ tắc tị, bí rị, không cảm xúc, không logic, không ra chữ, hay chính xác là toàn chữ vô hồn.
Nói chuyện này để kể chuyện, ông bạn tôi, Phạm Xuân Nguyên thì lại rất tài viết bài trên... điện thoại. Có lần ông này dẫn đoàn nhà văn Hà Nội đi xuyên Việt, mang theo cuốn "Quân khu Nam Đồng". Ông đọc trên xe, tất nhiên. Và trên quãng đường gần 200 cây số từ Buôn Ma Thuột sang Pleiku thì ông... bấm điện thoại. Tới khách sạn ở Pleiku thì ông cũng hoàn thành bài báo gần 2 ngàn chữ, mail ngay trên điện thoại. Gặp tôi ông thở phào: Cố xong để gặp mày còn... nhậu.
Tới giờ thì lại còn hiện đại hơn nữa, thấy mấy bạn trẻ đi tới đâu đọc vào điện thoại tới đấy. Và điện thoại thông minh nó chuyển luôn từ giọng nói sang chữ, chỉ sửa sang lại tí là "send". Ôi trời ơi sướng!
Cũng ngày xưa, cái thời còn vất vả ấy, sắm được cái máy ảnh là cả vấn đề lớn. Xe máy, máy ảnh để làm báo là thứ buộc phải có, nhưng không phải ai cũng có thể sắm được. Các tòa soạn đa phần có ông phóng viên nhiếp ảnh rất oai, được đầu tư những cái máy ảnh cả trăm triệu, được đóng riêng cái tủ có máy sấy để bảo quản. Ông này chỉ huy thì thôi rồi, từ lãnh đạo tới nhân dân, bảo cười là cười, đứng là đứng, ngồi là ngồi, cầm tay là cầm tay, mắt nhìn thẳng là nhìn thẳng, nghiêm trang là nghiêm trang... Phải thật chuẩn chỉ thì ổng mới bấm máy. Thế nên mấy anh phóng viên viết chả được ai coi là cái gì. Cuốn sổ, cây bút, chả oai hùng gì. Vậy là cũng cố bấm bụng sắm cái máy ảnh, dù là loại chủ yếu để... giải quyết khâu oai.
Giờ thì, cái điện thoại có thể thay thế máy ảnh. Tất nhiên ảnh bìa, ảnh in lớn vẫn phải máy ảnh xịn, còn ảnh thường thường, điện thoại cân tuốt, chả thua gì ai, lại nhanh lại tiện.
Lại nhớ cái thời máy tính còn quý hơn vàng, mỗi tòa soạn báo thường có một hoặc hai cái máy bàn, được bảo vệ rất nghiêm ngặt, chỉ tổng biên tập và nhân viên đánh máy được vào, và phải bỏ giày dép bên ngoài vì sợ giày dép mang theo... virus. Có nơi cẩn thận còn bắt nhân viên đánh máy mặc áo blu như nhân viên y tế. Nhân viên đánh máy đa phần là chuyển từ "đả tự cơ" sang, cứ vài tiếng lại hấp tấp điện thoại cho thợ máy tính "sao máy chị cứ đơ ra, không hiện gì hết", "sao chị tìm bài đánh hôm qua mà giờ nó trắng trơn thế này"... cứ thế mà rồi chỉ mấy năm sau, tất cả các toàn soạn tới phóng viên đều bước vào thế giới số rất nhẹ nhàng. Giờ trong ba lô luôn gắn trên lưng nhà báo là laptop và máy ảnh, là các phụ kiện để bất cứ đâu cũng có thể trở thành bàn làm việc, thành tòa soạn...
Nhưng mà giờ thì lại phải cạnh tranh. Bởi chỉ cần cái điện thoại và một tài khoản trên mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành... nhà báo. Cạnh tranh thông tin với các "nhà báo" mạng xã hội là một cuộc đua khá vất vả. Nhưng ngược lại, đấy cũng chính là kho thông tin khổng lồ để nhà báo khai thác. Tất nhiên là phải biết cách khai thác, biết phân định đúng sai, bình tĩnh và khôn ngoan xử lý thông tin không thì rất dễ... đóng phạt. Dù muốn dù không, phải công nhận, mạng xã hội giờ là một cái... chợ tin. Người đi chợ tin cũng giống như người đi chợ ngoài đời, cũng phải biết phân biệt đâu là hàng tươi đâu là hàng héo, đâu là hàng giả đâu là hàng thật, đâu là đồ “của nhà giồng được” và đâu là cất nơi khác về “không rõ nguồn gốc”...
Có mạng xã hội, chỉ cần một smartphone, ai cũng có thể trở thành nhà báo. Nhưng như thế thì, nhà báo lại càng không chỉ cần cái smartphone... Bởi rõ ràng ai cũng biết, rằng là, có những cái chỉ đăng fb, blog được mà không thể đăng báo, và ngược lại có những cái đăng báo thì hay nhưng đăng fb, blog thì nó lại buồn cười. Nhưng rõ ràng, cái ranh giới giữa báo chính thống và mạng xã hội ngày càng nhỏ, thậm chí có lúc trùng khít. Chả thế có những báo có hẳn những phóng viên ngồi canh... Facebook của những người nổi tiếng. Họ đi đứng ngồi nằm ra làm sao, họ mặc gì, họ ăn gì, uống gì, họ check in ở đâu, thậm chí màu giày, màu túi xách vân vân, tất tật được khai thác. Và cũng nhiều báo có những trang Facebook hoặc fanpage hỗ trợ.
Tôi cũng có 2 trang trên mạng, một tài khoản Facebook và một web. Những suy nghĩ vặt trong ngày, những vụt hiện, những vấn đề đang tư duy, tôi đưa lên fb trước. Sau đấy, khi thành tấm thành món, tôi đưa lên trang vanconghung.com, tất nhiên sau khi đã in báo, bởi báo là để tôi... nuôi thơ, ngày xưa còn nuôi cả con học đại học nữa.
Có nhiều bài viết của tôi về những vấn đề nóng là tôi thả trước vài dòng trên facebook, các bạn facebook của tôi, toàn các chuyên gia, vào comment tưng bừng. Thì đấy chính là tư liệu để mình viết, có khi xin phép các bạn ấy, trích nguyên comment của các bạn, tất nhiên dẫn nguồn, tên tuổi cẩn thận.
Hôm rồi có nhà văn bạn tôi tự nhiên nằng nặc đòi tôi làm cho chùm thơ và 1 cái ghi chép về một nơi mà tôi... chưa hề đến. Ôi giời ôi tôi xanh tái hết mặt mày mà từ chối, nhưng bạn tôi không buông tha. Thế là chúng tôi chat với nhau cho đến lúc tôi... phụt ra thơ thật, tất nhiên là tôi có đọc thêm tài liệu về nơi ấy. Không chỉ một bài mà tới 2. Bạn đọc rồi khen nức nở. Ơ thì công của thời 4.0 chứ gì nữa, ngày xưa thì làm sao mà có thể. Không kể cái thời đánh điện tín tính bằng từng chữ, mà ngay hồi mới đây fax bài bằng điện thoại kiểu Dial- up VNN 1260 cũng méo mặt vì cước và cả thời gian. Tất nhiên cái ghi chép bạn đặt thì tôi cương quyết từ chối. Kiểu viết của tôi là phải tận mắt tận tay rồi mới vân vi được, chứ ngồi mà tưởng tượng, thì tôi thua. Như ngày xưa nhiều nhà báo chỉ cần xin cái báo cáo là có thể múa, tôi cũng chịu.
Tất nhiên, chơi và tận dụng kỹ thuật số cũng phải tỉnh táo. Tỉnh táo và thông minh nữa, để lọc tin giả, để biết cái gì là sự thực, cái gì là phịa, cái gì là sến là vớ vẩn, để một mặt mình vẫn là mình, nhưng mặt khác lại không lạc lõng trước trào lưu, là Trend ấy. Nói gì thì gì, là nhà báo nhà văn mà không phân biệt được đúng sai, mà lại a dua, lại tào lao vớ vẩn thì quả là nó chả ra làm sao. Và để tận dụng hết thế mạnh tuyệt vời của kỹ thuật số, không lệ thuộc mà tận dụng nó. Càng ngày các nhà báo trẻ càng giỏi khoản này.