Aa

Có một trại trẻ mồ côi rất... mồ côi

Thứ Hai, 22/02/2021 - 07:00

Các cháu ở đây đều yếu (mẹ sinh ngoài ý muốn, không được bồi dưỡng từ bé, gần chết mới được nhặt về...) nên đau yếu luôn. Mỗi lần đưa lên viện là đi cả đoàn.

Trước tết này, bạn bè tôi từ khắp nơi đã gửi tôi mấy chục chục triệu nhờ mang xuống cái mái ấm của thầy Nhật ở huyện Chư Sê giúp các cháu ở đây ăn tết. Đấy là một cái trại mồ côi rất đáng để chúng ta quan tâm, không biết thì thôi, chứ đã biết thì không thể không, bằng cách này hay cách khác, chung tay vào giúp các cháu, và giúp cả ông thầy "ôm rơm" tên là Đinh Minh Nhật này nữa.

Vòng về trước một chút thì nó như thế này. Người dân tộc Tây Nguyên ấy, có một phong tục là, khi sinh sản nếu lỡ mẹ mà chết thì sẽ chôn con theo mẹ, chôn sống. Không hẳn là dã man, mà theo tôi biết, họ quan niệm đấy chính là nhân văn.

Trước hết là chuyện sinh nở của phụ nữ Tây Nguyên. Họ vào rừng làm lán để sinh, tự mình, khi nào mẹ tròn con vuông thì ôm con về. Giờ chúng ta, bắt đầu có thai là đã liên hệ bệnh viện, ký hợp đồng trọn gói để chăm sóc cho tới lúc sinh. Thế mà phụ nữ Tây Nguyên sinh như thế, chưa kể chăm sóc em bé sau sinh cũng đầy hoang dã, bù lại, đứa nào sống sót thì rất khỏe mạnh. Số sản phụ bị chết khi sinh khá nhiều. Và người Tây Nguyên khi ấy chỉ có nguồn nuôi con duy nhất là sữa mẹ. Mẹ chết, đứa con đương nhiên mất nguồn sống, vì thế, để bé theo mẹ là cách, theo họ là hợp lý nhất.

Thầy Nhật, một ông cha đạo ở xã Ia Hlop, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, là người ban đầu thấy cảnh ấy, thuyết phục gia đình và dân làng cho phép mang đứa bé về nuôi. Cũng không dễ dàng thuyết phục. Nhưng rồi có những đứa bé được mang về. Và người đàn ông không vợ ấy bắt đầu hành trình nuôi trẻ con. Nghe nói ở đâu có mẹ chết vì sinh là đến. Rồi người khác thấy cũng xin và mang đến giao cho thầy...

Các con của thầy Nhật (Ảnh: Văn Công Hùng)

Ở Tây Nguyên chuyện này nhiều. Như ở Kon Tum có hẳn một cô nhi viện, nhưng là do các sơ nữ nuôi. Một số đồn biên phòng cũng cứu được nhiều cháu, giao lại cho các trại mồ côi...

Thầy Nhật kể, tự tay thầy đã chôn 131 cháu bé sơ sinh. Có cháu vì đến muộn, đã bị quạ ăn mất mắt. Hiện nay mái ấm của thầy đã có 13 cháu tốt nghiệp đại học, nhưng lại có 3 đứa thường xuyên ở bệnh viện. Trong mái ấm của thầy còn một đứa bị đao và rò hậu môn... Có 4 đứa tàn tật suốt đời, 3 đứa thần kinh, một đứa phải nhốt cũi vì điên nặng...

Từng có một cuộc như thế này: Mấy bạn trẻ ở một tỉnh phía Bắc gặp một nhà xe thương lượng về việc gửi hàng cho mái ấm thầy Nhật. Nhà xe hất mặt:

- Trên thế giới và cả trên... giời, phàm đã đi xe là phải trả tiền, trừ xe... cấp cứu của ông Hải Quận 1. Cũng trên thế giới phàm chở hàng là phải thu tiền, kể cả chở... tử thi, hiểu chưa?

- Dạ hiểu ạ. Nhưng...

- Nhưng nhưng cái gì. Nhưng thế này, với trẻ em mồ côi mà các cháu vừa kể ấy nhé, thì nhà xe sẽ...

Lão chủ xe vớ cái điếu cày, vê thuốc, ấn vào nõ, bật diêm, châm, rít mấy phát, ngửa cổ phun khói đặc quánh. Ta nói đến đâu rồi. À, với các cháu mồ côi ở Chư Sê mà các cháu vừa kể ấy, thì ta sẽ... không lấy tiền, chở miễn phí, được chưa. Được, tạm được!

Tốt thế nhưng lại yêu cầu... giấu tên. Thật, đời hàng vạn người tốt, chỉ xen kẽ vài đứa bẩn bựa không làm gì nhưng cứ dài mồm ra chê người khác, tham như mõ và không bao giờ bỏ ra cắc bạc cho ai.

Tôi rất yêu các bạn trẻ này, cũng tất cả các bạn đã lặng lẽ làm những việc thiện, như cái ông cứ lặng lẽ chuyển tiền cho mái ấm. Rất nổi tiếng, nhưng bảo: "Em chuyển trước một ít rồi sẽ bàn với nhóm có kế hoạch lâu dài, anh đừng nêu tên em..."

Một người con của thầy Nhật đã tốt nghiệp cấp ba, chuẩn bị học đại học (Ảnh: Văn Công Hùng)

Gần đây, nghe một tin rất sốc: Thầy Nhật bị u não. Trời ạ! Nuôi hơn trăm đứa trẻ mồ côi, cả một cái cơ quan Nhà nước quân hùng tướng mạnh, kinh phí đủ đầy cũng đủ chết rồi, đây một mình, sau này có thêm đứa cháu, tên là Trang, đương là giáo viên, biên chế hẳn hoi, thấy bác mình như thế, bỏ dạy về phụ với bác. Thế mà mái ấm này, chạy ăn từng bữa, giờ cái đầu tàu lại thế, con tàu ấy sẽ về đâu?

Tôi nhao xuống, việc đầu tiên là hỏi tình hình sức khỏe cái máy cái, bảo:  "Dạ em xạ trị ở Sài Gòn về, thấy bảo cái u nó nhỏ đi. Uống thuốc nhiều nó tích nước hay sao ấy, giờ nó bệu ra. Tối rất đau, nhất là đêm nào mất ngủ, nhưng phải cố thôi". Tôi kể: "Cái thời anh 2 đứa con gái còn đi học, mỗi lần đến kỳ đóng học anh còn bạc mặt, huống gì em, giờ là một trăm mấy chục đứa rồi. Chưa kể còn... bao thêm bọn ở ngoài. Mấy đứa không đi học được, không chuyển trường được cũng vào nhờ thầy giúp". Ngay khi chúng tôi ngồi đấy có một cặp vợ chồng Jrai vào nhờ thầy giúp... chuyển trường cho con.

Hỏi lấy gì sống, bảo: "Em đi làm thuê. Trước còn khỏe, em lên tận bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai chăm bệnh cho những gia đình khá giả lấy tiền nuôi các con. Giờ yếu rồi, thì cứ đắp đổi, bà con bá tánh giúp. Hết tiền thì đi vay, đi mua nợ. Cũng may, bà con đều thương, nên nợ được, vay được. Cái quán tạp hóa đầu đường là... ngân hàng của em, hết tiền ra đấy... mua nợ. Thì chủ yếu là mì tôm thôi. Giờ nuôi bò, nuôi gà... nhưng bị bắt trộm cũng nhiều"...

Các cháu ở đây đều yếu (mẹ sinh ngoài ý muốn, không được bồi dưỡng từ bé, gần chết mới được nhặt về...) nên đau yếu luôn. Mỗi lần đưa lên viện là đi cả đoàn. Bác sĩ Tín ở bệnh viện Nhi Gia Lai hẹn: Đừng lên bệnh viện, phải xếp hàng. Căn buổi chiều tới nhà, bác sĩ khám miễn phí. Thuốc nhiều thì lấy tiền đủ vốn, ít thì bác cho. Có khi tới bác sĩ đang có bệnh nhân xếp hàng, ông nói rất to: Các con thầy Nhật Chư Sê, đề nghị bà con nhường cho các con khám trước.

Các cháu ở đây đa phần có... 2 tên, vì đẻ ra có khai sinh khai siếc gì đâu. Đi học phải mượn giấy khai sinh, và tức là mang tên trong giấy khai sinh ấy. Giờ đỡ rồi, Chủ tịch xã mới điện hỏi có còn khó khăn gì không (trong việc các cháu đi học á), chứ trước khá khó khăn, bị hạch sách đủ kiểu: Bất hợp pháp, không đủ tiêu chuẩn nuôi trẻ con, không có khai sinh... ông Nhật trình bày: Nhà nước còn nhiều trụ sở để không, còn nhiều cơ sở nuôi trẻ em, cho ổng gửi vào đấy. Chả ai nói gì?...

Hiện giờ, có 1 đứa vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, 3 đứa đang học Đại học ở Sài Gòn, sáng nay thầy mới chuyển cho chúng hơn 2 chục triệu để đóng các loại tiền học. Trời ơi, thế mà trong sân và nhà còn cả trăm đứa lít nhít, có chục đứa đang bú bình.

Hỏi giờ cần nhất là gì? Dạ cần quần áo cho các cháu đi học. Có một bộ nó dơ (bẩn) không có thay. Sách vở không lo vì dùng lại sách cũ, trừ 4 đứa lớp 1 phải mua mới. Đã mua rồi, hơn 500 ngàn một đứa thì phải, bé Trang (cô giáo bỏ dạy về giúp bác ấy) mua.

Mỗi ngày giờ ăn hết 25 cân gạo, 100 gói mì tôm. Sợ nhất là đứt sữa của các cháu sơ sinh.

Hỏi còn bao nhiêu cháu đi học: "Dạ 46 cấp 2, 24 cấp 1, 21 cấp 3, 6 mẫu giáo. Nguyên việc nộp hồ sơ, đóng tiền đầu năm đã bạc mặt. Có 1 cháu lớp 9 vì thiếu tiền gì đấy mà... không được rút hồ sơ. Có mấy đứa vừa tốt nghiệp cấp 3, đi học nghề: Điều dưỡng, sửa xe... Mấy đứa ra trường thì đa phần quay về mái ấm giúp thầy, hoặc đi làm kiếm tiền nuôi các em. Một cháu người Jrai đang làm điều dưỡng ở Huế..."

Có 1 cháu được miễn giảm tất cả các loại tiền đóng góp, Hỏi thì té ra, là cô giáo chủ nhiệm lấy tiền túi đóng cho chúng. Có một số xe đạp cho chúng đi học, nhưng vẫn thiếu, giá mà có thêm ít nữa. Sáng mỗi đứa tự giác một gói mì tôm sống, tranh thủ vừa đi vừa ăn. Một số có xe đạp, một số đi bộ. Phải vừa đi vừa ăn vì sáng ra đứa lớn phải giúp đứa nhỏ trước khi đi học. Bọn trẻ rất ngoan, tự bảo nhau việc nhà và học, dù đa phần là chậm phát triển do hoàn cảnh sống từ bé.

Tôi và thầy Nhật đang đi thăm loanh quanh trong mái ấm, một đứa lẫm chẫm được bé Trang dắt tới: "Bé này cứ đòi theo thầy. Nó, hình như mới đâu 1 tuổi. Tất cả trẻ em ở đây đều gọi Đinh Minh Nhật là thầy".

Bảo: "Bạn bè anh nhiều người gọi điện thoại cho em không được, kết nối zalo cũng không. Bảo em dùng cái cục gạch này làm gì có zalo. Và các cháu nó lấy điện thoại chơi hoài cho nên có khi không nghe được. Nay em sẽ chú ý..."

Tết này, chính quyền đã có quan tâm hơn tới cái mái ấm này, có hẳn một chỉ thị từ tỉnh xuống, rằng chăm lo cho các cháu như... các cháu khác, chứ trước đấy, nó đìu hiu lắm. Về, cứ nhớ câu nói của bé Trang: "Chú Chủ tịch xã giờ tốt lắm, không nạt mà luôn xuống thăm hỏi, động viên, hỏi có khó khăn gì thì báo chú..."

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top