Aa

"Muốn Việt Nam dịch chuyển lên nấc thang mới, cần cơ chế vượt trội"

Dương Minh Anh
Dương Minh Anh duongminhanh070902@gmail.com
Thứ Bảy, 24/08/2024 - 15:49

Để đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chuyên gia cho rằng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm huy động, quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Vẫn còn những bất cập

Tại hội thảo "Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới", TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, lạm phát toàn cầu tăng cao giai đoạn 2019 - 2024, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận một số thành công. 

Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, chính sách tiền tệ (CSTT) đã có sự điều hành linh hoạt, thận trọng góp phần kiểm soát lạm phát. Từ năm 2019 đến nay, lạm phát tổng thể được kiểm soát dưới 4%, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, hiệu quả tín dụng tăng lên; phát triển các phương tiện, mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt đạt được thành tựu vượt bậc; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng luôn được đảm bảo, ngay cả trong tình huống khó khăn nhất…

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn tồn tại một số thách thức cần khắc phục để góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo TS. Cấn Văn Lực, việc điều hành CSTT của Việt Nam vẫn còn gặp khó khi độ mở kinh tế lớn và xu hướng CSTT thay đổi nhanh, đa mục tiêu; chất lượng tài sản, vấn đề tăng vốn của các tổ chức tín dụng còn là thách thức, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng tín dụng; kênh dẫn vốn của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng còn thấp; tín dụng chính sách, nhất là qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB chưa thực sự hiệu quả; phối hợp giữa CSTT và chính sách tài khóa (CSTK) còn một số bất cập...

Về nguồn vốn vẫn chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm còn 9,64% (tháng 6/2024), khá xa mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025 của Chiến lược Tài chính 2022 và Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán 2023. Huy động vốn qua thị trường chứng khoán rất khiêm tốn. Vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế chậm dẫn đến phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả, năng suất lao động còn thấp và chậm cải thiện, chất lượng tăng trưởng chưa cao, dẫn đến còn phụ thuộc nhiều vào "yếu tố vốn"...

Về CSTK, khâu thực thi các chương trình, chính sách hỗ trợ còn chậm; thể chế, pháp luật về đầu tư công, đầu tư PPP chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; hiệu quả đầu tư khu vực Nhà nước còn thấp; giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chương trình, gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi 2022 - 2023 còn chậm và không đồng đều giữa các địa phương, cấu phần…

Trên cơ sở đó, TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra một số kiến nghị, giải pháp để huy động, triển khai và phân bổ các nguồn tài lực tốt hơn trong thời gian tới. Một trong số những giải pháp được đánh giá hiệu quả nhất đó là cần thực hiện tốt yêu cầu trong Nghị quyết 39/NQ-TW: "Định kỳ 5 năm rà soát, cập nhật về thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế", đồng thời "kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết", theo hướng tăng "khơi thông nguồn lực". Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, thực thi các quy định về CSTT, CSTK, đầu tư công…

Việt Nam đã chính thức bước vào nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2023 khi GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.180 USD. Theo đó, TS. Cấn Văn Lực khẳng định: "Để đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta cần đạt mức tối thiểu từ 6 - 6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới đây. Hỗ trợ cho mỗi bước dịch chuyển sang nấc thang mới này là các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để huy động quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế".

Cần cơ chế vượt trội để phát huy nguồn lực tài chính

Tại phiên thảo luận về "Mô hình và các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khơi thông nguồn lực tài chính phát triển kinh tế - xã hội", GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng cần tập trung cải tổ các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, gia tăng nguồn lực tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế tài sản và thuế sử dụng tài sản.

Theo chuyên gia, hiện nay, việc chưa áp dụng thuế tài sản đã khiến cho nguồn lực đất nước bị lãng phí lớn. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi giá trị đất đai gia tăng, nguồn lực thu được từ đất đai thường được tập trung mạnh vào đầu tư công, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa thực hiện được điều này. Chính vì vậy, cần thiết phải tái cơ cấu nguồn thu để tạo ra nguồn thu ổn định và bền vững.

PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Đồng thời, cần mở rộng dư địa tài khóa, không đặt ra mục tiêu quá khắt khe về giảm nợ công, nhất là khi nợ công hiện đang ở mức thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh đầu tư phát triển, nợ công có khả năng sẽ tăng, do đó cần có chiến lược để khống chế mức nợ công một cách an toàn và hiệu quả.

Ngoài ra, việc tập trung đổi mới phương thức đầu tư công cũng rất cần thiết. Thời gian qua, đã có sự thay đổi đáng kể về cách thức phân bổ đầu tư công. GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: "Đầu tư công không thể giải quyết mọi vấn đề xã hội, mà cần phải xác định đúng hướng đi, chọn những lĩnh vực trọng yếu để tập trung đầu tư và tháo gỡ các nút thắt quan trọng".

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) nêu quan điểm, để cải thiện và nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực tài chính, cần tập trung vào một số giải pháp.

Trước hết, cần có cơ chế thu hút nguồn lực từ tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư (PPP). Thêm vào đó, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp cận vốn từ thị trường vốn quốc tế cũng cần cải tổ. Đặc biệt, cần mở rộng và cải thiện khung pháp lý để thu hút vốn ngoại; đồng thời nhận định rõ vai trò của việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế trong việc huy động nguồn lực tài chính cho Việt Nam và cơ chế để hình thành trung tâm tài chính quốc tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top