Theo Thomson Reuters, "ông lớn" truyền thông trong lĩnh vực kinh tế tài chính, rất nhiều thành phố của Ấn Độ liên tục đứng đầu trong danh sách những địa điểm đầu tư ưa thích hàng đầu trong mắt giới đầu tư thời gian tới. Bên cạnh đó đây cũng là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong năm tới, với mức tăng trưởng dự báo ở mức 7%, cao hơn gần 1% so với con số chỉ 6,3% của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực Châu Á.
Đông dân, dân số tăng nhanh, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, lượng tiêu thụ nội địa cao là những nhân tố thúc đẩy thị trường BĐS Ấn Độ tăng trưởng nhanh chóng trong năm tới.
Tiêu thụ nội địa, kể từ đầu thế kỷ 21 đã trở thành một phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Ấn Độ nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Với dân số 1,3 tỷ người, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc với 1,4 tỷ dân.
Tuy nhiên đến năm 2022, theo dự báo của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ sẽ “soán ngôi” Trung Quốc để trở thành đất nước có dân số nhiều nhất trên thế giới. Với lượng dân số đông và tăng nhanh như vậy đã và đang giúp phát huy tiềm lực tiêu thụ nội địa một cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu tại quốc gia này đang phát triển ngày càng nhiều. Ngoài ra ngành công nghiệp tài chính của Ấn Độ đang có những bước đi thể hiện sự trưởng thành hơn, các ngân hàng thương mại liên tục có những đợt cắt giảm lãi suất và đưa ra chính sách cho vay phù hợp với nhu cầu vay của người dân. Tất cả đã tạo ra một môi trường hoàn hảo để thị trường BĐS nước này phát triển, đặc biệt là khu vực thương mại.
Không nói suông, triển vọng tăng trưởng của ngành công nghiệp địa ốc tại đất nước phật giáo đã được JLL phản ánh trong bản báo cáo triển vọng tăng trưởng của thị trường nhà đất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vừa qua. Các thành phố của Ấn Độ, Bangalore và Mumbai, đã “lật đổ” Tokyo và Sydney – là 2 thành phố liên tục dẫn đầu về triển vọng hút vốn đầu tư trong 2 năm qua – để trở thành những cái tên đứng đầu trong danh sách các thị trường có mức tăng trưởng về đầu tư và tiềm năng phát triển cao trong năm tới.
Trước đây, các nhà đầu tư thường không chọn Ấn Độ và cho rằng thị trường này không có tiềm năng phát triển. Các quản lý cấp cao của JLL, một nhà đầu tư lớn tại Ấn Độ, đã từng nói rằng ngành công nghiệp BĐS nước này sẽ chẳng đi tới đâu bởi hầu hết các tài sản trên thị trường đều bị chia nhỏ và chia nhỏ hơn nữa do việc thừa kế ở các gia đình, các tòa nhà văn phòng hay các BĐS lớn đều thuộc về tay của các thành viên trong một đại gia đình nào đó. Điều này khiến cho việc đàm phán về giá dường như là không thể.
Tuy nhiên, mọi thứ chỉ là quá khứ. Hiện nay, khu vực BĐS tại Ấn Độ đã “thay da đổi thịt”. Quốc gia này đang nhìn thấy một sự bùng nổ mạnh mẽ của các “business park”, tên gọi quen thuộc của những khu công nghiệp cao, khu nghiên cứu khoa học, khu thương mại, khu văn phòng,… được xây dựng trong một không gian xanh với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài ra, việc bùng nổ nhu cầu BĐS tại các vùng ngoại ô đã khiến những khu phố thương mại hay khu dân cư hoàn toàn mới xuất hiện ngày càng nhiều.
Blackstone, một "ông lớn" đã từng khước từ việc gia nhập thị trường BĐS, hiện nay đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại thị trường địa ốc Ấn Độ, nhất là khu vực thương mại, theo tờ Times of India. Rất có thể "ông lớn" này sẽ trở thành một trong những Quỹ tín thác BĐS (REIT) – một mô hình quỹ chuyên đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng. Mục đích của quỹ là huy động vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua phát hành chứng chỉ quỹ và đầu tư vào lĩnh vực nhà ở (theo CafeF) – đầu tiên tại thị trường Ấn Độ.
Một ông lớn khác, Brookfield Asset Management, Công ty BĐS toàn câu có trụ sở tại Toronto (Canada), đã chính thức trở thành nhà đầu tư BĐS lớn tại thị trường BĐS Ấn Độ với số tiền trong tay lên đến hơn 200 tỷ USD. Vừa qua gã khổng lồ này đã chi ra 1 tỷ USD để sở hữu gần 1.400 km2 không gian thương mại ở ngoại ô thành phố Mumbai. GIC, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, là đối thủ cạnh tranh của Brookfield trong thương vụ này nhưng đành ngậm ngùi ra về tay trắng.
Không thể không nhắc đến các "đại gia" Trung Quốc trong danh sách những đơn vị đang và sẽ đổ tiền vào thị trường nhà đất Ấn Độ. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện đang có sự giảm tốc, nhưng chính sự giảm tốc này lại khuyến khích các tập đoàn đại lục dịch chuyển nguồn vốn đầu tư sang các tiểu lục địa khác, trong đó không thể loại trừ Ấn Độ bởi họ nhận ra rằng nền kinh tế Ấn Độ có những nét tương đồng với nền kinh tế Trung Quốc và họ muốn đầu tư vào đây để chớp lấy những cơ hội lợi nhuận trong tương lai.
Dalian Wanda, một tập đoàn tư nhân “khét tiếng” tại Trung Quốc đang có kế hoạch đưa khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD vào thị trường BĐS Ấn Độ. Một ông lớn khác, Fosun International, cũng đang dự định đổ 1 tỷ đồng vào “mảnh đất màu mỡ này”.