Aa

Năm 2019: Tín dụng tăng thấp nhất 5 năm, nợ xấu còn 1,89%

Thứ Tư, 01/01/2020 - 14:47

Sáng 31/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức buổi họp báo công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2019, định hướng nhiệm vụ năm 2020.

Tại đây, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, với việc triển khai các giải pháp quyết liệt, ngành ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.

Đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13%, mức thấp nhất 5 năm trở lại đây. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Ước đến 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.

Toàn cảnh buổi họp báo

Được biết, theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 được nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10/2019, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp hạng 25/190 nền kinh tế, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (chỉ sau Brunei - hạng 1/190).

Về xử lý nợ xấu, số liệu được ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng công bố ước tính đến cuối tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2% hồi đầu năm.

Tính từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.

Như vậy, trung bình mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

"Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng", ông Du đánh giá.

Chia sẻ về kế hoạch năm 2020, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2020 sẽ cân nhắc trong khoảng của năm 2019.

"Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực bất động sản…", bà Hồng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top