Aa

Năm 2022, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ vực dậy như thời “hoàng kim”?

Thứ Ba, 04/01/2022 - 06:30

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng ảnh hưởng rất nặng nề.

Tuy nhiên, với những thuận lợi trong kiểm soát dịch và thích ứng an toàn, các chuyên gia, nhà đầu tư hy vọng bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2022 sẽ bùng nổ trở lại.

Theo Bộ Xây dựng, ảnh hưởng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ.

Hầu hết dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản cuối năm 2021 không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.

Đã từng là kênh đầu tư “làm mưa làm gió” trên thị trường trong giai đoạn 2016 - 2018, bất động sản nghỉ dưỡng đang phải trải qua gần 2 năm sóng gió dưới ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều kỳ vọng đặt ra, kênh đầu tư này sẽ có dấu hiệu khởi sắc trong năm 2022?

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, chuyên gia kinh tế,  PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lạc quan dự báo rằng, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục và thức tỉnh trong năm 2022. Theo vị chuyên gia này, lý do để ông đưa ra nhận định lạc quan đó là dịch Covid-19 sẽ cơ bản được kiểm soát và du lịch sẽ là ngành được ưu tiện phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ, các chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn. Kéo theo đó là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng nóng lên.

Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.

Cũng theo ông Thịnh, hiện Chính phủ đang có lộ trình mở cửa đường bay quốc tế sẽ kích thích du lịch quốc tế trong thời gian tới ở mức giúp ngành bất động sản nghỉ dưỡng đỡ vất vả hơn năm 2021.

“Giá trị hiện tại của bất động sản du lịch Việt Nam nằm ở lợi thế thiên nhiên ban tặng bờ biển dài, đẹp, nhưng nhiều năm qua chỉ phát triển condotel, resort, khách sạn đơn thuần, chưa tạo nên giá trị gia tăng đáng kể. Trong khi đó, phần mềm của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gồm các dịch vụ đi kèm, vốn là con át chủ bài để thành công, vẫn còn khá mỏng nên để đột phá thì phải đầu tư hơn nữa”, ông Thịnh nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, bức tranh thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong năm 2022 có thể sẽ được cải thiện nhờ những quy định của Luật Đầu tư sửa đổi 2020 và Luật Đất đai 2013 sửa đổi đang hoàn thiện; trong đó có những vấn đề pháp lý của bất động sản du lịch.

Mặt khác, theo ông Điệp, hiện nay các địa phương đang triển khai kế hoạch thích ứng an toàn trong tình hình mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ đã giúp cho hoạt động du lịch bắt đầu ấm dần lên.

“Chúng ta vẫn hy vọng năm 2022 thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ bứt phá và phục hồi được như thời hoàng kim trước đây”, ông Điệp mong muốn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top