Aa

Năm 2024, doanh nghiệp bất động sản “nặng gánh” trả nợ trái phiếu

Thứ Sáu, 05/01/2024 - 06:00

Theo VBMA, trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 276.990 tỷ đồng. Trong đó, 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113,486 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54,497 tỷ đồng (chiếm 20%).

Lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong năm 2024

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA), tính đến ngày công bố thông tin 29/12/2023, đã có 55 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 12 với tổng giá trị hơn 42.805 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, với 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.070 tỷ đồng (chiếm 11.9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 274.170 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số).

Dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX cũng cho thấy, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 12. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến tháng 12 đạt 241,950 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 80,1% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 50,6% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 122.433 tỷ đồng).

Đặc biệt, trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là gần 300.000 tỷ đồng. 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113,486 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54,497 tỷ đồng (chiếm 20%).

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù có những tín hiệu cải thiện và tích cực hơn nhưng thị trường trái phiếu vẫn được chưa thể phục hồi trở lại thời hoàng kim như năm 2021 do còn nhiều tổ chức phát hành vẫn gặp khó khăn về kinh doanh và dòng tiền khiến các nhà đầu tư vẫn còn dè dặt, thận trọng. 

Năm 2024, doanh nghiệp bất động sản “nặng gánh” trả nợ trái phiếu- Ảnh 1.

Trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là gần 300.000 tỷ đồng. 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113,486 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54,497 tỷ đồng (chiếm 20%). Ảnh minh họa

Được biết, vào tháng 3/2023, Chính phủ đã thông qua Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm thời gian giải quyết vấn đề trả nợ. Theo đó, bên phát hành có thể đàm phán với các trái chủ để gia hạn nợ, hoán đổi tài sản hay thanh lý tài sản thế chấp. Vì vậy, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 2023 là không quá lớn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc áp lực đáo hạn sẽ gia tăng trong 2024, trong đó riêng nhóm bất động sản sẽ có gần 120.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024. Như vậy, năm 2024 sẽ là năm có áp lực thanh toán trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh.

Theo TS. Ngô Trí Trung, Trường Đại học CMC, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 rất lớn. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lũy kế 12 tháng năm 2023, tổng giá trị phát hành đạt 268.000 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 12 tháng đạt 8,3%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022. 

Theo đó, trong tháng 12, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, giảm 57% với tháng trước. Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bình quân mỗi tháng từ đó đến nay duy trì trong khoảng 25.000 - 35.000 tỷ đồng/tháng. Có thể thấy, kết quả phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có nhiều cải thiện và tích cực hơn.

Năm 2024, doanh nghiệp bất động sản “nặng gánh” trả nợ trái phiếu- Ảnh 2.

TS. Ngô Trí Trung, Trường Đại học CMC

Tuy nhiên, TS. Ngô Trí Trung cho rằng, đầu năm 2024, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 (về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) sẽ hết hiệu lực. Việc thực hiện Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 (về sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) sẽ gây ra những áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp đáo hạn trái phiếu.

"Áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 rất lớn với khoảng 330.000 tỷ đồng, chưa bao gồm số trái phiếu vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi. Trong đó, ba nhóm trái phiếu doanh nghiệp có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hiện nay là bất động sản, vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo", TS. Ngô Trí Trung nhìn nhận.

Ông Ngô Trí Trung cho biết thêm, hiện nay trên thị trường đang có 147 tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ trả lãi, gốc. Tỷ lệ trả chậm chung toàn thị trường trái phiếu phi ngân hàng ở mức 20%. Với dự báo thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, thị trường năng lượng tái tạo chưa có đột phá về chính sách, dẫn tới rủi ro nợ xấu trái phiếu với các doanh nghiệp thuộc hai nhóm ngành này tiếp tục gia tăng.

Đồng quan điểm, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) cũng cho rằng, áp lực trái phiếu đáo hạn tương đối lớn tập trung trong năm 2024 - 2025 sẽ kéo theo nguy cơ nợ xấu đến từ một số doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản. Việc đàm phán gia hạn chỉ giúp chậm lại thời điểm thanh toán và trong nhiều trường hợp khiến doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất cao hơn. Thêm vào đó, nguồn vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn hạn chế, chủ yếu dành cho các doanh nghiệp lớn, có uy tín tốt và tài sản đảm bảo pháp lý rõ ràng.

Các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật

Đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững trong năm 2024, TS. Ngô Trí Trung đề xuất, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ và người có liên quan tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024. Chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động và có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Năm 2024, doanh nghiệp bất động sản “nặng gánh” trả nợ trái phiếu- Ảnh 3.

Cần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ảnh minh họa

Ở phía cơ quan quản lý, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển bởi những nhóm giải pháp cụ thể như:

Thứ nhất, đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.

Thứ hai, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ; triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện bên cạnh kênh phát hành riêng lẻ để đa dạng hóa nhà đầu tư.

Thứ ba, phát triển cơ sở nhà đầu tư thông qua việc rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường.

Thứ tư, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Yêu cầu các doanh nghiệp trường hợp có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.

Thứ năm, đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau kiểm tra sẽ có công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm (nếu có).

Cuối cùng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông ổn định tâm lý, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top