Nâng chất, gia tăng lợi thế cạnh tranh
Dự báo năm 2025 tình hình kinh doanh còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, tác động lên khả năng thu hút đầu tư, kế hoạch huy động vốn và tiến độ triển khai các dự án mới, song Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Công ty cổ phần (Becamex IDC, mã chứng khoán BMC) vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng với tổng doanh thu hợp nhất 9.500 tỷ đồng, tăng 29% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế 2.470 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%.
Becamex IDC cho biết, bên cạnh sở hữu quỹ đất lớn và trong thời hạn dài tại các địa phương công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Bình Phước, Quảng Ngãi, Nghệ An và Bình Định, Công ty còn xây dựng được một hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ hoàn chỉnh thông qua các công ty con và công ty liên kết như VSIP, BW Industrial, Becamex Tokyu, Becamex Bình Định, Becamex Bình Phước… Mô hình này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn đảm bảo tính bền vững cho quá trình phát triển đô thị và công nghiệp tại địa phương.
Năm nay, Becamex IDC sẽ khởi công Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 (quy mô 380 ha) và Khu công nghiệp Cây Trường (quy mô 700 ha), gia tăng quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại Bình Dương.
Trong đó, Khu công nghiệp Cây Trường sẽ được đầu tư theo mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP) đáp ứng các tiêu chí bền vững về năng lượng tái tạo, tuần hoàn nước và giảm phát thải.
Về kế hoạch phát triển các dự án mới, Becamex IDC cho biết, Công ty đang nghiên cứu đầu tư các khu công nghiệp thế hệ mới tại Bình Dương, đồng thời cùng với VSIP tiếp tục đầu tư mở rộng các dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo mô hình mới ra các địa phương Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận và Bình Phước.

Khu công nghiệp VSIP Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn.
Theo các chuyên gia, trong những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến một làn sóng đầu tư FDI mạnh mẽ, đặc biệt từ mảng sản xuất cho công nghiệp chế tạo, các ngành công nghệ và điện tử. Những yếu tố như chi phí nhân công thấp, hạ tầng ngày một hoàn thiện và chính sách thương mại thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư quốc tế.
Dù vậy, môi trường đầu tư đang đối mặt với nhiều thách thức trước các chính sách thuế quan mới. Dù Mỹ đã tạm hoãn áp mức thuế cao trong 90 ngày để tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán, nhưng tâm lý lo ngại vẫn hiện hữu, có thể khiến các nhà đầu tư trì hoãn rót vốn mới vào Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, việc tập trung nâng cao chất lượng các khu công nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn xanh để tăng thu hút vốn FDI trong dài hạn là rất cần thiết.
Ông Hardy Diec - Tổng giám đốc Công ty TNHH KCN Việt Nam, đơn vị hiện đang vận hành và phát triển 10 dự án kho bãi công nghiệp trên toàn quốc cho biết, Công ty đã tích hợp các nguyên tắc xây dựng xanh trong toàn bộ vòng đời của các dự án.
Theo lãnh đạo KCN Việt Nam, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và động lực đa dạng hóa các cơ sở sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu về cơ sở hạ tầng công nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp xây dựng hệ sinh thái toàn diện, cho phép thiết lập và mở rộng hoạt động một cách an toàn, hiệu quả và bền vững, thay vì chỉ đơn thuần cung cấp không gian kho bãi.
“Chúng tôi có kế hoạch tăng cường đầu tư để mở rộng quỹ đất tại các vùng kinh tế trọng điểm, cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều lựa chọn linh hoạt hơn, đồng thời liên tục nâng cao chất lượng xây dựng theo các tiêu chuẩn phát triển bền vững”, ông Hardy Diec chia sẻ thêm.
Chính sách thuế quan mới sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, cũng như liên đới khó khăn các lĩnh vực khác.
Tương tự, Tổng công ty IDICO - Công ty cổ phần (mã chứng khoán IDC) đang tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện pháp lý và thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng cho 4 khu công nghiệp đã được được chấp thuận chủ trương đầu tư, bao gồm Khu công nghiệp Tân Phước 1 (Tiền Giang, quy mô 470 ha), Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 Mở rộng (Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô 111 ha), Khu công nghiệp Vinh Quang (Hải Phòng, quy mô 226 ha) và Khu công nghiệp Phú Long (Ninh Bình, quy mô 416 ha).
Theo đại diện IDICO, việc triển khai các khu công nghiệp trên sẽ nâng tổng diện tích đất thương phẩm còn lại lên hơn 1.430 ha, tạo dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, IDICO tiếp tục nghiên cứu, triển khai thêm các khu công nghiệp mới tại Ninh Bình, Cần Thơ và nhiều địa phương tiềm năng khác.
Trong trung và dài hạn, IDICO đặt mục tiêu phát triển thêm tối thiểu 1.000 ha đất khu công nghiệp. Ngoài ra, mảng nhà xưởng cho thuê cũng đầu tư mạnh mẽ hơn để đáp ứng kế hoạch thu hút đầu tư trong bối cảnh các khu công nghiệp hiện hữu đã hoàn thành phần lớn công tác giải phóng mặt bằng.
Thị trường đang ở thời điểm “bản lề”
Thực tế, nhu cầu đối với đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao, tỷ lệ lấp đầy tốt.
Báo cáo từ Cushman & Wakefield cho thấy, trong quý I/2025, tổng diện tích hấp thụ ròng đất khu công nghiệp phía Nam đạt khoảng 80 ha, tăng 25% so với quý liền trước và tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Long An có mức tăng mạnh nhất và chiếm 60% tổng tỷ lệ hấp thụ ròng khu vực này. Tỷ lệ lấp đầy khả quan đã thúc đẩy giá chào thuê đất khu công nghiệp phía Nam tăng 3,5% trong quý vừa qua, trung bình đạt 177 USD/m2/chu kỳ thuê.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp trong nước đã có một khởi đầu tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, việc Mỹ bất ngờ công bố mức thuế đối ứng lên một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam phần nào gây tâm lý lo ngại.
Chính sách thuế quan mới sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, cũng như liên đới khó khăn các lĩnh vực khác.
Tuy vậy, lãnh đạo Avison Young Việt Nam cũng kỳ vọng, các tác động sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực nhờ các lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, chi phí sản xuất hợp lý, vị trí địa lý chiến lược và chính sách thu hút FDI hiệu quả. Điều này củng cố nền tảng cho phân khúc bất động sản công nghiệp nói riêng, lĩnh vực bất động sản nói chung thời gian tới.
Cùng quan điểm, ông John Campbell - Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tư vấn công nghiệp, Savills Hà Nội nhìn nhận, bối cảnh thương mại toàn cầu đang trở nên phức tạp, nhưng việc Việt Nam nhanh chóng tham gia đàm phán cho thấy sự chủ động của Chính phủ trong giải quyết vấn đề.
Trong khi đó, các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn rất vững chắc, với cam kết duy trì mặt bằng lãi suất thấp, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và tận dụng biến động tỷ giá để giữ lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.
“Thị trường bất động sản công nghiệp trong nước đang ở thời điểm bản lề. Từ nền sản xuất có giá trị gia tăng thấp, Việt Nam chuyển mình sang định hướng phát triển công nghệ cao, đa dạng và có tầm nhìn dài hạn. Với vị trí địa lý thuận lợi, chính sách đầu tư hấp dẫn, lực lượng lao động dồi dào, quỹ đất công nghiệp lớn cùng cam kết phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực trong dài hạn, Việt Nam không chỉ mở cửa thu hút đầu tư, mà còn sẵn sàng cho sự thay đổi để thích ứng”, ông John Campbell nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm, chiến lược đa dạng hóa này đang giúp Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp toàn diện và cân bằng, đủ sức vượt qua những tác động ngoại sinh và duy trì đà tăng trưởng dài hạn.
Với nền tảng vững chắc, niềm tin gia tăng từ các nhà đầu tư và đồng hành chiến lược từ Chính phủ trong phát triển bền vững và công nghệ cao, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẵn sàng vươn lên dẫn đầu khu vực trong kỷ nguyên thịnh vượng bền vững.