Aa

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Kích hoạt để hút dòng vốn ngoại

Thứ Năm, 07/09/2023 - 06:00

Ngày 7/9/2023, UBCKNN sẽ chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và tiến độ triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.

Nếu như thành công trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán, đây sẽ là một "cú hích" lớn lên thị trường. Vậy nâng hạng thị trường chứng khoán là gì và mục tiêu nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam như thế nào?

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn cần điều kiện gì để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng?

Ngày 29/8/2023, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì Hội nghị Gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác với chủ đề “Khai mở tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam - hướng tới vị thế thị trường mới nổi”.

Tại Hội nghị, theo đánh giá chung các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới, đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding); và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nâng hạng thị trường chứng khoán là gì?

Nâng hạng thị trường chứng khoán là việc một thị trường chứng khoán của một quốc gia được nâng hạng theo đánh giá tổ chức xếp hạng uy tín. Thị trường được nâng hạng đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí xếp hạng thị trường tương ứng và thông qua bước xét duyệt, đánh giá của tổ chức xếp hạng. Các thị trường trên thế giới được phân loại vào 3 nhóm chính, từ thấp đến cao là:

Thị trường Cận biên (Frontier Market)

- Thị trường Mới nổi (Emerging Market)

Thị trường Phát triển (Developed Market)

Theo xếp hạng, Thị trường Chứng khoán Việt Nam đang ở top thấp nhất là Thị trường Cận biên (Frontier Market). Và việc xem xét, đánh giá và phân loại các thị trường trên thế giới do ba tổ chức lớn thực hiện là MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jone. Mỗi tổ chức có danh sách các tiêu chí đánh giá riêng, tuy nhiên đều tập trung vào các khía cạnh cơ bản như:

Ổn định chính trị

Quy mô thị trường

Mức độ phát triển kinh tế

- Tính thanh khoản của thị trường 

- Khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài 

- Khả năng lưu chuyển vốn và hiệu quả vận hành của thị trường.

Mỗi năm các tổ chức này sẽ tiến hành đánh giá và xếp hạng thị trường một lần. Thị trường nào đạt chỉ tiêu sẽ được nâng hạng, thị trường nào tiềm năng sẽ được đưa vào danh sách dự bị cho năm sau, thị trường nào không đáp ứng tiêu chí thì không được thăng hạng.

Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng đến nâng hạng lên Thị trường Mới nổi (Emerging Market) và Việt Nam đã đạt được hầu hết các tiêu chí quan trọng và chỉ còn hai vấn đề cần tháo gỡ đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Ảnh minh họa:

Những lợi ích khi thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng thành công

Thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

So với Thị trường Cận biên, Thị trường Mới nổi có tiềm năng phát triển, quy mô và chất lượng lớn hơn. Dòng vốn đầu tư vào Thị trường Mới nổi cũng ổn định hơn. Do vậy, nâng hạng thị trường lên sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường nhiều hơn, đặc biệt là các nguồn đầu tư thụ động như ETF.

Thực tế, mặc dù chỉ hơn 1 bậc xếp hạng, số vốn đầu tư vào Thị trường Mới nổi cao hơn rất nhiều so với vốn đầu tư vào Thị trường Cận biên. Các công ty ETF lớn trên thế giới cũng ưu tiên và tập trung vào các Thị trường Mới nổi hơn, tăng nguồn vốn nước ngoài đổ vào thị trường trong nước.

Tạo áp lực để thị trường Việt Nam thay đổi và phát triển

Muốn nâng hạng thị trường chứng khoán, bắt buộc thị trường chứng khoán Việt Nam phải đáp ứng đủ các tiêu chí xếp hạng. Điều này tạo áp lực buộc thị trường Việt Nam phải thay đổi, cải thiện các điều kiện về khung pháp luật, hệ thống giao dịch, công bố thông tinh minh bạch và rõ ràng. Điều này làm tăng uy tín, sự tin tưởng của nhà đầu tư hơn, thu hút thêm những dòng tiền của các nhà đầu tư mới.

Bên cạnh đó, trong quá trình xem xét, đánh giá xếp hạng thị trường, các tổ chức xếp hạng cũng giúp Việt Nam hiểu được tình hình hiện tại, tình trạng đáp ứng các tiêu chí xếp hạng. Sau đó, đưa ra những góp ý về tiêu chí còn thiếu và hỗ trợ đưa ra giải pháp khắc phục.

Dự kiến, nếu nhanh chóng, việc nâng hạng sẽ hoàn thành vào đầu năm 2024. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng thành công, đây sẽ là một cú hích to lớn cho thị trường ngày càng phát triển. Nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ là nhóm được hưởng lợi trực tiếp từ việc này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top