Aa

Nắng mưa là bệnh của trời...

Thứ Ba, 07/06/2022 - 06:06

Nắng mưa là bệnh của trời. Nắng mưa là quy luật của tự nhiên, là sự đỏng đảnh của đất trời. Nắng mưa cũng vô tình sinh ra biết bao hỉ, nộ, ái, ố cho con người...

Nắng mưa là bệnh của trời. Nắng mưa là quy luật của tự nhiên, là sự đỏng đảnh của đất trời. Nắng mưa cũng vô tình sinh ra biết bao hỉ, nộ, ái, ố cho con người. Nhiều khi vì thương, yêu con người mà đỏng đảnh, tựa như mọi cô gái khi biết mình được yêu đều thích uốn éo, đỏng đảnh với người yêu mình.

Đúng vậy, thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam quá nhiều ưu đãi. Đất nước mưa nắng bốn mùa mà thành gấm vóc. Từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đất nước “ưỡn ngực” trước hơn 3.260km chiều dài bờ biển. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Biết bao nhiêu tiềm năng, nguồn lực từ đó.

Cũng xin nói cho trọn vẹn định nghĩa. Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Nói về sông, hẳn nhiên ai cũng thấy trên cả tuyệt vời. Rất nhiều hệ thống sông, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là hệ thống sông Hồng (phía Bắc) và hệ thống sông Mê Kông (phía Nam). Tất cả các dòng sông đều hướng về phía biển. Biết bao tiềm năng, nguồn lực từ đó.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam quá nhiều ưu đãi. Đất nước mưa nắng bốn mùa mà thành gấm vóc. (Ảnh: Internet)

Đất nước bốn mùa mưa nắng chan hòa. Nếu như nước là sự sống thì mưa là hy vọng. Con người sống trên dải đất đẹp óng ả hình chữ S có đầy đủ dư địa của sự sống cũng như hy vọng về tương lai.

Có điều, thiên nhiên mưa nắng nhiều khi cũng làm cho con người đến sầu não, giống như được “người yêu” của mình là trời đất dằn hắt, làm tình làm tội. Thưa trận mưa ở phía Bắc (tập trung ở Hà Nội) vào chiều 29/5 làm thủ đô Hà Nội trở thành “biển nước”, giao thông rối loạn là một ví dụ. Báo chí, mạng xã hội ngay lập tức chan đầy hình ảnh về thành phố, hình ảnh “bơi trên phố”, con người thật tội nghiệp.

Báo chí, mạng xã hội thêm một lần được chất vấn. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS. Trần Hồng Hà, khi được chất vấn, ông cho rằng không chỉ Việt Nam mà ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu cũng không có hạ tầng nào chịu đựng được mưa lớn dồn dập vào một thời điểm. Vâng, có thể không hạ tầng nào chịu được, do thời tiết diễn biến cực đoan. Nhưng, cha ông dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, có gì là lỗi của con người trong ngập lụt không?

Đất nước đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tất nhiên là đô thị hóa. Từ một nước nông nghiệp, đến cuối năm 2020, nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu Việt Nam tạm gọi là đã hình thành được cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị thì quá nhiều hạn chế. Đô thị Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Có một điều rõ ràng, ai cũng nhận ra, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Năng lực quản lý và quản trị đô thị của chính quyền, chậm được đổi mới, quả đáng bàn.

Những trận mưa lớn biến Hà Nội trở thành “biển nước”. (Ảnh: Báo Tin tức, VnExpress)

Thưa, nguyên nhân “bơi thuyền trên phố” thì đến dân cũng biết, chẳng cần các nhà khoa học, các nhà quản lý lên tiếng. Đầu tiên, trực tiếp là quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, không riêng Hà Nội đâu.

Đại La xưa, nơi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) chọn làm Kinh đô nước Việt, quả là có một không hai. Đó là nơi “Trung tâm trời đất, địa thế rộng mà bằng, đất cao mà thoáng, địa thế đẹp, lợi ích mọi mặt. Dân cư khỏi chịu cảnh ngập lụt, mọi vật phong phú, tốt tươi, là mảnh đất thịnh vượng nên xứng đáng là nơi định đô bền vững, là nơi để phát triển, đưa đất nước phát triển phồn thịnh”, (Chiếu dời đô).

Cũng phải nói thêm rằng, trong muôn vàn ưu thế trời đất cho Hà Nội, có không gian mặt nước - nét đặc trưng của Hà Nội. Hà Nội “thành phố trong sông”, từng được người Pháp ví là Venice phương Đông, đẹp không thể chịu được. Thủ đô Hà Nội nổi tiếng với hệ thống sông bao bọc: sông Hồng, sông Tích, sông Đáy, sông Đuống, sông Tô Lịch… Trong nội đô còn có các con sông nhỏ như sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét… Hệ thống dòng chảy cùng những hồ điều hoà đã tạo nên một bản sắc đô thị rất riêng của Hà Nội.

Cách đây 25 - 30 năm khi Hà Nội bắt đầu "cống hoá" hệ thống nhánh sông Tô Lịch, sông Lừ... ngoằn ngoèo trong nội đô, KS. Lê Sỹ Thục - một nhà đa dạng sinh học, một người rất yêu Hà Nội, đã khóc. Vẫn biết do bất lực trước ô nhiễm mà phải lấp nhưng ông kêu lên: "Rồi Hà Nội sẽ chưa mưa đã ngập cho mà xem". Ông phân tích rằng lấp sông, lấp hồ là triệt tiêu công năng thoát nước của tự nhiên. Một thành phố rất ít không gian tĩnh cho vườn hoa, khu vui chơi giải trí thì hết khả năng thấm, ngấm nước khi mưa, lũ... Không chỉ lấp hồ, kênh tiêu thoát bị "cống hóa" triệt để. Với những hồ giữ lại được một phần nào đó (trừ hai danh thắng là Hồ Gươm và Hồ Tây), nhiều hồ còn bị "bê tông hóa" đến tận đáy hồ. Hồ trong nội đô bỗng nhiên trở thành những hố ga chứa nước thải, không hơn không kém.

Thưa, Hà Nội hiện nay đúng là “không gian của bê tông”, mưa xuống nước chỉ chảy tràn trên bề mặt, tìm các hố ga tiêu thoát là rất khó khăn, thoát rất chậm. Không ngập mới lạ. Thưa, TS. Trần Hồng Hà nói là có lý. Hà Nội làm sao đào lại được hồ đã lấp, làm sao khôi phục được hệ thống các nhánh sông, mương như trước đây nữa? Đó là công năng tự nhiên, vĩnh cửu. Đáng tiếc đã bị triệt tiêu.

Phải bắt đầu từ quy hoạch. Quy hoạch phải có tầm nhìn 50 đến 100 năm. Về chuyện này, đáng buồn khi nghĩ đến Hà Nội, khu phố Pháp quy hoạch cách đây 100 năm lại ít ngập lụt; trong khi đó những khu phố mới, nhất là phía Tây, Tây Nam như Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân lại thường chưa mưa đã ngập. Tầm nhìn ngắn hạn, hở ra tí đất nào là “liên kết” xây cao ốc để bán, làm cho Hà Nội ngày càng dày đặc “nam châm khổng lồ” hút người và phương tiện. Đáng buồn khi nhắc đến “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” của Hà Nội. Vỡ nát vì quản lý quy hoạch, xem giắm kiếm lời.

Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội

Đáng ra quy hoạch phải là “hành lang pháp lý” đầu tiên của việc xây dựng và quản lý đô thị nhưng mãi loay hoay. Mãi đến đầu thế kỷ 21 chúng ta mới có Luật Quy hoạch (Luật số 21/2017/QH14) và Luật Quy hoạch đô thị (Luật số 30/2009/QH12). Điều này chỉ có ý nghĩa với đô thị mới. Với những đô thị, khu đô thị bê tông đã cắm sâu chín tầng đất, sao khắc phục được?

Đến năm 2025, đô thị Việt Nam sẽ đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Đây là những mục tiêu cụ thể được nêu ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đã gọi là đô thị hiện đại, nó phải liên kết hệ thống thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Không phải cứ xây nhà thật nhiều, bê tông “hoàn hảo” thì có thành phố. Quan trọng hơn là văn hóa đô thị của cư dân. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Trong bước đường đến hy vọng Việt Nam có đô thị lọt vào nhóm “trung bình cao” của khu vực, thật ra còn rất nhiều việc để làm. Trước là, hoàn thiện thể chế, chính sách; sau là nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị theo hướng bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Sau nữa là, phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tất nhiên, phải xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị. Cuối cùng là, phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Tôi có người bạn, năm 1995 khi thị xã Thanh Hóa quê hương anh được nâng lên thành phố, anh có viết bài phóng sự “Đường tới thành phố” trên báo Lao Động. Bài báo khá thú vị. Đến bây giờ các vấn đề anh đặt ra, nguyên đó, thời sự. Không phải cứ xây nhà thật nhiều, bê tông “hoàn hảo” thì có thành phố. Quan trọng hơn là văn hóa đô thị của cư dân. Hành trình này, thật nhọc nhằn.

Nắng mưa là bệnh của trời, ngập lụt chắc chắn, trước hết do con người. Bỗng, tôi nhớ bài thơ “Người đàn bà sinh ra từ mưa” của nhà thơ Hoàng Thụy Anh, với tất cả nỗi niềm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top