Aa

Nên đầu tư vào đâu trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động?

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Bảy, 18/11/2023 - 06:00

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển khó lường, tiền gửi vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn dù lãi suất tiền gửi đã giảm. Nhưng trong trung, dài hạn TTCK sẽ là kênh đầu tư tiềm năng.

Cần lựa chọn kênh đầu tư phù hợp

Có thể thấy, năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù được đánh giá cao về sự ổn định nhưng Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn. Các chuyên gia dự báo rằng, lạm phát, suy thoái kinh tế, sự thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước, bất ổn địa chính trị sẽ còn kéo dài và khiến toàn cảnh kinh tế cũng như môi trường đầu tư có nhiều thay đổi. Do đó, các nhà đầu tư đều phải nhanh chóng thích nghi và chủ động tìm ra cơ hội mới cho chính mình.

Báo cáo nghiên cứu Thị trường bất động sản Việt Nam: Hành trình “vượt bão” và động lực phục hồi” của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) nhận định, những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 sẽ là giai đoạn nhiều thách thức, song cũng có không ít các cơ hội. Việc đầu tư vào lĩnh vực nào sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tình hình tài chính, kiến thức, kinh nghiệm và khẩu vị rủi ro của từng cá nhân; sẽ không có một công thức chung nhất cho toàn bộ các nhà đầu tư. 

Do đó, trước bối cảnh bất định và những khó khăn vẫn còn tồn tại, nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã đưa ra những kênh đầu tư trên thị trường hiện nay mà nhà đầu tư có thể cân nhắc, cụ thể: 

Thứ nhất, kênh gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong những năm qua, gửi tiết kiệm ngân hàng được cho là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả, đem lại lãi suất cao, dễ thực hiện đối với tất cả các nhà đầu tư. Trong bối cảnh những rủi ro, bất định từ môi trường vĩ mô quốc tế vẫn chưa chấm dứt, đây vẫn là kênh đem lại lợi nhuận ở mức khá, an toàn so với các kênh đầu tư khác trong năm 2023. 

Kênh gửi tiết kiệm tại các ngân hàng vân đem lại lợi nhuận ở mức khá, an toàn so với các kênh đầu tư khác trong năm 2023. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Tuy nhiên, từ tháng 3/2023 đến nay, lãi suất gửi tiết kiệm có xu hướng giảm dần do các NHTM thực hiện giảm lãi suất huy động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, đồng thời, xu hướng của NHNN sẽ điều chỉnh giảm các mức lãi suất để hỗ trợ các NHTM, cũng như doanh nghiệp và người dân, khiến lãi suất huy động dự báo có thể sẽ giảm. 

Thứ hai, kênh đầu tư vàng. Trong năm 2023, tỷ suất sinh lời của kênh đầu tư này chỉ ở mức trung bình, không thực sự hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Đây là kênh đầu tư phụ thuộc nhiều vào tình hình quốc tế, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại Ukraine, cũng như động thái của NHTW các nước và các biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. 

Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, nếu các yếu tố trên diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn sẽ tác động mạnh hơn đến thị trường tài chính. Khi đó, vàng sẽ nổi lên là kênh trú ẩn an toàn, ổn định. 

Thứ ba là kênh đầu tư trái phiếu. Trong thời gian qua, các vụ việc trên thị trường đã cho thấy rủi ro của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là khá lớn. Trước những khó khăn của thị trường này, Chính phủ đã có nhiều động thái siết chặt hoạt động phát hành TPDN, giúp thị trường trở nên an toàn, phát triển bền vững hơn về dài hạn như ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi một số nội dung Nghị định 65/2022/NĐ-CP; đồng thời quyết liệt xử lý những vi phạm liên quan đến phát hành TPDN.

Kênh đầu tư thứ tư được Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đưa ra là kênh đầu tư cổ phiếu. Nhìn chung toàn thị trường, đầu tư cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư nên được xem xét, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2023 và tình hình doanh nghiệp vẫn được dự báo tích cực (GDP dù tăng thấp hơn năm 2022 song vẫn ở mức khá, lạm phát được kiểm soát; tình hình sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời của doanh nghiệp cũng tương đối khả quan). Đáng chú ý, các đợt điều chỉnh vừa qua khiến mức giá của các cổ phiếu đã về mức hấp dẫn, đặc biệt để đầu tư dài hạn. 

Cuối cùng là thị trường bất động sản. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, từ cuối năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản chững lại do một số khó khăn, vướng mắc mà nổi cộm nhất là vấn đề về pháp lý và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan đến ngành; đồng thời thực thi các giải pháp lành mạnh, minh bạch hóa thị trường, quyết liệt xử lý các vụ việc vi phạm trong thời gian qua. 

Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi từ quý II/2024. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Do đó, để hỗ trợ và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng và yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, nhằm đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đó hỗ trợ người mua nhà và các dự án bất động sản đáp ứng đầy đủ điều kiện về pháp lý, có khả năng trả nợ… Vì vậy, trong bối cảnh lãi suất giảm dần, dự báo tình trạng trên sẽ giảm dần và tâm lý nhà đầu tư sẽ tích cực hơn. Do đó, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi từ quý II/2024. 

Như vậy, VIRES cho rằng, việc lựa chọn kênh đầu tư phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và khả năng tài chính của từng nhà đầu tư. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tại từng thời điểm, các nhà đầu tư cần giữ nguyên tắc phân bổ nguồn vốn của mình vào các kênh khác nhau, không “bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro. 

Thị trường chứng khoán sẽ là kênh đầu tư tiềm năng

Trao đổi với Reatimes, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh thị trường quốc tế cũng như trong nước còn nhiều bất định, các kênh đầu tư khác đều đang có vấn đề thì kênh đầu tư được cho là an toàn nhất hiện nay chính là kênh gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Mặc cho lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng lớn về mức thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Đánh giá về những kênh đầu tư khác, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, thị trường bất động sản vẫn cần một khoảng thời gian nữa để tái cấu trúc và hồi phục vì đã trải qua giai đoạn trầm lắng và gặp khó khăn trong thời gian dài. Trên thực tế, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã vào cuộc quyết liệt để tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Và sự ấm lên rõ rệt của một số phân khúc trên thị trường như chung cư tại các thành phố lớn đã cho thấy những chính sách đang dần thẩm thấu và giúp cho thị trường có sự chuyển mình tích cực.

 PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Reatimes)

Còn đối với kênh đầu tư vàng, ông Thịnh cho rằng đây cũng không phải là kênh đầu tư ổn định và mang lại lợi nhuận cao vì giá vàng thế giới cũng được dự báo có nhiều biến động khó lường, có lúc tăng rất cao nhưng cũng giảm sâu. Do đó, kênh đầu tư này đã không còn sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư trong nước.

Vì vậy, khi đánh giá về kênh đầu tư tiềm năng trong thời gian tới, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện nay thị trường chứng khoán đang là một kênh đầu tư tương đối hấp dẫn. Được biết, kênh đầu tư chứng khoán đang được hưởng lợi từ các động lực đến từ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được nới lỏng, lãi vay giảm và giải ngân đầu tư công tích cực. Do đó, các nhà đầu tư có thể cân nhắc việc đầu tư vào kênh chứng khoán trong thời gian tới. 

Về trung và dài hạn, dù ở bất kỳ kênh đầu tư nào thì nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị khối lượng kiến thức, sự am hiểu và kinh nghiệm của mình đảm bảo sự hài hòa giữa rủi ro và lợi nhuận, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý. 

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, thời gian qua sau những nhịp điều chỉnh thì nhà đầu tư có thể lựa chọn kênh đầu tư chứng khoán để đầu tư trong trung hạn. Vì nếu đầu tư trong ngắn hạn thì sẽ còn rất nhiều yếu tố bên ngoài tác động mà chúng ta không thể tự kiểm soát được. 

“Thời gian tới, thị trường hoàn toàn có thể có nhịp điều chỉnh mới trên cơ sở lãi suất thấp. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ không gặp quá nhiều rủi ro nếu lựa chọn đầu tư chứng khoán trong trung hạn. 

Đặc biệt, cổ phiếu chứng khoán sẽ có những chuyển biến tích cực và là nhóm có tính “dẫn sóng” trong nhịp hồi phục của thị trường”, ông Trần Đức Anh cho biết. 

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). (Ảnh: KBSV)

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia độc lập Phan Dũng Khánh cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 tháng vừa qua mặc dù gặp khó khăn nhưng trên thị trường tài chính nói chung nhưng có thể thấy chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận tốt nhất. Điều này thể hiện rõ rệt ở giai đoạn 8 tháng đầu năm. Nhiều cổ phiếu có mức tăng không chỉ tính bằng phần trăm mà còn tính bằng lần nếu tính từ đáy cuối tháng 11/2022.

Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, thị trường đang có nhiều yếu tố để hỗ trợ, nhưng một trong những điểm đặc biệt nhất là chính sách điều hành tại Việt Nam vô cùng linh hoạt, hỗ trợ cho thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Đặc biệt, trong năm 2023, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 4 lần liên tiếp nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại hạ lãi suất 4 lần liên tiếp để hỗ trợ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, nền kinh tế dù còn nhiều khó khăn giai đoạn nửa đầu năm nhưng càng về cuối năm, các số liệu về kinh tế vĩ mô càng được cải thiện. 

Chính vì vậy, ông Phan Dũng Khánh đánh giá, thị trường điều chỉnh trong thời gian qua không phải là điều quá ngạc nhiên. Song nhờ những cơ hội như vậy, những người có tỷ trọng tiền mặt cao mới có cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu trong thời gian tới. 

“Có thể nói, trong năm 2023, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư đứng số một bên cạnh nhữngchính sách điều hành linh hoạt, hỗ trợ nhiều cho thị trường và nền kinh tế”, chuyên gia độc lập Phan Dũng Khánh nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top