Tính chu kỳ và những tác động...
Trong năm 2023, các nền kinh tế lớn đã có nhiều chính sách về thắt chặt tiền tệ, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán (TTCK) cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, chính sách thắt chặt của Mỹ diễn ra rất nhanh và mạnh khiến đồng USD tăng giá, gây áp lực lên điều hành chính sách tỷ giá của các nước, đồng thời có những bất ổn về tài chính, nợ gia tăng... Đối với các doanh nghiệp trong nước cũng gặp khó khăn khi tổng cầu của thế giới suy giảm, tăng trưởng kinh tế ở một số nước giảm đi, ảnh hưởng đến hoạt động đầu ra của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong 10 tháng của năm 2023, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, sát sao trong việc chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, như giảm lãi suất huy động, gia hạn, giãn, giảm thuế, cơ cấu lại các khoản nợ... Cùng với đó là các chính sách tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản như vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp, hay các chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư công. Chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp đã có từng bước phát triển trở lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Với TTCK Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đã diễn ra tương đối ổn định. Nhờ những chính sách của Chính phủ, đặc biệt là thúc đẩy giảm lãi suất cho vay của ngân hàng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp thúc đẩy sự tăng trưởng trên TTCK.
Mặc dù trong quý I/2023, thị trường còn trầm lắng, nhưng từ tháng 5 đến tháng 8, thị trường đã tăng cả về quy mô, tính thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia mở mới tài khoản. Đặc biệt trong tháng 9, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ghi nhận số lượng tài khoản mới tăng lên 1 triệu tài khoản và hiện con số theo thống kê vào ngày 30/10 là 7,8 triệu tài khoản nhà đầu tư.
Sau thời gian tăng trưởng mạnh cả về giá trị giao dịch, thanh khoản cũng như điểm số trên TTCK, nhất là giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8/2023, sang tháng 9, tháng 10, chúng ta thấy thị trường bắt đầu có những phiên điều chỉnh.
Có thể thấy, việc tăng giảm này cũng có tính chu kỳ và có tác động bởi những yếu tố về địa chính trị trên thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư tham gia thị trường. Khi nhìn sang các thị trường khác cũng có sự điều chỉnh tương tự như ở Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, với công tác điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ, đảm bảo các cân đối lớn trong nền kinh tế, thì các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dần được gỡ bỏ những khó khăn, vướng mắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ có chuyển biến tích cực.
Vì vậy, chúng tôi tin tưởng vào hoạt động của TTCK trong thời gian tới và muốn gửi tới các nhà đầu tư thông điệp rằng: Hãy tin tưởng vào hoạt động của TTCK Việt Nam trong hoạt động đầu tư của mình, cần cân nhắc kỹ trước khi ra những quyết định đầu tư trên cơ sở xem xét các vấn đề về kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng của các thị trường thế giới và nội tại của chính doanh nghiệp.
Đồng thời, nhà đầu tư nên tìm đến các kênh thông tin chính thống từ phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý, không để những thông tin giả mạo có thể ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư của mình.
Nỗ lực lành mạnh hóa thị trường
Về vấn đề nâng hạng TTCK, trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính đã cùng các bộ ngành, cơ quan liên quan tích cực trong việc tìm ra các giải pháp khả thi, để có thể đạt được việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi theo hai tổ chức xếp hạng là MSCI và FTSE.
Theo đó, Bộ Tài chính đã làm việc trực tiếp với hai đơn vị xếp hạng này và họ đánh giá rất cao nỗ lực, quyết tâm từ phía cơ quan quản lý. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát, điều chỉnh một số văn bản pháp lý để có thể giải quyết dứt điểm các vấn đề, sớm thực hiện mục tiêu đặt ra.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về TTCK, mục tiêu của UBCKNN là làm sao để TTCK trở thành kênh huy động vốn quan trọng, chủ yếu cho các doanh nghiệp tham gia trong nền kinh tế và cũng là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Chúng tôi vẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc rà soát nghiên cứu các sản phẩm cũng như đưa ra văn bản pháp lý nhằm đảm bảo thị trường hoạt động theo đúng mục tiêu đề ra.
Thứ nhất, UBCKNN sẽ rà soát để cải cách các thủ tục hành chính trong việc công bố thông tin của các đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo việc công bố thông tin theo một đầu mối.
Thứ hai, tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp, cũng như các thành viên thị trường để đảm bảo hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư được an toàn, minh bạch, giảm thiểu tác động không tốt từ các giao dịch vi phạm, các quy định về Pháp luật Chứng khoán.
Thứ ba, là tăng cường hoạt động công bố thông tin của các công ty đại chúng và chất lượng của các báo cáo kiểm toán, thông qua việc phối hợp với Hội Kiếm toán để tăng cường chất lượng kiểm toán viên.
Thứ tư, biện pháp chúng tôi đã thực hiện xuyên suốt trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới đó là tăng cường công tác tuyên truyền thông tin tới các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp về các thông tin chính thống một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ, giúp nhà đầu tư không bị ảnh hưởng bởi những tin đồn giả mạo, thất thiệt gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của mình./.
Phạm Thị Thùy Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN