Aa

Nếu thật sự yêu thương con cháu mình

Thứ Năm, 08/08/2019 - 07:00

Bản năng sinh tồn trong người Việt từng rất mạnh. Nhưng giờ đây, ở một bộ phận lớn đã suy yếu rất nhiều. Vì nó không được đánh thức qua giáo dục kỹ năng. Đó là một thực tế!

 

Nửa đêm, khó ngủ, mở mạng ra xem. Đập vào mắt là tin đứa bé 6 tuổi, ngày thứ hai học lớp 1 tại Trường quốc tế Gateway, bị bỏ quên trên xe bus. Và đã chết...

Dòng đầu của tin không nói rõ ngay tên đứa bé. Một nỗi hoảng sợ bóp nghẹt tim. Đọc hai ba dòng vẫn chưa biết tên cậu bé. Nỗi hoảng sợ lớn đến nỗi trong ít giây ngừng lại không dám đọc tiếp, trong khi phản xạ tự nhiên là phải đọc ngay, phải biết ngay…

Rồi cũng đọc đến những thông tin về tên cháu bé, tên bố mẹ nó. Lại dừng lại lần nữa. Nỗi hoảng hốt ban đầu đã loãng ra, thay thế nó là một cảm giác trĩu nặng. Và bắt đầu nghĩ về nhiều thứ...

Năm 2011, tôi cùng với bạn bè lên Mù Cang Chải. Đến Lao Chải, tìm những đứa bé học lớp một xa nhà ở trong trường, tự nấu cơm ăn. Tất cả bắt đầu từ những tấm ảnh bạn bè mang về trước đó. Những đứa trẻ rất bé. 6 tuổi mà là trẻ nghèo miền cao thì chỉ bằng 2/3 đứa trẻ trong thành phố, dưới đồng bằng. Nghĩa là chúng bé lắm, nhẹ bỗng, đen gầy. Lý do không phải dòng giống hay gen gì đâu. Lý do vì chúng chỉ ăn mèn mén, tức là ngô bột nấu lên, có khi thiếu cả muối. Tự dắt díu nhau đến ở trong những lều lá gần lớp học. Tự nấu cơm ăn trong tuần. Chúng nó không có mâm, bát đĩa. Vì không cần. Một nồi cơm chúng tự nấu, rồi mỗi đứa một cái thìa, đứng xúc ăn. Không có gì nữa cả. Có tấm ảnh cậu con trai 6 tuổi nấu cơm bằng củi. Tấm ảnh ấy tôi đã lấy làm hình đại diện trên trang blog của mình (hồi đó chưa biết dùng FB). Trong mấy năm tôi đã dùng ảnh ấy.

Rồi lại nhớ tuổi thơ của chính mình. Hai anh em đi sơ tán. Bố đi lính, mẹ đi làm cả ngày. Chỉ hai anh em nấu cơm, nấu canh, tự lo cho mình. Hết củi đun, hai đứa đi nhặt lá và bòn những gốc rạ sót lại đã khô trên đồng. Lá và gốc rạ cháy rất đượm. Lúc đầu, bọn trẻ con trong làng khinh thường “bọn sơ tán”, coi là lũ “tồ toẹt” vụng về. Nhưng chỉ một thời gian sau, chúng tôi không thua kém gì chúng nó cả. Biết tìm cách bắt cá, tự vác ra đi vay gạo khi thùng gạo nhà cạn mà mẹ chưa về. Biết cuốc đất cho vườn nhà hàng xóm để đổi lại, có quyền sang vườn nhà họ hái rau. Biết chọn chỗ nước trong để tắm, và tiện thể hái rau muống bè. Thậm chí, nói thật, biết trộm khoai, trộm mía mà chủ ruộng không phát hiện ra hao hụt. Biết đối phó với mọi nguy hiểm, từ rắn rết đến sông ngòi sâu, nắng gắt. Biết nhìn trời và mây để xác định cơn mây đen phía nào sẽ có mưa lớn, chừng nào sẽ mưa, để vội vã hay thong thả tìm chỗ ẩn náu. Có lần đi với bạn, nó bị đuối nước, còn biết lao vào nhà bên cạnh chộp con dao chặt vội khúc cây chuối ném xuống cho bạn, chứ không lao xuống kéo vì biết sức mình không cứu nổi…

Một đứa trẻ ở vùng cao gian khó lại giàu sức sinh tồn hơn nơi thành thị.

Một đứa trẻ ở vùng cao gian khó lại giàu sức sinh tồn hơn trẻ em nơi thành thị.

Trong khi trẻ em thành phố giỏi tiếp cận công nghệ, nhưng rất kém về kỹ năng sinh tồn.

Trong khi trẻ em thành phố giỏi tiếp cận công nghệ, nhưng rất kém về kỹ năng sinh tồn.

Chuyện đã xảy ra rồi. Đứa bé 6 tuổi đã chết trong chiếc xe bus kín. Nghĩ mà thắt lòng. Chắc chắn là nó đã vô cùng hoảng hốt khi thức dậy ở ghế cuối xe và thấy mình bị bỏ lại một mình. Nó đã cuống quýt khóc và chạy khắp xe. Nó đã ngã, xây sát và chảy máu ngầm trong đầu. Nó đã bò lên tận ghế trên, chắc là đập cửa khản giọng gọi. Nó đã làm tất cả trong nỗi hoảng sợ. Nhưng không làm được gì thêm.

Đây là một tội ác, dù hầu như chắc chắn là sự bất cẩn. Những người có trách nhiệm, ăn lương từ học phí mà bố mẹ trẻ con có thể phải dùng toàn bộ suất lương của mình để trả, vì tin rằng con họ sẽ được dạy và chăm sóc xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Những người ấy phải chịu án hình sự do điều khủng khiếp mà họ gây ra. Nhưng không chỉ có thế...

Bây giờ, trên mạng, chúng ta bàn và nói nhiều. Rằng nếu như đứa bé biết rằng vẫn có nhiều cách để thoát chết. Có thể ấn và ngồi lên tay lái để còi xe kêu. Có thể bấm vào cái tam giác đỏ gần tay lái để đèn hiệu xe bật nháy. Có thể kiếm vật gì đó để đập vào thành xe hay kính xe gây tiếng động… Có thể có nhiều cách để đấu tranh vì mạng sống. Nhưng đứa bé đó chắc chỉ khóc và hoảng loạn. Không ai dạy nó những điều cần phải làm. Không ai nghĩ có lúc nó phải đối mặt với sự rủi ro kiểu này. Chúng ta cứ nghĩ con cháu chúng ta nhỏ lắm và cần trông nom. Nhưng chúng ta đâu có thể trông nom chúng liên tục được. Chúng ta nhờ cậy người khác trông nom. Và như trường hợp này, họ đã không trông nom…

Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu gặp hiểm nguy, cậu bé 6 tuổi người Mông nấu cơm ở Mù Cang Chải sẽ không bất lực. Và nhớ lại tuổi thơ của mình, tôi nghĩ lứa trẻ chúng tôi hồi đó cũng sẽ tìm cách để sống. Cho dù nỗi sợ lớn đến đâu thì bản năng sinh tồn được rèn giũa sẽ chỉ bảo. Ít ra, sẽ đấu tranh để tìm cơ hội, chứ không tê liệt vì hoảng sợ.

Trước kia, thời chiến tranh và đói khổ, và cả hiện nay, ở những nơi gian khó, trẻ con có khả năng tự vệ và thoát hiểm cao do hoàn cảnh tự nhiên rèn giũa. Tôi không có ý nói phải buộc con em chúng ta sống khó khăn khắc nghiệt. Giờ đây, khi những đứa trẻ được sống trong những điều kiện thị thành, khả năng ấy có thể có qua dạy dỗ kỹ năng. Và đó là điều chúng rất ít được chỉ bảo.

Ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam, trẻ em đuối nước có tỷ lệ rất cao. Ở thành phố trẻ tự lập trong hoạt động rất kém. Mà nói gì đến trẻ em, cả khi lớn rồi, kỹ năng sống vẫn có rất nhiều lỗ hổng. Tôi đã đi núi trong đoàn có nhiều thanh niên nước ngoài đi cùng. Điều ngạc nhiên là những cô cậu da trắng mắt xanh, dáng điệu rất “tồ toẹt” ấy lại rất biết leo núi. Họ từ chối ngồi lên xe máy vì thấy nguy hiểm. Họ đi bộ và đi giỏi hơn mọi người Việt cùng tuổi. Họ tự mang trên người nước uống, mang dao theo để chặt cây làm gậy chống trên đường. Còn các cô cậu người Việt leo đến lưng chừng, hỏi nhau xin nước uống, nhưng không ai có. Trên đường đạp xe xuyên Việt, tôi gặp những người nước ngoài một mình đi du lịch. Họ rất có kỹ năng và có thể đối phó với mọi điều xảy ra ở xứ sở lạ lẫm. Người Việt giờ cũng thường mượn ô tô hay xe máy của nhau. Đơn giản là nhận chìa khóa xe rồi ngồi lên dấn ga. Một lần ở nước ngoài, tôi chứng kiến một người mượn xe của bạn tôi sống bên đó. Anh ta không cầm chìa khóa rồi lên xe phóng đi. Suốt nửa giờ, anh ta hỏi han, rà soát mọi chức năng của xe, đi thử, kiểm tra và hỏi về mỗi cái bất thường riêng của xe mà anh ta cảm thấy. Chỉ khi đã rõ về mọi điểm, anh ta mới nhận xe và rời đi.

Trẻ em Việt say mê điện thoại di động, máy tính, nhưng là để chơi và xem. Còn trẻ em nước ngoài, những nước rất "thành thị", thì thạo sử dụng những ứng dụng an ninh trên điện thoại. Tôi cam đoan rằng bọn trẻ “tồ toẹt” nước ngoài ấy thạo hơn con em chúng ta nhiều cách giữ cho mình không bị sa vào nguy hiểm. Cẩn thận và chu đáo hơn con em chúng ta rất nhiều trong mọi chuyến đi, mọi lần tham gia hoạt động.

Bản năng sinh tồn trong người Việt từng rất mạnh. Nhưng giờ đây, ở một bộ phận lớn đã suy yếu rất nhiều. Vì nó không được đánh thức qua giáo dục kỹ năng. Đó là một thực tế. Đấy là chúng ta vẫn chưa là nước giàu có gì. Mới hơi thoát nghèo thôi, nhưng thế hệ “cậu ấm, cô chiêu” lại đông đảo hơn những nước giàu có phong lưu rất nhiều. Chúng không có lỗi. Lỗi ở nền giáo dục (gia đình, xã hội) không chú ý đến đánh thức bản năng tự bảo vệ ấy, chắc vẫn mạnh trong gen người Việt. Nhưng mạnh đến mấy mà không kích hoạt thì vẫn là vô ích mà thôi. Vậy nếu thương yêu cháu con mình, chúng ta phải làm sao đánh thức được những bản năng sinh tồn ẩn giấu ấy.

…Trường Gateway ấy chính là trường đứa cháu nhỏ nhất của tôi vừa vào học lớp 1 ngày 5/8.

Nó là đứa rất nhanh nhẹn, thông minh. Rất mê điện thoại và vi tính. Nhưng tôi cũng thấy nó không có nhiều kỹ năng nếu gặp hoàn cảnh nguy hiểm. Khi nỗi hoảng sợ qua đi, thấy sự bình tĩnh lại của mình cũng có một cái gì đó bất nhẫn. Vì không phải con cháu mình gặp nạn, nên nỗi hoảng sợ dịu đi. Nhưng đứa bé kia cũng như con cháu mình thôi. Bố mẹ ông bà nó đau đến chừng nào...

Để những nỗi đau ấy không xảy ra thêm, cần yêu thương con cháu đúng cách. Cần một sự dạy dỗ để đánh thức kỹ năng và bản năng sống trong chúng cho thật đầy đủ. Còn nếu chỉ thể hiện sự yêu thương bằng chăm chút, lo lắng, thì vẫn chỉ là trông chờ vào may mắn. Cuộc sống này có biết bao nhiêu những rủi ro mà ta không lường hết được. Mà những rủi ro con cháu chúng ta lại hay gặp phải đúng vào lúc chúng không có chúng ta bên cạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top