Aa

Ngẫm nghĩ từ chuyện "danh phù"

Thứ Ba, 29/08/2017 - 21:00

Cái danh hão, danh giả, danh đểu cũng có nhiều phần bắt nguồn từ chỗ chưa hiểu biết thấu đáo, rồi lòng tham, sự ác độc nhân lên mà kéo con người ta tìm đến với hão, với giả và đểu.

LTS: Một trong những nhu cầu tối quan trọng của mỗi con người là được tự khẳng định mình. Trong sự nghiệp, ai chẳng muốn thành danh, thế nhưng qua bài viết này của nhà văn Nguyễn Thành Phong, nhiều người ắt sẽ chột dạ mà soi lại mình, bởi hai câu thơ của Cụ nghè phó bảng Trần Doãn Đạt ở Vị Xuyên, Nam Định: “Hữu thức vô nan nan thức đáo/Vô danh bất hoãn hoãn danh phù”.

Một chàng ca sỹ, cũng khá “lắm” tiếng về nhiều chuyện, được trao cái bằng khen, ghi chức danh “Giáo sư âm nhạc”, gây ra nhiều bàn tán. Là chuyện “danh phù” thôi. “Danh phù” tức là cái danh hão, là cái danh phù phiếm. Người trao, người nhận, trong mắt người đời thông tuệ, là loại phù phiếm, hão huyền. Tất nhiên, chẳng có gì đáng bàn luận lắm.

Danh hão là thứ nên tránh, nhưng nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống, đến thế cục. Nó đáng cười phì một cái, chứ chẳng chết ai. Danh hão cũng lòe được khá nhiều người đấy, nhưng không qua được mắt người tinh tường, tự trọng, có kiến giải riêng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Danh hão không đáng sợ như danh giả, danh đểu. Có cái bằng khen ghi giáo sư, tiến sỹ “hão” treo ở nhà, trong mắt người có học, là nhục. Người mang danh hão là người học hành không đến nơi đến chốn, nhưng không đáng ngại, đáng sợ, vì chưa hẳn đã là người gian dối. Danh hão thì chỉ đôi lúc chém gió chỗ này chỗ kia, thế thôi. Nhưng nếu chạy chọt, gian trá, luồn lọt, mua bán, làm giả… để có cái bằng tiến sỹ, giáo sư…, để leo lên chức vị cao hơn, để bám ghế lâu hơn, để vinh thân phì gia, thì cái này rất đáng phỉ nhổ. Loại người này là người gian, người đểu. Vậy mà bây giờ, chuyện này diễn ra khá nhiều, với đủ hình thức tinh vi. Danh giả, danh đểu rồi thành chính danh, thì tất nhiên các giá trị sẽ đảo lộn, nhân đức mất gốc. Là chuyện buồn dài trong xã hội bây giờ…

Nhân chuyện này, nghĩ đến những chuyện lớn hơn, hệ trọng hơn, tôi lan man ngẫm chuyện người xưa dạy… Cụ nghè phó bảng Trần Doãn Đạt ở Vị Xuyên, Nam Định có câu: “Hữu thức vô nan nan thức đáo/Vô danh bất hoãn hoãn danh phù”, nghĩa là: Hiểu biết không khó khăn, khó khăn là hiểu biết thấu đáo. Không có danh tiếng không nhục, nhục là mang cái danh tiếng hão. Nhà văn Đỗ Chu rất thạo chữ thánh hiền, đã kể chuyện này trong thiên Tùy bút đặc sắc “Tản mạn trước đèn”.

Cụ Trần Doãn Đạt là cha đẻ Tam nguyên Hoàng giáp Trần Bích San. Trần Bích San đèn sách cùng thời với nhà thơ Nguyễn Khuyến. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam hơn 9 thế kỷ (1075-1918), chỉ có 5 người đỗ tam nguyên, đứng đầu 3 kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Trần Bích San, năm 26 tuổi đã đỗ Tam nguyên, được gọi là Tam nguyên Vị Xuyên, Nguyễn Khuyến đỗ sau, gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Khi nghe tin con trai đỗ đầu 3 kỳ thi, được giữ lại trong triều để làm quan luôn, cụ Trần Doãn Đạt ôm mặt khóc, lo con tuổi trẻ tài cao, dễ gặp tai họa về sau. Cụ đã làm hai câu thơ ấy gửi vào Huế để dặn con trai.

Là người thông minh, học rộng tài cao, lại được người cha như vậy rèn cặp nên Trần Bích San sau này là một nhân cách lớn. Ông đảm nhận nhiều chức quan, ở nhiều nơi, đề xuất nhiều kế sách để, nói theo ngôn ngữ thời nay, rèn luyện đào tạo cán bộ và trừng trị những kẻ nhũng nhiễu dân. Người ta nói nhiều đến hai vị Tổng đốc Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương đã lẫm liệt, bi tráng chọn lấy cái chết khi quân Pháp chiếm thành Hà Nội. Nhưng ít nói đến sự kiện Trần Bích San khi làm Tuần phủ Hà Nội, đã đuổi thẳng thiếu tướng hải quân, phó thủy sư đô đốc Dupré, đại diện cho quân đội Pháp, khi đến tiếp kiến ông, đã mang theo con chó và để nó hỗn. Sau này, khi phải vâng mệnh vua tham gia phái đoàn đi Pháp, biết là sẽ có chuyện cắt 3 tỉnh miền Đông Nam bộ cho họ, Trần Bích San đã nuốt đầy một bụng giấy bản mà chết khi mới 38 tuổi…

Ngẫm hai câu thơ dặn con của cụ Trần Doãn Đạt, thôi không nói chuyện lớn lao, lịch sử, chỉ liên hệ tới chuyện thường ngày, thì thấy, để đạt tới sự hiểu biết thấu đáo, là rất khó. Đây cũng là câu chuyện thời sự thời nay. Bây giờ, ta sống nhanh, nghĩ nhanh, có rất nhanh các thông tin, biết rất nhiều chuyện, nhưng có khi đấy toàn là cái vỏ thôi, chứ chưa phải là cái ruột…

Hiểu biết thấu đáo các câu chuyện ngoài mình rất khó. Ngay cả hiểu biết thấu đáo chính mình, cũng không dễ dàng gì. Ví dụ, ta làm một cái nhà. Vốn lâu rồi ngủ ở cái phòng chật, nay có điều kiện, thì làm phòng ngủ thật rộng cho đã. Một thời gian sống rồi mới thấy cái phòng ngủ rộng thênh, chả còn ấm cúng nữa.

Đi công tác, du lịch, thấy có cái bể bơi tắm rất thích, có phòng xông hơi rất tiện, rồi có phòng hát karaoke rất vui. Làm nhà, cố làm lấy cái bể bơi, đầu tư cả tiền tỷ cái phòng xông hơi, trang bị rất xịn cái phòng hát. Được vài bận tắm, xông hơi, rủ bạn đến nhà hát, rồi bể bơi để lá rụng, xông hơi để gỉ, phòng hát xếp đầy đồ cũ. Hóa ra mình thích tắm và xông, nhưng phải thay đổi ở nhiều nơi, nhiều khung cảnh. Hóa ra mình thích hát, nhưng phải tụ tập ở những chỗ khác nhau. Hóa ra mình chưa hiểu thấu đáo mình thành ra đã đầu tư tốn tiền bạc. Để cũng chán, đập đi thì tiếc.

Bây giờ người ta dễ cáu giận, dễ nổi xung, ứng xử vội vàng, sai lầm, nói chung là không thấu đáo, tất cả đều bắt nguồn từ không hiểu biết thấu đáo nhiều chuyện, mà dẫn đến.

Cái danh hão, danh giả, danh đểu cũng có nhiều phần bắt nguồn từ chỗ chưa hiểu biết thấu đáo, rồi lòng tham, sự ác độc nhân lên mà kéo con người ta tìm đến với hão, với giả và đểu.

Mà xã hội truyền thông bùng nổ nghe nhìn bây giờ đang càng ngày càng tăng tốc độ băng băng kéo đi, khó có thể trì giữ con người ta sống chậm lại. Thật khó mà cầm một cuốn sách, đọc chậm mà ngẫm nghĩ kỹ lưỡng.

Nhìn và ngẫm vậy, thì thấy chao ôi, buồn thật là buồn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top