Aa

Ngăn chặn trục lợi nhà ở xã hội

Thứ Hai, 10/07/2023 - 15:29

Câu chuyện nhà ở xã hội bị trục lợi khiến những người lẽ ra được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước lại mất cơ hội an cư, một lần nữa thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Như Thanh Niên vừa đề cập trong loạt bài Nhà ở xã hội rơi vào tay nhà giàu, tình trạng mua bán nhà ở xã hội (NƠXH) vẫn diễn ra trên thị trường bất chấp những quy định đã có về đối tượng thụ hưởng, thời gian sở hữu tối thiểu để có thể giao dịch sang chủ thứ 2; thậm chí có dự án NƠXH còn chưa xây xong nhưng "sản phẩm" đã được chào bán...

Phát biểu trên Thanh Niên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng: "Các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách về NƠXH tưởng chừng rất chặt chẽ, nhưng thực ra là rất lỏng lẻo và chưa sát với thực tế cuộc sống, nên nhiều người đã lợi dụng để lách luật".

Bãi đậu ô tô tại một khu nhà ở xã hội (Ảnh: Thanh Niên Online)

Tại sao lại có nghịch lý ?

Nhiều bạn đọc (BĐ) nhận định một khi "ai đó đã lách được luật thì đương nhiên tạo ra nghịch lý". BĐ Tiệp Phạm nêu: "Thật nghịch lý khi những người cần NƠXH lại không có điều kiện kinh tế hoặc khó tiếp cận nguồn vốn, còn những người thừa điều kiện kinh tế lại dễ dàng mua nhưng lại sử dụng sai mục đích ban đầu của NƠXH".

Phân tích thêm về nghịch lý này, BĐ Trịnh Mạnh Hoạch nhận xét: "Xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp như ở nước ta thì xảy ra tình trạng mua bán bất động sản là dễ hiểu, vì căn nhà khoảng 1 tỉ đồng thôi là đã khó cho người đủ tiêu chuẩn mua, nên chỉ có người thu nhập cao và giới mua bán bất động sản mua thôi. Vì vậy, ý kiến NƠXH chỉ cho thuê là phù hợp vì người thu nhập thấp mới có cơ hội ở. Hoặc phải quy định kéo dài thời gian từ 10 - 20 năm mới được bán".

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân của Công ty cổ phần Thủ Thiêm Group được môi giới rao bán, kèm theo cả cách thức “lách luật” (Ảnh: Thanh Niên Online)

Thậm chí ngay từ tâm lý của những người "đủ điều kiện mua NƠXH" cũng có những nghịch lý, như ý kiến của BĐ Mr Giao: "Nhiều người mua NƠXH không phải để ở mà mua xong lại cho thuê, tiền cho thuê đủ trả lãi ngân hàng. Sau một thời gian, khi đã có sổ họ lại đem bán".

Nghịch lý cũng đến từ câu hỏi chưa có lời giải đáp "Có hay không việc doanh nghiệp xây dựng NƠXH chỉ để tiếp cận ưu đãi tài chính ?". Tuy nhiên, không ít ý kiến BĐ cho rằng nếu đã đặt NƠXH vào mối quan hệ mua - bán thì không thể thoát nguyên lý của kinh tế thị trường.

BĐ Huỳnh Đức Á nêu ý kiến: "Người ta xây nhà không phải từ vốn ngân sách, nên họ cũng cần thu hồi vốn để nuôi bộ máy, tiếp tục kinh doanh và tồn tại chứ. Đây chính là kinh tế thị trường và chúng ta đã bỏ chính sách bao cấp về nhà ở".

Chìa khóa quản lý

Để tháo gỡ nghịch lý, BĐ Báo Thanh Niên đóng góp rất nhiều ý kiến, đa số đều mong chờ Nhà nước tiếp tục bổ sung các công cụ quản lý hiệu quả.

BĐ Lâm Nhật Hùng nêu: "Có những chính sách từ thời bao cấp nhưng có thể mang lại hiệu quả, như cho thuê để ở từ 10 - 20 năm mới cho mua (nhà ở hóa giá). Cần có quỹ NƠXH được Nhà nước ưu đãi quỹ đất, cấp vốn. Chủ đầu tư xây dựng NƠXH có thể là quận, huyện, phường, xã, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội... Cho người dân, công nhân, viên chức thuê theo giá thị trường hoặc ưu đãi thời hạn hợp đồng thuê từ 1 - 3 năm, được ưu tiên tái ký hợp đồng; thuê ở cố định từ 10 - 20 năm sẽ được quyền mua theo định giá hoặc thỏa thuận của chủ đầu tư".

BĐ Khiemthi đề nghị "có thể sử dụng ngay và luôn công cụ quản lý dữ liệu dân cư, sớm tích hợp đồng bộ tất cả thông tin cá nhân vào căn cước công dân để khâu quản lý, phân loại, đánh giá từng cá nhân đúng với tiêu chuẩn mua NƠXH".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top