Aa

TS. Đậu Anh Tuấn: Nhiều vấn đề nóng ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh năm 2023

Thứ Hai, 04/12/2023 - 06:00

Theo TS. Đậu Anh Tuấn, có lẽ thành công lớn nhất và quan trọng nhất khi nói về năm 2023 đó là duy trì được tình hình kinh tế vĩ mô ổn định. Song, doanh nghiệp trong năm 2023 phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam rất cao

Việt Nam sắp đi qua năm 2023 với nhiều thách thức và áp lực. Đây cũng là giai đoạn cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 mới đây, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có lẽ thành công lớn nhất và quan trọng nhất khi nói về năm 2023 đó là duy trì được tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, trong khi thế giới có quá nhiều biến động.

Tuy vậy, doanh nghiệp trong năm 2023 phải đối mặt với một số vấn đề nóng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Thời gian qua VCCI nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp về việc chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay cao và có xu hướng tăng.

TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: quochoi.vn) 

Cụ thể, chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam rất cao. Từ cuối năm 2022 cho đến đầu năm 2023, lãi suất của Việt Nam có biến động tăng mạnh, dù hiện nay đã có chiều hướng giảm khá nhanh.

“Tuy nhiên, đó là lãi suất ngắn hạn, lãi suất dài hạn và lãi suất trung bình của đồng tiền Việt Nam luôn cao hơn vài điểm phần trăm so với lãi suất của các đồng tiền khác trong khu vực”, ông Tuấn nói và cho biết, điều này xuất phát từ rủi ro kinh doanh tại Việt Nam vẫn cao, an ninh tài chính tiền tệ mặc dù được cải thiện nhưng vẫn kém so với các nước xung quanh, xếp hạng tín nhiệm quốc gia vẫn còn thấp.

Như Tổ chức xếp hạng Moody's đánh giá, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã tăng ba bậc, từ mức B2 năm 2012 lên mức Ba2 năm 2022. Đây là kết quả tốt giúp hạ lãi suất dài hạn của tiền đồng. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Malaysia, thì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vẫn kém nhiều bậc, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn hoặc lợi nhuận cao hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Mặc dù nhìn nhận được vấn đề, song theo đại diện VCCI, cản trở lớn nhất để giảm lãi suất dài hạn, nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia chủ yếu hiện nằm ở sự thiếu minh bạch về tài chính của các doanh nghiệp nhà nước và khả năng khó dự đoán của chính sách.

Do đó, việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cần được khẩn trương thực hiện. Ví dụ, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm.

Ngoài các khoản thuế, các doanh nghiệp Việt Nam tuỳ từng ngành còn phải nộp thêm các khoản tài chính ngoài ngân sách, điều này cũng làm cho doanh nghiệp bị đội chi phí kinh doanh.

Bên cạnh đó, chi phí vận tải và logistics của Việt Nam vẫn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hoàn thiện, mức độ kết nối giao thông chưa tốt. Việc triển khai các dự án giao thông lớn, trọng điểm gặp nhiều vướng mắc và thường xuyên chậm trễ. Mặc dù, Chính phủ rất nỗ lực trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia, song tình trạng chi phí vận tải cao vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa, đặc biệt là ở khu vực miền Nam. Mà nguyên nhân căn bản là cơ chế tài chính dành cho đầu tư hạ tầng của Việt Nam vẫn chậm đổi mới.

“Trong bối cảnh nền kinh tế đang thiếu vốn và cần cạnh tranh thu hút vốn, nếu các chi phí lao động quá cao thì dòng vốn sẽ không chảy vào nước ta.

Trong khi đó, các chính sách thu hút đầu tư mà Việt Nam áp dụng từ trước đến nay như ưu đãi thuế đang bị chặn lại do chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, thì việc thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu”, Phó Tổng Thư ký VCCI nhận định.

Cải cách chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật

Chia sẻ về khía cạnh các quy định pháp luật và thực thi pháp luật, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, năm 2023 cũng như nhiều năm trước, việc hoàn thiện thể chế và tăng cường chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm. Trong năm 2023, nhiều đạo luật lớn được sửa đổi như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...

Tuy nhiên, thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật. Các doanh nghiệp phản ánh tình trạng chất lượng các Quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp. Đặc biệt là quy chuẩn có chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp như Quy chuẩn 06 về phòng cháy chữa cháy.

“Một số tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy quá cao và cách áp dụng hồi tố và cứng nhắc đã tạo ra ách tắc và khó khăn trên thực tế. Nhiều dự án đầu tư, công trình xây dựng bị chậm trễ, phát sinh nhiều chi phí”, ông Tuấn nêu thực trạng.

Năm 2023, pháp lý là vướng mắc hàng đầu của thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Đi kèm với chất lượng pháp luật là việc đảm bảo thực thi pháp luật. Khảo sát doanh nghiệp hàng năm về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật.

Tỷ lệ doanh nghiệp “luôn luôn” hoặc “thường xuyên” dự đoán được sự thay đổi quy định pháp luật của chính quyền cấp tỉnh giảm từ mức 16% năm 2014 xuống mức 5% năm 2021 và 3,42% năm 2022. Doanh nghiệp càng nhỏ, khả năng dự đoán sự thay đổi pháp luật càng thấp.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, khả năng dự đoán việc áp dụng pháp luật của cơ quan chính quyền cũng thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ có thể dự đoán được việc thực hiện quy định quanh mức 3,48% năm 2022. Doanh nghiệp càng nhỏ, khả năng dự đoán áp dụng pháp luật càng thấp.

TS. Đậu Anh Tuấn: "Nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới".

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị một số giải pháp cần làm để nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật như:

(i) Tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch;

(ii) Nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới;

(iii) Các quy định theo hướng tăng nặng nghĩa vụ của doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện kéo dài hơn, thay vì mức chỉ 45 ngày như quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

(iv) Bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con, vì nếu doanh nghiệp vi phạm thì đã có biện pháp tước giấy phép;

(v) Áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm sự tuỳ tiện khi thi hành pháp luật.

Một điểm nổi bật nữa trong giai đoạn vừa qua là tình trạng đội ngũ cán bộ các cấp có xu hướng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định, né tránh làm việc.

“Do vậy, thời gian tới phải loại bỏ được tâm lý này, tạo ra tâm lý an toàn, hình thành nên động lực làm việc cho bộ máy các cấp là điều rất quan trọng”, TS. Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top