Báo cáo tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” sáng 19/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn tín dụng vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng đã triển khai cho vay một số chương trình đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Trong đó, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến ngày 31/3/2023, dư nợ của chương trình đạt 10.935 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm dư nợ được thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-CP của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 là 4.381 tỷ đồng.
Với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành việc giải ngân vào 31/12/2016 với doanh số giải ngân đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng. Đến nay, dư nợ cho vay của chương trình đối với khách hàng là 5,7 nghìn tỷ đồng.
Với các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách, hiện dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội của các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 3.854 tỷ đồng với hơn 208 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Tuy nhiên, với chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư với lãi suất thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho vay bình quân của 4 ngân hàng thương mại thì đến nay vẫn chưa phát sinh dư nợ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, ngày 1/4/2023, cơ quan này đã có văn bản số 2308/NHNN-TD hướng dẫn chỉ đạo các ngân hàng triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng từ 1/4/2023.
Ngày 20/4/2023, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 1551/BXD-QLN hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư nhằm triển khai 120.000 tỷ đồng hiệu quả.
Theo đó, Bộ Xây dựng ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.
Đến ngày 24/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thêm Công văn số 2931/NHNN-TD về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu Nghị quyết số 33/NQ-CP để triển khai Chương trình tín dụng giá trị 120.000 tỷ đồng theo đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này cũng đã có văn bản hướng dẫn triển khai chương trình thống nhất trên toàn hệ thống.
Tuy nhiên, đến nay chương trình 120.000 tỷ đồng vẫn chưa được giải ngân là do còn tồn tại một số nguyên nhân.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay còn hạn chế; ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa thực sự thu hút; việc xác định giá bán nhà ở xã hộicòn nhiều bất cập... Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN.
Ngoài ra, quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như: Điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.
“Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Vì vậy, tại Hội nghị, Ngân hàng Nhà nước đề xuất, để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, các Bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để nắm bắt và tiếp cận chương trình.
Với các ngân hàng thương mại, cần thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình triển khai danh mục các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng tới khách hàng của ngân hàng./.