Tại báo cáo phân tích, cập nhật ngành du lịch công bố mới đây, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI đã đưa ra những góc nhìn tích cực về tiềm năng của ngành cũng như liệt kê một số điểm sáng đầu tư sau khi du lịch trong nước mở cửa trở lại.
Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách năm 2022
Về diễn biến năm 2021, SSI Research nhìn nhận ngành du lịch tiếp tục đối mặt với khó khăn chưa từng có bởi ảnh hưởng của biến chủng Delta cũng như sự chặt chẽ trong việc áp dụng các nguyên tắc giãn cách xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 157,3 nghìn lượt (giảm 96% so với cùng kỳ), lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt, tổng thu từ du lịch thu hẹp về mức 180.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng với hơn 90% đơn vị dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh cũng như cắt giảm nhân sự. Năm 2021, hoạt động lưu trú du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với công suất phòng trung bình cả năm chỉ đạt 5%. Số lượng lao động trong ngành du lịch toàn thời gian chỉ còn tương đương 25% so với cả năm 2020.
Bước sang quý III/2021, Việt Nam đã chủ động tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ứng phó với làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, song song đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng với kỳ vọng thích ứng dần với đại dịch.
Thống kê của Bộ Y tế cho hay, mũi vắc-xin đầu tiên tại Việt Nam được tiêm vào ngày 08/03/2021, thì đến cuối tháng 9/2021, cả nước đã tiêm được hơn 40,2 triệu liều vắc-xin, trong đó có khoảng 23 triệu người đã được tiêm 1 liều và 8,6 triệu người tiêm đủ 2 liều. Nếu tính đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 (ít nhất 1 liều) cho người từ 18 tuổi trở lên ở Việt Nam đạt gần 99%, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều đạt 88,5%.
"Với chiến lược đúng đắn trong công tác tiêm chủng, số ca nhiễm nặng của Việt Nam giảm dần và tạo điều kiện cho nước ta tiến đến trạng thái “bình thường mới”, hay nói cách khác là tái mở cửa nền kinh tế. Ngành du lịch cũng không nằm ngoài xu hướng kể trên", báo cáo nêu.
Cụ thể, từ giữa tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động văn hóa thể thao và du lịch. Bộ cũng ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa với “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”, qua đó bắt đầu thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch. Nếu như trong tháng 10, số lượng khách nội địa chỉ đạt 750 lượt thì con số này trong 2 tháng cuối năm 2021 lần lượt là 2.500 và 5.250 lượt.
Khác với khách nội địa, ngành du lịch Việt Nam tiếp cận thận trọng với khách quốc tế qua nhiều giai đoạn. Từ tháng 11/2021, Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế trở lại một số vùng du lịch trọng điểm. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, nếu như số lượt khách quốc tế trong tháng 11/2021 là 400 thì quy mô trong tháng 12/2021 đã tăng lên 3.500 lượt.
SSI Research cho rằng, sau khoảng thời gian thí điểm, ngày 15/3 là cột mốc đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ hơn của ngành du lịch khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn để đón khách quốc tế, theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Một số quy định về việc mở cửa đón khách nước ngoài từ ngày 15/3 có thể kể đến như: Một, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS Cov-2; Hai, duy trì kết nối liên tục trong thời gian du lịch ở Việt Nam; Ba, có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 10.000USD…
Có thể thấy, mặc dù vẫn còn các quy định để đảm bảo an toàn phòng dịch, nhưng với định hướng mở cửa trở lại, đặc biệt với khách quốc tế của Việt Nam, đồng thời với việc mở cửa dần dần của các quốc gia khác trên thế giới, triển vọng hồi phục của ngành du lịch kể từ năm 2022 đang trở nên rõ ràng hơn. "Số lượt khách khó có thể quay lại ngay mức trước dịch, tuy nhiên, có thể xác định thời điểm khó khăn nhất của ngành du lịch đã rơi vào 2021", báo cáo nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400 nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi?
Cũng theo báo cáo, ngành du lịch mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Du lịch, lữ hành; lưu trú du lịch (khách sạn, resort,...); vận tải du lịch...
SSI Research đưa ra lưu ý rằng, sẽ cần thời gian để việc mở cửa trở lại ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, với đặc tính phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường sẽ có xu hướng phản ứng trước so với diễn biến của lợi nhuận.
Đối với nhóm du lịch, lữ hành, đây là lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp nhờ số lượt khách hồi phục mạnh sau 2 năm chịu tác động từ đại dịch. Các cổ phiếu đáng chú ý gồm có: VTD (CTCP Du lịch Vietourist), VNG (CTCP Du lịch Thành Thành Công); CTC (CTCP Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên); TCT (CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh). Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc phát hành tăng vốn tại VTD sẽ làm suy giảm lợi nhuận đem về cho cổ đông trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm. Bên cạnh đó, TCT cũng gặp phải khó khăn trong cạnh tranh gay gắt với cáp treo Sunworld.
Đối với nhóm lưu trú du lịch, đây là nhóm được hưởng lợi nhờ công suất thuê phòng hồi phục theo sự gia tăng của khách du lịch. Các cổ phiếu cần theo dõi mà SSI Research chỉ ra bao gồm: DAH (CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á), OCH (CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH), NVT (CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay).
Đối với nhóm vận tải du lịch, theo SSI Research, đây là lĩnh vực mang tính chất hưởng lợi gián tiếp nhờ việc vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên các tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển... "Tuy nhiên, với đặc tính vận tải, các cổ phiếu trong nhóm này chịu ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu đang duy trì ở mức cao", báo cáo cho hay.
Theo đó, các cổ phiếu hưởng lợi gồm có: HVN (Vietnam Airlines), VJC (Vietjet), SKG (Superdong Kiên Giang), SRT (CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn), HRT (CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội). Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đánh giá, đại diện đầu ngành của nhóm dịch vụ hàng không là ACV cũng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ nhờ câu chuyện hồi phục sau dịch./.