Tổng kết Quý 1/2018, 706 công ty trên 2 sàn đã công bố BCTC có mức tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ năm 2017 (21,62% theo năm). Trong đó, lợi nhuận nhóm VN30 và nhóm HNX30 tăng lần lượt là 21,8% theo năm và 27,78% theo năm. Số công ty báo lãi là 587 và hơn một nửa trong số đó có lãi tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp ngân hàng là nhóm ngành dẫn dắt sự tăng trưởng lợi nhuận trong quý vừa qua. Quý I/2018, lợi nhuận các doanh nghiệp nhóm này được thống kê tăng 51%. Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng của ngành ngân hàng nhưng động lực tạo ra tăng trưởng này lại đến từ một nhân tố không thực sự bền vững đó là chi phí.
Tổng thu từ hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng tăng 35% theo năm trong khi tổng chi hoạt động (chưa gồm trích lập dự phòng) tăng chưa bằng một nửa, 15,7%. Một số ngân hàng có chênh lệch tăng thu và tăng chi cao là BID, HDB, TPB và EIB. Trong các năm trước, tăng trưởng chi hoạt động thường xấp xỉ bằng tăng tổng thu và vì vậy, mức chênh lệch bất thường này khó có thể kéo dài.
Một yếu tố cũng cần lưu ý trong kết quả kinh doanh ngành ngân hàng là tăng trưởng các nguồn thu từ kinh doanh chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần đều rất cao. Đây là kết quả của việc lợi tức trái phiếu giảm thấp và thị trường chứng khoán tăng điểm trong quý 1. Tuy nhiên với xu hướng lãi suất tăng lại trong quý 2 và TTCK giảm sâu, các nguồn thu này sẽ khó duy trì được đà tăng cao trong phần còn lại của năm.
Hai nguồn thu chính của các ngân hàng là thu từ lãi (26%) và phí dịch vụ (30%) vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong năm 2018 nhưng thực tế tăng rất cao, 50%, chủ yếu do BID (156%) và VPB (57%). Chi phí dự phòng của VCB tăng thấp (6.9%), còn ACB, TPB giảm so với cùng kỳ.
Với KQKD quý 1 như trên, nhiều khả năng các quý còn lại mức tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ quay trở lại quỹ đạo 20 - 30%, đây vẫn là mức tăng trưởng cao, giúp kéo tăng trưởng tổng lợi nhuận chung toàn thị trường.
Lợi nhuận ngành dịch vụ tài chính tăng vượt bậc
Lợi nhuận ngành dịch vụ tài chính tăng 89% nhờ giao dịch sôi động của thị trường chứng khoán với mức thanh khoản bình quân đạt 8.500 tỷ đồng/phiên, tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2017.
Dẫu vậy, tăng trưởng lợi nhuận không còn phổ biến mà chỉ tập trung ở các doanh nghiệp lớn đầu ngành, trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn hoặc chịu lỗ (WSS, PSI), hoặc có lãi sụt giảm mạnh như AGR, IVS, HBS.
12 CTCK lớn nhất đều đạt mức tăng rất tích cực, bao gồm SSI (+41%), HCM (+242%), VCI (+173%), MBS (+819%), BSI (+155%), VDS (+105%).
Đóng góp chính vào tổng lợi nhuận trước thuế của ngành trong quý chủ yếu đến từ tài sản đầu tư tài chính (chiếm tỷ trọng 54%), môi giới chứng khoán (38%), cho vay margin và ứng trước tiền bán (44%). Tổng doanh thu hoạt động môi giới tăng 172%, trong khi chi phí chỉ tăng 96%, giúp lợi nhuận mảng này tăng 329% đạt 797 tỷ đồng, chiếm 38% tổng LNTT toàn ngành.
Rủi ro thị trường gia tăng đã thu hút nhà đầu tư tìm đến các CTCK có mức độ an toàn cao hơn, khiến doanh thu hoạt động môi giới của nhóm đầu ngành đều tăng hơn 100%, trong đó VCI tăng gấp 5 lần, SSI, VND, MBS tăng gấp 3 lần. Thị phần môi giới nhóm này hầu hết đều gia tăng tích cực, ngoại trừ HSC và VCI mất thị phần trên HOSE.
Giao dịch thị trường sôi động cũng thúc đẩy các CTCK huy động thêm vốn đẩy mạnh hoạt động cho vay margin, tổng giá trị các khoản cho vay tăng 13 nghìn tỷ đồng (64% theo năm) đạt 33,6 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay của SSI, HCM, VCI, và VND tăng lần lượt 3450 tỷ, 1897 tỷ, 2438 tỷ, và 1581 tỷ đồng. Lợi nhuận mảng này mang về cho các công ty chứng khoán 940 tỷ đồng, tăng 61% theo năm.
Nhờ VN-Index tăng 19% trong quý 1, hoạt động đầu tư của các công ty chứng khoán cũng thu được kết quả khá tích cực. Thu từ các tài sản đầu tư tài chính tăng gấp đôi quý 1/2017 đạt 1.771 tỷ đồng, tuy nhiên lỗ của mảng này cũng tăng gấp 6 lần cùng kỳ đạt 620 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần tăng 49% theo năm, đạt 1.151 tỷ đồng. Riêng VCI và VND tăng trưởng âm.
Lợi nhuận từ hoạt động tư vấn tài chính tăng trưởng khá tốt, từ 1,6 tỷ đồng lên 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, do rơi vào quý 1 nên mảng này chưa đóng góp đáng kể vào hoạt động chung của các công ty chứng khoán, thậm chí nhiều công ty chịu lỗ.
Chi phí quản lý chỉ tăng 12% là yếu tố nổi bật giúp các CTCK đạt tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp cũng giúp chi phí tài chính chỉ tăng 47%, hỗ trợ tích cực cho các CTCK.