Aa

Ngày càng nhiều chủ đầu tư coi thường tính mạng của cư dân

Thứ Hai, 29/05/2017 - 14:01

Thời gian qua, hành vi vi phạm an toàn PCCC diễn ra tràn lan tại nhiều dự án tòa nhà chung cư cao tầng. Thế nhưng, cơ quan chức năng tại một số địa phương lại không có biện pháp mạnh khiến nguy cơ cháy nổ ở chung cư luôn hiện hữu, tính mạng cư dân bị xem nhẹ.

Thực tế, nhiều vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân không nhỏ trong các vụ việc trên xuất phát từ sự yếu kém trong công tác PCCC ngay tại các cơ sở đó. Khi xảy ra các vụ việc đáng tiếc thì mới lộ ra một loạt sai phạm.

Sai phạm không có dấu hiệu ngừng  

Theo quy định hiện hành, khi xây dựng các công trình nhà cao tầng, việc bảo bảo đảm an toàn PCCC phải được thẩm duyệt kỹ càng trong hồ sơ thiết kế. Khi công trình hoàn thành, đưa vào vận hành phải được cơ quan PCCC kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục như hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, lối thoát hiểm...

Thế nhưng, trên thực tế rất nhiều chung cư đã có người vào ở trong điều kiện hệ thống PCCC đầu tư sai, chưa hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành. Thực trạng này đã làm gia tăng nguy cơ và số vụ cháy nổ, đồng thời gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho cư dân sinh sống trong những chung cư đông người.

Tại Hà Nội, Cảnh sát PCCC đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư các dự án công trình xây dựng tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp khắc phục những tồn tại về PCCC. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số công trình nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Hàng loạt chung cư vi phạm an toàn PCCC tại Hà Nội và TP. HCM

Hàng loạt chung cư vi phạm an toàn PCCC tại Hà Nội và TP. HCM.

Mới đây, vào tháng 4/2017, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cho biết, trước đây trên địa bàn thành phố còn 75 công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động và đầu năm 2017 khi kiểm tra phát sinh thêm 15 công trình khác tiếp tục vi phạm.

Tháng 10/2016, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội đã công bố danh sách 18 công trình nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Trước đó, đơn vị này cũng đã 2 lần đăng công báo đối với tổng số 61 công trình vi phạm quy định về PCCC. Lần 1 vào ngày 30/01/2016 với 52 công trình, lần 2 vào ngày 29/7/2016 với 38 công trình.

Liên quan tới vi phạm trong an toàn PCCC, theo thống kê của Cảnh sát PCCC TP.HCM, trong quý I/2017, toàn thành phố đã xảy ra 280 vụ cháy, khiến 7 người thiệt mạng, 13 người bị thương, thiệt hại khoảng 18 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Thành phố có 12 chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã cho người dân vào ở.

Chủ đầu tư coi thường tính mạng của cư dân

Những hành vi vi phạm an toàn PCCC của các chủ đầu tư không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật mà còn coi thường cả tính mạng của người dân.

Cụ thể, tại Điều 17, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định: "Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã, được thẩm duyệt về PCCC, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu PCCC.

Nghiệm thu về PCCC bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục và nghiệm thu bàn giao; riêng đối với các bộ phận, của công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC khi thi công bị che khuất thì phải được nghiệm thu trước khi tiến hành các công việc tiếp theo”.

Như vậy, theo những quy định trên thì chủ đầu tư bắt buộc phải tổ chức nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình vào sử dụng. Nhưng, trên thực tế việc vi phạm an toàn PCCC vẫn diễn ra ở nhiều dự án.

Đơn cử như: Tòa nhà T2 – Dự án Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà  làm chủ đầu tư; tòa nhà HJK Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Thế Kỷ làm chủ đầu tư (Ceninvest); Tòa nhà hỗn hợp AZ Sky Định Công, lô A1/CN1, Khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai do Công ty TNHH Đá quý thế giới làm chủ đầu tư…

Vinaconex 2 cố tình đưa cư dân vào Tòa C Golden Silk khi công trình này chưa được nghiệm thu PCCC.

Vinaconex 2 cố tình đưa cư dân vào Tòa C Golden Silk khi công trình này chưa được nghiệm thu PCCC.  

Hay như hành vi vi phạm của Công ty cổ phần xây dựng số 2 (Vinaconex 2) tại tòa tháp C, Dự án VC2 Golden Silk, Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội). Chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ, đưa khách hàng vào ở khi công trình chưa được nghiệm thu PCCC theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với Reatimes, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi bàn giao căn hộ chung cư cho cư dân vào ở khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC là rất coi thường tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách hàng (người mua nhà).

Bởi việc này có thể gây ra những hậu quả khôn lường, những thiệt hại vô cùng lớn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ. Trong thực tế, sự nguy hiểm này cũng đã được chứng minh bằng liên tiếp các vụ cháy, nổ liên quan đến nhà chung cư khi chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã tổ chức bàn giao cho cư dân về ở trong thời gian vừa qua.

Quản lý còn lỏng lẻo

Để xảy ra tình trạng trên, Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, đầu tiên trách nhiệm thuộc về chính các chủ đầu tư dự án chung cư đã vì lợi nhuận, tiến độ đã bất chấp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách hàng. 

Chiều ngày 26/4, nhiều cư dân đã tập trung căng băng rôn với nội dung “Yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện tòa nhà và nghiệm thu PCCC” di chuyển từ chung cư Golden West đến trụ sở văn phòng Vietradico (trên đường Hoàng Đạo Thúy)

Chiều ngày 26/4, nhiều cư dân đã tập trung căng băng rôn với nội dung “Yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện tòa nhà và nghiệm thu PCCC” di chuyển từ chung cư Golden West đến trụ sở văn phòng Vietradico (trên đường Hoàng Đạo Thúy).

Bên cạnh đó, theo Luật sư Trần Tuấn Anh, rõ ràng đã có sự nương nhẹ, bỏ qua hoặc không quyết liệt trong việc buộc các chủ công trình này phải hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy và được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt rồi mới được đưa vào sử dụng. Bởi không lý do gì mà nhiều tòa chung cư ở ngay giữa Thủ đô đã có người sinh sống mà lại thiếu các thủ tục nghiệm thu PCCC - một trong những thủ tục cần thiết nhất trước khi đưa vào sử dụng.

"Vậy, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đến đâu? Hay chỉ dừng lại ở việc “công bố danh sách” các công trình vi phạm về điều kiện PCCC và tiếp tục phó mặc sự an toàn, tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân vào các chủ đầu tư chỉ biết bán nhà kiếm lời? Đây thực sự là vấn đề cần phải được quan tâm, làm rõ và xác định trách nhiệm đến từng cá nhân, tập thể có liên quan.

Đây là vấn đề không chỉ của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực PCCC mà còn là vấn đề chung trong công tác quản lý ở nước ta hiện nay. Sự quản lý lỏng lẻo, hời hợt chính là một phần nguyên nhân trong các vụ tai thương tâm vừa qua", Luật sư Trần Anh Tuấn nhấn mạnh

Trao đổi về mức phạt vi phạm PCCC, với quan điểm cá nhân, Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, có lẽ do mức phạt quá nhẹ đã dẫn đến sự “nhờn luật” của các đơn vị kinh doanh nhà ở.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, với hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC” chỉ bị phạt tối đa là 50 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là “buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về PCCC” (khoản 6 và điểm b khoản 7, Điều 36, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình).

Tuy nhiên, thời hạn để “buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về PCCC” này lại chưa được pháp luật quy định một cách cụ thể./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top