Aa

Tòa C Golden Silk tiếp tục bị "bêu" tên trong danh sách 15 chung cư vi phạm PCCC

Thứ Bảy, 29/04/2017 - 06:30

Đại diện Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, lực lượng chức năng xử lý 81 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 3 tỷ đồng và 15 công trình chung cư vi phạm an toàn PCCC mới phát sinh. Trong đó, có Tòa C Golden Silk do Công ty CP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2) làm chủ đầu tư từng được Reatimes phản ánh.

Ngày 28/4, Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại một số chung cư cao tầng vi phạm quy định PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Công trình đi vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC cũng như không đảm bảo về điều kiện an toàn PCCC theo quy định.  

Trước tình trạng trên, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền hướng dẫn các giải pháp khắc phục tại từng cơ sở. Thanh tra xử lý vi phạm và yêu cầu tạm dừng hoạt động, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và thông báo cho cơ quan điện lực thành phố ngừng cấp điện đối với các dự án đang trong quá trình xây dựng mà chưa đáp ứng được công tác thẩm duyệt theo quy định. 

Tòa T2 Victorya Thăng Long đã đưa dân vào ở khi chưa nghiệm thu PCCC.

Chủ đầu tư Tòa T2 Thăng Long Victory đã đưa dân vào ở khi chưa nghiệm thu PCCC.  

Cụ thể, theo thống kê của Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, trong thời gian vừa qua, đơn vị đã tiến hành xử lý 117 lượt/81 cơ sở với tổng số tiền lên tới hơn 3 tỷ đồng. Tạm đình chỉ hoạt động với 2 công trình là tòa nhà Nam Anh (71C Đền Lừ 2, quận Hoàng Mai), tòa nhà kim khí Thăng Long – Trung tâm thương mại dịch vụ công cộng bãi đỗ xe, chung cư cao tầng (số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng) và tạm đình chỉ 2 bộ phận hạng mục công trình hệ thống cấp ga trung tâm thuộc chung cư BMM (số 19, phường Phúc La, quận Hà Đông), nhà chung cư N09 B2 (KĐT mới Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy).

Cũng theo trung tá Hiếu, trước đây trên địa bàn thành phố còn 75 công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Từ đầu năm 2017, đơn vị kiểm tra tiếp tục phát sinh thêm 15 công trình khác tiếp tục vi phạm.

Trong quá trình làm việc, các chủ đầu tư cũng đã được ký cam kết khắc phục trong thời gian quy định nhưng đến nay còn 32 công trình đã hết thời hạn cam kết nhưng vẫn chưa hoàn thành các nội dung tồn tại. Đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 17 công trình được chủ đầu tư khắc phục hoàn thành các thiếu sót về PCCC và được nghiệm thu về PCCC theo quy định.

“Cảnh sát PCCC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan khiên quyết xử lý và có những biện pháp tăng nặng hơn. Ngoài ra, việc xử lý các công trình vi phạm là để cơ sở khắc phục chứ không xử phạt cho tồn tại”, trung tá Hiếu nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong danh sách 15 chung cư vi phạm an toàn PCCC mới phát sinh có các công trình từng được Reatimes phản ánh như, tòa C VC2 Golden Silk thuộc Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ do Công ty CP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2) làm chủ đầu tư; Tòa nhà T2 Victory Thăng Long thuộc hạ tầng KCN Phúc Hà làm chủ đầu tư; Tòa nhà hỗn hợp AZ Sky Định Công do Công ty TNHH đá quý thế giới làm chủ đầu tư… Hiện các tòa chung cư này đều đã có người ở, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Bàn giao nhà chưa đủ điều kiện, Vinaconex 2 còn vi phạm an toàn PCCC khi để dân vào ở khi chưa nghiệm thu tòa nhà C Golden Silk.

Bàn giao căn hộ tòa C Golden Silk khi chưa đủ điều kiện, Vinaconex 2 còn vi phạm an toàn PCCC khi để dân vào ở khi chưa nghiệm thu.

Liên quan tới vi phạm tại KĐT Đại Thanh của doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì), đại diện Cảnh sát PCCC thành phố cũng cho biết, khi kiểm tra công tác PCCC và có thời hạn khắc phục đến hết 30/5/2017 doanh nghiệp phải thi công hoàn thành các nội dung theo thiết kế được duyệt và được cơ quan cảnh sát PCCC nghiệm thu về PCCC.

Nếu không thực hiện chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra sự cố về cháy nổ theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư chây ì cố tình không chấp hành thì các biện pháp xử lý vi phạm hành chính là không thực hiện các nội dung kiến nghị yêu cầu khắc phục của cơ quan có thẩm quyền, xem xét đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự theo quy định điều 240 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, Trưởng phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy cũng chỉ rõ, để có thể hạn chế những vi phạm xảy ra tại các công trình đặc biệt là chung cư thì chủ đầu tư cần công khai hóa các thủ tục về cấp phép xây dựng. Trong đó, có thẩm duyệt về PCCC và đã được nghiêm thu hay chưa được nghiệm thu cho người dân nắm bắt, lựa chọn trước khi vào ở.

Trước đó, theo đánh giá của lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội tại buổi giao ban thành ủy vào tháng 3/2017, trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các địa bàn bảo vệ, các cơ sở và địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao và dễ phát sinh cháy lớn, như: cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho chứa hàng phục vụ tết, nhà ga, bến cảng, các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ văn hóa, khu vực thường xuyên tập trung đông người…

Lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức kiểm tra, phúc tra 9.385 lượt đơn vị, cơ sở; phát hiện và yêu cầu các đơn vị, cơ sở khắc phục 28.420 tồn tại thiếu sót về PCCC. Xử phạt hành chính 1.331 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền 3,2 tỷ đồng.  

Thực hiện quyết định của UBND thành phố về tổng kiểm tra toàn diện các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa karaoke, vũ trường, quán bar.. trên địa bàn thành phố, Cảnh sát PCCC đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 1.569 cơ sở, lập 1.569 biên bản, xử lý vi phạm hành chính 353 trường hợp với số tiền 871.120.000 đồng; ra quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ 126 cơ sở, yêu cầu 531 cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục tồn tại, thiếu sót./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top