Aa

Nghệ An đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế theo hướng bền vững

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Ba, 13/12/2022 - 15:09

Tỉnh Nghệ An đang từng bước xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tập trung các giải pháp nhằm hướng đến phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững, hiệu quả…

Xây dựng chiến lược phát triển du lịch theo tầm nhìn dài hạn

Theo Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, năm 2022 toàn tỉnh đón và phục vụ hơn 6,7 triệu lượt khách du lịch (tăng 356% so với năm ngoái). Trong đó, khách lưu trú đạt hơn 4,4 triệu lượt (tăng 342%); khách quốc tế đạt 28.600 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 12.343 tỷ đồng, trong đó, doanh thu du lịch đạt hơn 5,6 nghìn tỷ đồng (tăng 502%).

Các địa phương có lượng khách du lịch lớn gồm thị xã Cửa Lò, các huyện Nam Đàn, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và thành phố Vinh. Đây là những địa phương có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và điểm đến để thu hút du khách.

Định hướng phát triển kinh tế Nghệ An theo hướng bền vững
Năm 2023, Nghệ An đặt mục tiêu đón và phục vụ hơn 7,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có hơn 5,2 triệu lượt khách lưu trú, 82 ngàn lượt khách quốc tế (Ảnh HT).

Nghệ An hiện có 53 đơn vị kinh doanh lữ hành. Trong đó, có 25 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 296 hướng dẫn viên lữ hành nội địa và quốc tế đang hoạt động. Toàn tỉnh có 899 cơ sở lưu trú, với 21.783 phòng, trong đó, có 3 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao, 20 khách sạn 3 sao.

Năm 2023, Nghệ An đặt mục tiêu đón và phục vụ hơn 7,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có hơn 5,2 triệu lượt khách lưu trú, 82 ngàn lượt khách quốc tế.

Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Nghệ An là xây dựng chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cơ cấu lại sản phẩm và thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, làm mới các dòng sản phẩm chủ đạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc thị trường.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đang từng bước hoàn thành kế hoạch mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh, sau khi thành phố Vinh sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính thị xã Cửa Lò với tổng diện tích 29,12km2 và dân số 57.445 người của 7 phường: Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Hương, Nghi Tân, Nghi Thu, Nghi Thủy, Thu Thủy; cùng diện tích 47,14km2 và dân số 55.310 người thuộc 6 xã của huyện Nghi Lộc gồm: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Thạch và Khánh Hợp thì thành phố Vinh có diện tích tự nhiên hơn 181km2, dân số khoảng hơn 461.600 người với 38 đơn vị hành chính xã, phường. Sau khi hoàn thành kế hoạch trên, thành phố Vinh sẽ trở thành một đô thị biển quy mô và hiện đại.

Sẽ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hạ tầng cảng biển, sân bay

Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh Nghệ An thông qua mới đây, điều tiết 100% cho ngân sách cấp tỉnh thu từ tiền sử dụng đất của 4 dự án: Khu đô thị Sông Lam tại phường Hưng Dũng, TP.Vinh (diện tích 108,91 ha); Khu đô thị triển lãm Sông Lam, phường Hưng Dũng, TP.Vinh (diện tích 20 ha); Khu đô thị tại xã Hưng Lộc, TP.Vinh (diện tích 24,9 ha); Khu đô thị xã Nghi Phú và xã Hưng Lộc, TP.Vinh (diện tích 9,67 ha).

Thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước sau khi đã trừ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng của 4 dự án này dự kiến khoảng 3.932 tỷ đồng. Nguồn tiền trên sẽ được sử dụng để tạo nguồn vốn hỗ trợ thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Quốc tế Vinh; đầu tư xây dựng cầu dẫn nối QL7C với Cảng nước sâu Cửa Lò.

Định hướng phát triển kinh tế Nghệ An theo hướng bền vững
Nghệ An sẽ đầu tư gần 4 nghìn tỷ đồng cho sần bay, cảng biển (Ảnh IT).

Đây được xem là hai dự án hạ tầng chiến lược được tỉnh Nghệ An xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, quyết triển khai sớm để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Cảng hàng không quốc tế Vinh hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách hàng, nhiều thời điểm quá tải tại khu vực check in. Nhà ga hành khách quốc tế chưa đảm bảo yêu cầu; chưa có nhà ga hàng hoá, khu vực hangar sửa chữa; số lượng sân đỗ chỉ đáp ứng được tối đa 6 máy bay. Đường cất hạ cánh hiện hữu của Cảng hàng không quốc tế Vinh không tiếp nhận được các loại máy bay thân lớn; năng lực phục vụ chuyến bay/giờ thấp,..

Đối với hạ tầng cảng biển tỉnh Nghệ An chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, Cảng Cửa Lò hiện khai thác với tàu 20.000 - 30.000 DWT giảm tải, công suất khoảng 6 triệu tấn/năm. Trong lúc, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Nghệ An thời gian tới ước 20-30 triệu tấn.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI

Tính đến đầu tháng 10, Nghệ An đã thu hút 108 dự án FDI thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu thuộc khu vực Đông Bắc Á và ASEAN với tổng số vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD, trong đó có bốn dự án thuộc các "ông lớn" sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử và công nghệ của thế giới như: Goertek, Everwin, Ju Teng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD.

Định hướng phát triển kinh tế Nghệ An theo hướng bền vững
Lần đầu tiên, Nghệ An lọt vào tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước (Ảnh HQ).

Lần đầu tiên, Nghệ An lọt vào tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Gần đây, tỉnh đang được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài quan tâm. Các dự án đầu tư trong nước, FDI vào Nghệ An đang có xu hướng tăng nhanh, quy mô ngày càng lớn và tiếp tục mở rộng, phát triển, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, để có được kết quả đáng mừng này, ngoài sự quan tâm, đồng hành của Trung ương, Nghệ An và các tỉnh đã có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng "Một cửa tại chỗ", "Một đầu mối", nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án FDI trọng điểm đã được giảm 2/3 so thời gian theo quy định của pháp luật.

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương trong thời gian tới

Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra mới đây, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Nghê An cần thực hiện trong thời gian tới là:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án trọng điểm có tính kết nối và có sức lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực, quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thành thủ tục, khởi công hai dự án hạ tầng chiến lược: Cảng biển nước sâu Cửa Lò và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; tích cực tham mưu mở rộng địa giới hành chính TP Vinh gắn với việc thực hiện sắp xếp địa giới hành chính của cả nước giai đoạn 2; mở rộng Khu kinh tế Đông Nam để tạo động lực, không gian phát triển mới.

Định hướng phát triển kinh tế Nghệ An theo hướng bền vững
ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An (Ảnh BNA).

Thứ hai, trên cơ sở những bài học, kinh nghiệm rút ra từ bất cập, vướng mắc trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022, cần chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ngay từ đầu năm.

Đặc biệt, cần chú trọng công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tháo gỡ khó khăn; phát huy vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giải ngân đầu tư công; quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; rà soát, đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 gắn với điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch và xử lý vốn dự phòng ngân sách địa phương. Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023; tăng cường các giải pháp chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nghiên cứu tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính do người đứng đầu cấp ủy làm trưởng ban để phát huy sức mạnh tổng hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính trên địa bàn của tỉnh.

Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tích cực, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 38 của Chính phủ; nâng cao hơn nữa tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19, nhất là tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức dân, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân để thực hiện hiệu quả các quyết sách phát triển của tỉnh và địa phương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top