Aa

Nghệ thuật chế tác hạnh phúc

Thứ Bảy, 21/07/2018 - 06:00

Chúng ta cứ ngỡ hạnh phúc là thứ dễ có, hoặc giả là điều do phước lành, do duyên may, do nhiều yêu tố mà có nên không cần phải học. Chúng ta không nghĩ đến chuyện "chế tác" nó. Do chúng ta không được học bài học về hạnh phúc.

Có những thứ, khi nghe, tưởng như đơn giản nhưng suốt một đời người chúng ta đi tìm nó mà không hay biết. Đó chính là hạnh phúc.

Chúng ta cứ ngỡ hạnh phúc là thứ dễ có, hoặc giả là điều do phước lành, do duyên may, do nhiều yêu tố mà có nên không cần phải học. Chúng ta không nghĩ đến chuyện "chế tác" nó. Do chúng ta không được học bài học về hạnh phúc.

Chúng ta sinh ra trong cuộc đời là để làm gì? Mọi người đã bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi ấy chưa?

Tôi từng tự hỏi mình như vậy từ khi còn nhỏ. Hồi đó, tuy chưa hiểu gì nhiều về cuộc đời nhưng tôi nghĩ đơn giản rằng mình sinh ra phải là để sống một cuộc đời hạnh phúc. Đã sinh ra trong đời, nhất định tôi phải sống hạnh phúc!

Ngày tôi gặp gỡ được giáo pháp và bắt đầu tu, được hiểu là ngày tôi đi tìm. Tôi tìm cách để tu, tìm cách để thành Bụt. Bụt là một người đã nhờ tu tập trải qua các thời kỳ tìm thầy học đạo, khổ hạnh và thiền định để thành một vị Bụt. Tôi cũng phải làm như vậy để mong được thành Bụt.

Tôi đã đi qua rất nhiều các thời kỳ, của nhiều giai đoạn thể nghiệm. Từ ngày còn là cậu bé 10 tuổi, nghe theo lời ba đi tìm thầy, học đạo. Từ lúc còn ngây thơ ham chơi bỡ ngỡ trước giáo pháp đức Thế Tôn cho đến khi lời kinh ngấm vào từng hơi thở, tiếng chuông tỉnh thức mỗi sớm chiều như lời nhắc nhở và gọi tâm tư tôi trở về nẻo an lạc, thảnh thơi.

Đã có nhiều lúc, tôi cảm thấy mình càng đi, con đường càng xa xăm. Càng học, cái học được ngày càng trống rỗng.

Cho đến một ngày, khi gặp được Thầy, tôi biết có một một điều bất ổn trong tôi. Đó là, tôi muốn thành Bụt, nhưng không biết Bụt là người thế nào theo cái cách mà con người đang sống.

Bạn có biết, nếu khéo léo, có khi chỉ vài hơi thở thôi, bạn đã có lại bình an rồi.

Bạn có biết, nếu khéo léo, có khi chỉ vài hơi thở thôi, bạn đã có lại bình an rồi.

Tôi được học Bụt là người chứng được tam minh lục thông. Bụt là người đoạn trừ được vô minh đạt đến trí giác toàn vẹn. Bụt là người có đại từ đại bi đại hỷ đại xả,... rất nhiều và rất nhiều từ ngữ để diễn đạt về bậc giác ngộ là Bụt mà tôi được học. Tôi đã loay hoay tìm cách đạt được theo cái cách tôi hình dung, qua các ngôn ngữ tôi học để diễn tả về Bụt. Duy có một điều không ai nói với chúng tôi, rằng Bụt là một người hạnh phúc!

Nếu bạn được học giáo lý của Bụt qua các thầy tu, bạn được học rất nhiều từ các thầy để học cách hiểu về Bụt. Vô số các từ ngữ bạn phải học cách làm quen để cố nặn óc ra để hiểu nó. Bạn trì chú, bạn niệm Bụt, bạn thiền định, đó là bởi bạn thành tâm muốn hiểu Bụt. Chúng ta tưởng tượng về Bụt nhiều hơn là muốn biết Bụt là người thế nào trong so sánh liên hệ với con người. Ta vẽ nên Bụt để tôn thờ. Ta cố hình dung về những phẩm tính mầu nhiệm mà Bụt đã chứng. Cứ như thế, Bụt luôn hiện diện ở một khoảng cách mà mãi mãi ta không liên hệ được trong liên hệ với các phẩm chất của con người sống lăn lộn hàng ngày, là chính ta.

Bụt là người hạnh phúc. Tu là tôi sống để sống có phẩm chất của người có hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ có mặt trong những gì đang diễn ra ngay khi tôi đang hít vào và thở ra. Muốn vậy tôi thực tập theo dõi hơi thở để nhận diện những gì đang diễn ra nơi thân và nơi tâm khi tôi hành động và suy nghĩ. Khi có thói quen thường trực kết hợp giữa hơi thở, hành động và suy nghĩ, tôi thấy mình sống có phẩm chất của hạnh phúc hơn.

Chánh niệm, là cội rễ của mọi vấn đề, là của ngõ đích thực để chúng ta đặt chân bước vào tòa nhà an vui hạnh phúc được nuôi dưỡng bởi tình thương. Không có thói quen được tạo ra bởi khả năng thực tập chánh niệm, chúng ta không đi vào được định. Và tuệ giác, cái thấy biết của Bụt ta không thể đạt đến được. Một cái thấy biết trọn vẹn đích thực về thế giới làm phát sinh tình thương lớn. Bụt là là người có tình thương lớn. Tình thương không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách.

Biết được rằng, sống là đi tìm hạnh phúc, ta thực tập nuôi dưỡng chánh niệm thường trực trong ta để nhận diện mà không phải là xua đuổi hay là lãng quên, chạy trốn chính ta. Thực tập chánh niệm làm phát sinh bình an bên trong. Phụ thuộc vào bình an bên trong mà chúng ta biết cách yêu thương được tha nhân quanh ta. Nhất thiết phải có đủ bình an, ta mới thực sự có thể thương được, yêu được, bao dung và thứ tha được một cách trọn vẹn. Làm sao có thể nói là tôi thương những người khó thương, những người còn nhiều vụng về lẫm lỗi khi trong tôi không có đủ bình an, khi chính trái tim tôi đang đau khổ, lòng tôi còn giận hơn và ánh mắt tôi còn vị kỷ, còn những đong đếm với hơn thua.
Tu học là để tôi biết cách tìm thấy sự bình an bên trong tôi.

Tu học là để tôi biết cách tìm thấy sự bình an bên trong tôi.

Tu học là để tôi biết cách tìm thấy sự bình an bên trong tôi. Tôi hiểu đó là đời sống của tôi đang có phẩm chất tâm linh. Và tùy thuộc vào khả năng bình an bên trong đó, khi biểu hiện ra bên ngoài, mà tôi sống hài hòa với người khác bằng tình thương, tôi hiểu là đời sống tôi có phẩm chất văn hóa.
Từ đó đến nay, từ năm 2005, khi tôi có cái diễm phúc lớn được gặp Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, con đường gọi là Đạo tôi đang theo đuổi, luôn được kiểm soát bằng hai mặt kia: tâm linh và văn hóa để nuôi dưỡng bình an và phát sinh tình thương.
Từ đó dấn thân, tôi luôn tự thấy mình là một sự tiếp nối của Người. Và Nghệ Thuật Chế Tác Hạnh Phúc chính là bằng "công cụ" CHÁNH NIỆM để bình an có mặt và tình thương thêm lớn mỗi ngày lan tỏa đến nhiều người hơn.

Chúng con là sự tiếp nối của Thầy, của chư Tổ và Bụt. Qua Thầy chúng con thấy được một đạo Bụt mới mẻ, đầy sinh khí và thực tiển sinh động cho con đường tu tập. Chúng con nguyện dấn thân cho cộng đồng và dân tộc nhân loại để mãi mãi là một sự tiếp nối tốt đẹp và lợi lạc cho đời cho người! Tôi đã ý thức như vậy và luôn nhắc nhớ cho mình, cho học trò của tôi điều đó. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ tiếp nối Thầy đi về vô tận.

Nghệ thuật chế tác hạnh phúc chính là pháp bảo tâm linh mà chúng ta đã may mắn được Bụt trao truyền, được thầy chỉ dạy. Mỗi chúng ta đều có khả năng để "chế tác" được hạnh phúc cho mình và cho những người mình yêu thương.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ, tháng ba này, nếu bạn để ý thì sẽ thấy làng quê Việt đã vào mùa hoa gạo. Những bông hoa gạo đỏ rực tô điểm cho không gian làng Việt thấp thoáng đẹp xinh và thương mến. Từ xa xưa, hoa gạo vẫn an nhiên nơi góc chợ đầu làng như thế. Ai dám chắc bông hoa ấy không gặp khó khăn khi bão gió, bụi đường? Dù thế nào thì bông gạo vẫn thản nhiên đỏ thắm. Hoa hẳn là phải bình an, tự tại để dâng hiến cho đời bằng sự có mặt của mình. Bạn thấy bông hoa gạo hay bất kỳ một loài hoa nào khác đó không? Nghệ thuật chế tác hạnh phúc ấy sẵn có bên trong mỗi chúng ta. Cũng như hoa gạo, sẵn có từ giống nòi là sắc đỏ và những dáng cánh xinh đẹp. Hoa chỉ cần biểu hiện mà chẳng phải lo toan hay sợ hãi. Chúng ta cũng vậy, chúng ta có hạt giống của bình an nội tại được trao truyền từ tổ tiên, chúng ta cũng có cả những điều kiện của hạnh phúc từ mẹ thiên nhiên và tạo hóa ban tặng. Chỉ cần chúng ta dừng lại và thực tập thôi. Bạn có biết, nếu khéo léo, có khi chỉ vài hơi thở thôi, bạn đã có lại bình an rồi. Và bình an, chính là bạn đã đang có hạnh phúc.

Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp/ Suối nguồn huyết thống nguyện khai thông.

Xin mượn hai câu nói của thầy – thiền sư Thích Nhất Hạnh để tạm dừng bài viết. Tôi nguyện thực tập để mỗi phút giây đi qua, tôi đều nhận diện được thực tại nhiệm màu, và như thế, hạnh phúc bình an có mặt. Chỉ khi ấy, mỗi thời khắc trong cuộc đời, tôi mới có thể bồi đắp thêm vào gia tài tâm linh của mình. Xin nguyện là sự tiếp nối vẹn tròn hiếu hạnh, để nếp sống và gia tài văn hóa như mạch nguồn bất tận của cha ông luôn chảy mãi đến ngàn sau!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top