Tôi rất thích dùng từ Dân Tộc Tính khi đề cập đến một biểu tượng đặc thù trong văn hóa Việt, đó là Bát Hương.
Bát Hương là biểu tượng của Dân Tộc Tính Việt Nam. Đây là một từ của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục dùng trong tác phẩm của mình, cuốn Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam.
Mỗi con người có mỗi tính cách. Mỗi dân tộc có mỗi tính cách. Dân tộc Việt, đi qua nhiều ngàn năm lịch sử đã làm nên tính cách đặc thù của dân tộc mình. Và, biểu tượng cho tính cách đó của dân tộc Việt là Bát Hương. Không biết quý vị khi đọc từ này cảm nhận thế nào? Phần tôi, đây mới là cách gợi sự thiêng liêng đúng mức nhất để nói lên tính biểu tượng cho giá trị cao cả của dân tộc Việt.
Nếp sống Việt tộc được hun đúc qua quá trình lập quốc, đã làm nên cái tính cách rất riêng biệt, từ quan niệm của tổ tiên "có thờ có thiêng".
Có thờ có thiêng. Thiêng là ở đó. Bạn có đang đi tìm cầu sự thiêng liêng cao cả ở đâu không? Hãy tìm ở chổ "có thờ", đó là lời khuyên đúc rút từ thực tiễn cuộc sống của cha ông chúng ta xa xưa đến nay. Cái nhìn đó, cái quan niệm đó sao mà thiết thực, nhân văn, cao cả mà cũng ấm áp vô cùng.
Nhìn vào từng ngôi nhà sơ sài của từng người dân nghèo, cho đến ngôi nhà khang trang nhất của người giàu có hay quan lại, ở đó có một điều thật giản dị nhưng cao quý vô cùng và rất chung: "có thờ".
Nhìn không gian bạn đang sống, nơi làng quê, giữa ruộng đồng thiên nhiên... ở đâu mà không ẩn hiện lung linh mái chùa, mái đình, ngôi miếu cổ hay nghĩa địa với dáng người thành tâm tín cẩn đang tưởng nhớ thấp thoáng, gần gũi nhưng cũng xa xăm nối liền hai bờ âm dương.
Nhìn không gian bạn đang sống, tuy là phố phường tấp nập, nhà của san sát, hay tận nơi cao ốc... có ở đâu trên mảnh đất Việt này mà thiếu dáng người thành tâm trong cây hương nén tiền vàng tưởng nhớ nơi ban tổ tiên, trước lò hóa vàng.
Một nơi sắp mọc lên các tòa cao ốc, hay chỉ là miếng đất nhỏ mấy mươi mét vuông cho ngôi nhà tạm đôi vợ chồng sinh sống, thế nào cũng có mâm lễ thành tâm vái van thổ địa long thần chứng giám vì "Đất có Thổ công, sông có Hà bá".
Một hôm, ngồi trên căn gác một ngôi chùa thành phố, tôi thấy một người phụ nữ, tay cầm nạm hương, đứng trên căn gác sơ sài van vái. Đó là hành động lặp lại hàng ngày khi chiều về, trước khi chị dong chiếc xe kéo bán hàng rong ven đường biển. Rõ ràng trong nén hương kia chị cầu may mắn, có thể chiều nay xe hàng rong của chị không gặp công an rượt đuổi.
Một lần nọ, ghé thăm một ngôi chùa tổ ở xứ Huế, xe vừa vòng vào khúc đường quanh, tôi thấy một bà già lom khom bên bụi tre mé đường lụp sụp van vái với thái độ rất thành kính. Tôi đi qua mà lòng cứ đọng lại hình dáng bà, miên man nghĩ... biết đâu trong lời khấn kia, con bà ngày mai đang vào phòng thi. Bà biết con bà đã nỗ lực học hành siêng năng, nhưng bà vẫn thấy thiếu một điều gì đấy, và đấy là điều chiều nay bà biểu hiện nó ra.
Trong khói hương kia, mang theo lời nguyện ước của bà, cầu phật trời chứng giám, gia hộ cho con bà. Đêm đó, chắc bà yên tâm, nằm ngủ với niềm tin con bà mai sẽ thi đỗ.
Một lần, giữa sân bệnh viện về khuya, tôi bỗng dưng gặp một bà mẹ, thiết tha ngửa mặt lên trời vái van rất chí thiết với nén hương đỏ rực trên tay.
Thế đó, con bà mắc bệnh, bác sĩ đã hội chẩn, quyết định mai sẽ mổ. Tiền đã có, bệnh không quá hiểm nghèo, ở nhà đã có người soạn lễ lên tổ tiên cầu khấn, nhưng bà mẹ vẫn thấy chưa yên lòng. Thế là bà đi mua một nén hương, đợi đêm xuống thật khuya, đứng giữa đất trời van vái, bà mong trời phật chứng giám cho con bà mai được bình an.
Tôi thấy bất cứ nơi đâu trên đất nước này, từ ngày ấu thơ tôi lớn lên, từ trong nhà ra đến ngoài xóm làng, khói hương quyện tỏa mang theo ước mong sâu sắc của người Việt nối đến cõi Phật Trời Thánh Thần Tiên Tổ, mong phù trợ.
Có nén hương khấn nguyện, có Bát Hương phụng thờ, là ở đó có hồn tiên tổ hiện hữu bên con cháu phò trì che chở.