Kiên trì với bảng điện
Thời gian qua, VN-Index liên tục biến động xanh đỏ. Sau khi bật lên từ ngưỡng hỗ trợ 1.075 điểm, thị trường chuyển sang trạng thái lình xình trong biên độ 5 - 8 điểm và thanh khoản nhiều phiên giảm sâu.
Trên khung thời gian nhỏ, VN-Index dao động trong biên độ 1.075 - 1.130 điểm. Xu hướng đi ngang như vậy thể hiện nhà đầu tư không kỳ vọng quá tích cực hay có tâm lý quá tiêu cực, mà chờ đợi các tin tức và chất xúc tác tiếp theo để nhận định xu hướng mới rõ nét hơn.
Đây cũng là giai đoạn cho các cổ phiếu có thể tích luỹ đi ngang, tạo các nền giá chặt chẽ và chực chờ dòng tiền để bùng nổ. Nếu VN-Index bứt phá khỏi ngưỡng 1.130 điểm, có thể kỳ vọng thị trường sẽ quay trở lại xu hướng tăng.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều nhà đầu tư chọn giao dịch với tỷ trọng thấp, bởi thị trường liên tiếp có các phiên xanh - đỏ đan xen, thậm chí đảo chiều ngay trong phiên rất khó chịu.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, 1.075 điểm là hỗ trợ chặn dưới và 1.125 - 1.130 điểm là kháng cự chặn trên của xu hướng. Do đó, chỉ số về gần 1.075 điểm và kèm các dấu hiệu đảo chiều sang tăng, họ mạnh dạn mua vào. Khi thị trường tiệm cận vùng 1.125 - 1.130 điểm, nhà đầu tư bán ra, chứ không đu mua, nhất là khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng.
Sau phiên VN-Index bùng nổ ngày 4/12, thanh khoản lại rơi về mức trung bình 15.500 tỷ đồng trong phiên 5/12, diễn biến đáng e ngại là khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.600 tỷ đồng - quy mô bán mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Trước đó, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tục với quy mô lớn.
Có 2 lý do chính khiến khối ngoại bán ra với giá trị lớn hơn nhiều mua vào: một là, cơ cấu danh mục cho giai đoạn cuối năm; hai là, hiệu suất đầu tư một số quỹ lớn kém khả quan. Trong quý III/2023, hiệu suất đầu tư của các quỹ nhìn chung ở mức thấp, thậm chí PYN Elite Fund và FTSE Vietnam ETF có hiệu suất âm. PYN Elite Fund chủ yếu nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm và “họ” nhà Vin. Gần đây, ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ của PYN Elite Fund cho biết, Quỹ đang tiến hành cơ cấu danh mục trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam giằng co mạnh.
Không ít quỹ ngoại khác cũng cần cơ cấu danh mục để đạt được mục tiêu và tránh tình trạng bị rút vốn từ các nhà đầu tư.
Cũng có nhà đầu tư lo ngại rủi ro tỷ giá. Tháng 8 - 9/2023 là giai đoạn tỷ giá căng thẳng nhất, cũng là giai đoạn bán mạnh của khối ngoại. Ở một góc nhìn lớn hơn, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư trên toàn cầu. Nhiều quỹ phải cơ cấu lại danh mục và chuyển hướng dòng vốn về các thị trường phát triển. Thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng phần nào trong xu thế này.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư có kinh nghiệm đánh giá, động thái bán ròng của khối ngoại không quá lo ngại, vì các quỹ ngoại vẫn nhận định tốt về triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong quá trình đầu tư, có những giai đoạn họ bán ròng hay hiệu suất âm là bình thường.
Quan trọng hơn, giá trị giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thị trường chiếm tỷ trọng chưa tới 10% và đang được hấp thụ từ khối tự doanh công ty chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân.
Theo nhận định của các tổ chức lớn trên thế giới, Fed đang tiến rất gần tới giai đoạn cắt giảm lãi suất. Khi điều này xảy ra, “nút thắt” chênh lệch lãi suất sẽ được tháo gỡ và dòng vốn ngoại không còn chảy mạnh về các thị trường phát triển.
Vượt qua điểm bất an
Thời điểm này thể hiện bản lĩnh của người chơi trên một thị trường lớn, khi bản chất chứng khoán là cuộc chơi của tay chơi yếu (weak hands) và tay chơi mạnh (strong hands).
Có thể thị trường đang tích lũy cho chu kỳ lớn và đây là cơ hội để mua dần các cổ phiếu có triển vọng dẫn sóng trong thời gian tới.
Tay chơi yếu là thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả các nhà giao dịch và nhà đầu tư thiếu niềm tin vào chiến lược của mình, hoặc thiếu nguồn lực để thực hiện. Theo đó, nhà đầu tư hoặc nhà giao dịch bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi nên chỉ cần nghe tin tức hay sự kiện mà họ cho là bất lợi sẽ nhanh chóng thoát vị thế, dẫn đến thua lỗ và chán nản. Hoạt động giao dịch của họ rất dễ dự đoán và dễ dàng bị “rung lắc rũ hàng” bởi sự biến động của thị trường.
Tay chơi mạnh là những thành phần chủ chốt khiến thị trường dịch chuyển hoặc chống chọi với những nhịp giảm ngắn hạn. Đây thường là các tổ chức tài chính hoặc ngân hàng. Thị trường nào cũng có những tay chơi lớn như vậy.
Ông Bob Farrell, cựu Giám đốc Chiến lược thị trường của Merrill Lynch từng nói: “Cổ phiếu rời bỏ những tay chơi yếu và chuyển sang tay chơi mạnh trong thời kỳ thị trường suy yếu”.
Về vấn đề này, chuyên gia Brian Murphy phân tích: Tay chơi yếu đại diện cho các nhà đầu tư cá nhân và tay chơi mạnh mô tả các nhà đầu tư tổ chức lớn hơn.
Đối với mỗi người bán thường có một người mua và trong những lúc thị trường lình xình đi ngang, hoặc giảm giá, những tay chơi yếu sẵn sàng bán cổ phiếu với giá đỏ để thoát khỏi vị thế.
Còn tay chơi mạnh tích lũy cổ phiếu một cách âm thầm hay nói cách khác, họ mua có hệ thống trong nhiều ngày, tuần hoặc tháng. Đặc biệt, cổ phiếu chỉ được tích lũy khi giá giảm. Các nhà tạo lập hay “cá mập” không muốn công chúng bắt đầu mua cho đến khi nhóm đã tích lũy được toàn bộ lượng cổ phiếu cần thiết.
Nếu giá cổ phiếu tăng trước khi các tay chơi lớn gom đủ hàng, họ có thể bán ra một số cổ phiếu đã tích lũy để ép giá xuống. Lúc đó, tin đồn tiêu cực thường được lan truyền nhằm thúc đẩy công chúng bán ra. Bằng cách này, các tay chơi lớn mua vào lượng lớn cổ phiếu với giá chiết khấu sâu.
Những tay chơi lớn đều biết, hầu hết các nhà giao dịch trên thị trường đều là tay chơi yếu, không bám chặt vào cổ phiếu, mà nhảy vào nhảy ra liên tục. Những tay chơi yếu thường thiếu kiên nhẫn và nghĩ rằng một cổ phiếu sẽ tăng giá ngay lập tức vì họ đã vào lệnh, đồng thời họ chốt lời một cách nhanh chóng và dễ dàng từ bỏ vị thế khi giao dịch trở nên buồn tẻ.
Những tay chơi lớn thường mua khi giá giảm, sau đó bán để chặn các đợt tăng giá. Việc tích lũy của họ tạo ra giao dịch đi ngang, khiến các tay chơi yếu chán nản và bán ra.
VN-Index hiện tại cho cảm giác về đợt tích lũy khi liên tục có các nhịp rung lắc, rũ hàng. Trong tuần qua, phiên 7/12 cho cảm giác về một kịch bản như vậy, khi thị trường đi theo hướng: kéo nhóm ngân hàng vào buổi sáng, sau đó tung thông tin KRX không đạt được deadline (thời điểm dự kiến sẽ vận hành), khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo đến mức VN-Index giảm 20 điểm; sang phiên chiều, dòng tiền vào mua và kéo thị trường lên, chỉ số chỉ còn giảm 5 điểm.
Có những nhà đầu tư vẫn đặt cược vào khả năng VN-Index ở đầu xu hướng tăng sau phiên bùng nổ theo đà ngày 2/11/2023; thị trường đang tích lũy cho chu kỳ lớn và đây là cơ hội để mua dần các cổ phiếu có triển vọng dẫn sóng trong thời gian tới. Do đó, họ không lo ngại khi thị trường chung rung lắc, mà âm thầm mua gom./.