Trong thời gian vừa qua, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đến nay, Nghị quyết này đã cho thấy được những chuyển biến tích cực ban đầu.
Thứ nhất, mặt bằng giao dịch, lãi suất cả về lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã có sự điều chỉnh. Theo số liệu mới nhất mức lãi suất cho vay trung bình của các giao dịch phát sinh mới tính đến cuối tháng 7 đang ở mức 8,7%/năm và thấp hơn các mức giao dịch trước đó.
Như vậy, chúng ta đã thấy Nghị quyết 105 đã có tác động bước đầu đối với việc điều chỉnh hành vi của các ngân hàng thương mại, nỗ lực của các bên liên quan trong việc tạo dựng mặt bằng lãi suất mới có tính hấp dẫn cũng như dễ chấp nhận hơn với cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó rõ ràng thời gian vừa qua đã có những điều kiện thuận lợi. Thuận lợi căn bản mà Chính phủ đã tạo dựng và duy trì trong thời gian dài đó là mặt bằng lạm phát tương đối thấp. Chính điều này đã tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp yên tâm hơn trong quyết định gửi tiền đầu tư kinh doanh của mình, đồng thời đây cũng là điều kiện tiên quyết, lâu dài cho việc hạ mặt bằng lãi suất.
Thứ hai, là câu chuyện tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã công bố dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cho cả năm 2023 ở mức 3%, tức là tăng so với mức 2,8% trước đó.
Mức tăng này không lớn, nhưng thể hiện được rằng kinh tế thế giới đang ấm dần lên và đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp lạc quan hơn vào thị trường đầu ra. Về yếu tố trong nước, dân số Việt Nam hiện nay là 100 triệu người, đây là một thị trường tiêu thụ lớn cho doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận lãi suất cạnh tranh hơn họ sẽ hoạch toán vào quyết định kinh doanh của mình, giá bán sẽ dễ chấp nhận hơn với người tiêu dùng thì sẽ là nơi người tiêu dùng và doanh nghiệp gặp nhau.
Như vậy chúng ta thấy được những điểm tích cực, thuận lợi cho việc hạ mặt bằng lãi suất.
Trong thời gian tới, câu chuyện lãi suất sẽ không chỉ là cách tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện kinh doanh khác.
Đầu tiên về điều kiện để tiếp cận vốn, nếu các ngân hàng vẫn giữ thận trọng với việc rà soát các hồ sơ, tài sản thế chấp, các điều kiện phục hồi của doanh nghiệp thì rõ ràng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ còn tương đối chậm.
Nhưng nếu các doanh nghiệp thuyết phục được ngân hàng hoặc ngân hàng có cách tiếp cận mở hơn khi xem xét hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp thì có thể có cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Đây cũng là điểm mà chúng ta hy vọng vào cộng đồng doanh nghiệp và ngân hàng sẽ có những trao đổi, đối thoại, chia sẻ khó khăn nhiều hơn để đi đến hợp tác trong thời gian tới.
Ở góc độ Chính phủ, theo tôi bên cạnh câu chuyện theo dõi, điều chỉnh mặt bằng lãi suất thì một nội dung rất quan trọng nữa là thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính không cần thiết… vì điều đó sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến quyết định, năng lực thụ hưởng vốn của doanh nghiệp./.
ThS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM)