Aa

Nghĩ trong ngày Thống nhất

Thứ Hai, 30/04/2018 - 06:00

Với mỗi người dân Việt, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà hoà bình trở lại trên toàn cõi; ngày đoàn tụ, non sông thu về một mối, Bắc – Nam liền một dải, ngày cả dân tộc bắt đầu chung tay xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…

Bốn mươi ba năm qua, những người lính trận, những cô thanh niên xung phong trẻ trung ngày nào giờ đã thành ông, nên bà; quá nửa công dân trên dải đất hình chữ S cũng đã là những người không biết đến mùi khói súng. Và, bốn mươi ba năm qua, chúng ta đã có những bước tiến dài trên rất nhiều lĩnh vực. An ninh chính trị được giữ vững. Kinh tế liên tục phát triển. Vị thế Việt Nam trên trường thế giới, ngày càng được bạn bè quốc tế đánh giá cao và coi trọng. Chúng ta đã tập hợp được trí tuệ của đại bộ phận quần chúng nhân dân, những người Việt Nam trên khắp mọi miền của tổ quốc, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài để xây dựng đất nước. Đây là những thành quả quan trọng, là nguồn lực làm nên sức mạnh Việt Nam.

Đặc biệt hơn, bốn mươi ba năm qua còn là một chặng đường dài trên bước đường hòa giải dân tộc. Đó là chặng đường chuyển ngữ cho một ngày kỷ niệm. Từ “Ngày chiến thắng”, “Ngày giải phóng” đến “Ngày thống nhất”. Chặng đường ấy, nhân dân đã trăn trở, Đảng đã trăn trở. Và cả những người Việt đã ra đi, những người trí thức của chế độ cũ cũng đã trăn trở. Trăn trở để cùng nhìn về một hướng. Đó là hướng đi tới cho dân tộc Việt Nam.

“Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” - đó là khẩu hiệu chúng ta hay dùng. Nhưng hình như, ở một giác độ nào đó, nó chưa thuận lắm!

Nguồn ảnh: Báo Công an Nhân dân

Nguồn ảnh: Báo Công an Nhân dân

Chúng ta, những người dân Việt, không được phép quên những đau thương mà dân tộc đã phải gánh chịu trong quá khứ; đặc biệt là những gì còn hiển hiện trong thế kỷ XX. Chúng ta không được phép quên quá khứ với những hy sinh và những nỗi đau vẫn còn hằn lên trên từng tế bào tổ quốc.

Hãy nhớ để trân trọng những gì chúng ta có hôm nay. Nhớ để trân trọng giá trị của hòa bình, của thống nhất. Hãy nhớ về quá khứ, về ngày 30/4/1975 để cùng mở lòng hơn, dang rộng vòng tay hơn và cùng hướng về sự chính nghĩa của tinh thần Đại đoàn kết dân tộc!

Tổng bí thư Lê Duẩn đã nhấn mạnh: “Thắng lợi này không chỉ của riêng ai, vinh quang này thuộc về dân tộc”. Ý nghĩa của tuyên ngôn ấy rộng hơn nhiều điều chúng ta đã nghĩ và đã làm.

Trong lần trò chuyện gần đây với một vị trí thức lớn, một nhà nghiên cứu lịch sử, tôi có hỏi ông về niềm trăn trở ấy. Ông cũng cho rằng, ngày 30/4 là cái mốc cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc mà chúng ta không được phép quên. Tuy nhiên sau những năm tháng chiến tranh thì trong ông vẫn cảm thấy có gì đó day dứt, có điều gì đó còn chưa trọn vẹn. Có thể đó là chuyện đất nước ta phát triển không được như mong đợi của mình hơn 40 năm về trước. Nhưng có lẽ day dứt hơn, đó là việc khối đại đoàn kết dân tộc - sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước nhưng sau hơn 40 năm rồi vẫn chưa thật sự hoàn thiện.

Dường như tư tưởng thắng thua, thành phần, lý lịch, phân biệt đối xử giữa người Việt với nhau, giữa trong và ngoài nước vẫn còn ăn sâu vào đầu óc một bộ phận không nhỏ. Nếu chúng ta làm cho mọi người Việt đồng tâm, hợp lực để xây dựng đất nước thì đấy sẽ là động lực, sức mạnh to lớn để xóa nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh; bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Và, muốn làm được như thế, mỗi người Việt phải “hòa giải” cái đầu mình trước đã. Hòa giải không thể là thái độ “ban ơn” mà phải hết sức chân thành, độ lượng, lấy đại nghĩa làm trọng, lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên hết. Hòa giải cũng còn là chấp nhận sự khác biệt, là tôn trọng và sẵn sàng đối thoại để tìm ra tiếng nói chung.

Trong lịch sử Việt Nam, Trần Nhân Tông đã để lại bài học tuyệt vời về hoà hợp và hoà giải. Sau chiến thắng lừng lẫy giặc Nguyên Mông, Đại Việt bước vào những ngày hòa bình thịnh trị bằng chính hòa giải và hòa hợp. Ngay khi từ phòng tuyến kháng chiến trở về, việc đầu tiên vị Hoàng đế chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc ấy bắt tay vào là đốt toàn bộ những sổ sách ghi chép bằng chứng của những người đã trót phản bội, đầu hàng giặc.

Ngay trong thời đại của chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Người cũng đã tập hợp được một Chính phủ với nhiều thành phần, giai tầng tham gia. Trọng cái nghĩa ấy, nhiều nhân sĩ, trí thức đã rời bỏ cuộc sống sung túc ở nước ngoài để trở về tham gia kháng chiến.

Sau 30/4/1975, vai trò quan trọng của hòa giải, hòa hợp dân tộc trong quan điểm của các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng không phải không được chú trọng. Bằng chứng là ngay khi bước từ cầu thang máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất sáng 1/5/1975, Tổng bí thư Lê Duẩn đã nhấn mạnh: “Thắng lợi này không chỉ của riêng ai, vinh quang này thuộc về dân tộc”. Ý nghĩa của tuyên ngôn ấy rộng hơn nhiều điều chúng ta đã nghĩ và đã làm.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã nói: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng, của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả… Đó chính là động lực để thúc đẩy mạnh mẽ hòa giải và hòa hợp dân tộc hướng đến tương lai”.

Và ngay tại Quận Cam, thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cũng khẳng định: “Trong một gia đình 5 - 7 người đôi khi còn có bất hoà. Trong một đất nước rộng lớn với hơn 80 triệu dân và 54 dân tộc khác nhau, nếu có những khác biệt cũng là điều dễ hiểu… Nếu ai đó còn có ngần ngại, còn có bất đồng, chúng ta hãy nói với các bạn ấy rằng mẹ hiền Việt Nam lúc nào cũng dang rộng cánh tay đón nhận tất cả những người con của mình về với Tổ quốc. Không có lý do gì, sự bất đồng gì ngăn cản sự đoàn kết, thống nhất quốc gia trong sự nghiệp phát triển, xây dựng đất nước của chúng ta”.

Nhắc lại, để chúng ta cùng nhau kỷ niệm ngày 30/4 như một ngày hội chung của cả dân tộc, ngày hội thống nhất và hòa hợp của mọi người Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top