Aa

Nghịch lý thiếu trường học nơi đô thị

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Chủ Nhật, 07/05/2023 - 06:09

Trẻ em đủ tuổi được đến trường là nhu cầu đương nhiên, nhưng giờ đây lại không đương nhiên nữa.

LTS: “Thiếu trường học” là cụm từ không mới và thường được nhắc đến mỗi khi các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất vận hành trong những năm gần đây. Đây là bài toán khó đối với các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và quản lý đô thị làm sao để hài hòa giữa sự phát triển với đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trước thực trạng này, ngày 10/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg về việc tập trung kiểm tra, rà soát, đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị. 

Với mong muốn góp một phần tiếng nói để hiện thực hóa chủ trương trên, Reatimes xin trân trọng gửi tới bạn đọc loạt bài "Hạ tầng giáo dục - Đòn bẩy phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp".

Bài 3: Nghịch lý thiếu trường học nơi đô thị

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Cách đây chưa lâu, chúng tôi về quê tham gia hội khóa, tất cả đều chung cảm giác thật rõ ràng: Trường lớp bây giờ đã rất khác xưa. Khác không chỉ bởi bối cảnh, con người như lẽ thường đổi thay mà đó chính là sự thưa vắng của môi trường nhẽ ra sẽ đông vui. Bây giờ, hầu hết các trường số lượng học sinh đều giảm, chỉ bằng một phần hai, một phần ba ngày xưa. Ngẫm ra cũng đúng, bởi xã hội hiện đại, mỗi gia đình chỉ có một vài đứa con, trẻ em lớn lên lại có nhiều lựa chọn trường lớp, khác với trước đây, một xã thường chỉ có một trường cấp một, một trường cấp hai, và mỗi huyện chỉ một vài trường cấp ba hệ công lập. Nhưng đó vẫn là chuyện nơi làng quê, ở nơi xa xôi về địa lý và bối cảnh so với đô thị.

Nghịch lý ở chỗ, nơi tập trung đông dân cư, nhiều trẻ em, nhu cầu bức thiết thì không được giải quyết. Đó là lý do cứ mỗi mùa tuyển sinh, ở các khu đô thị lại nóng lên bởi hình ảnh phụ huynh xếp hàng từ đêm hôm trước, mờ sáng hôm sau, chen lấn để cố nộp hồ sơ cho con vào học mà chẳng biết được hay không.

Trẻ em đủ tuổi được đến trường là nhu cầu đương nhiên, nhưng giờ đây lại không đương nhiên nữa. Nếu xét về quy định, mỗi phường trên địa bàn thành phố sẽ có một trường công lập mầm non, tiểu học, THCS… song, ở các khu đô thị mới, việc xây dựng công trình với mật độ dân cư dày đặc lại thường không đi kèm với trường học, hoặc nếu có thì đa số là những trường tư thục mọc lên với mức học phí cao, nhiều gia đình không đủ sức chi trả.

Như vậy đồng nghĩa với việc trẻ em ở độ tuổi đến trường thiếu môi trường học tập, nếu muốn giải quyết thì gia đình phải tự… tìm đường! Con đường ấy nghe chừng gian nan lắm thay. Phải xin cho các cháu học trái tuyến. Phải chịu những sức ép, phát sinh, biến tướng… không ai lường trước được.

Nghịch lý thiếu trường học nơi đô thị- Ảnh 2.
Cảnh tượng hàng trăm phụ huynh xếp hàng dài giữa đêm trước một cổng trường ở Hà Nội chờ mua hồ sơ lớp 1 cho con. (Ảnh: M.C)

Mùa tựu trường, nhẽ ra tưng bừng hân hoan từ học sinh tới phụ huynh thì giờ thành mùa “mất ăn mất ngủ”. Chừng nào con cháu trong gia đình chưa có một “suất” để chắc chắn sẽ được “cắp cặp tới trường” thì chừng đó phụ huynh còn như ngồi trên chảo lửa, không thể yên tâm mà lo công việc, đời sống và bao nhiêu thứ bộn bề. Đã xảy ra biết bao tình huống “cười ra nước mắt”. Những mùa tuyển sinh trước, một trường mầm non công lập ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã phải tổ chức bốc thăm bởi trường chỉ có hơn 90 chỉ tiêu lớp mẫu giáo nhưng có tới gần 200 hồ sơ đăng ký cho trẻ đi học. Ở nhiều trường khác, việc phụ huynh thức khuya dậy sớm lo xếp hàng nộp hồ sơ, có cả hàng loạt “cò” giăng hàng trước cổng trường cũng không còn lạ. Ai ngờ việc học hành của trẻ em lại nan giải thế? Vậy vì sao nên nỗi, và giải pháp nào cho vấn đề nóng hổi này?

Đầu tiên, cần chấp nhận và xác định những thực tế quan trọng đó là: Mật độ dân cư không đồng đều dẫn đến việc phân chia cơ học mỗi địa bàn là bao nhiêu trường sẽ không thể giải quyết trường lớp cho tất cả trẻ em. Tiếp theo là nhu cầu trẻ em được học trường công lập. Đó là một nhu cầu cần thiết và nên coi là lẽ đương nhiên. Với mức thu nhập bình quân đầu người chưa cao, đặc thù nhiều gia đình từ quê lên phố lập nghiệp, không thể áp dụng hoàn toàn mô hình trường tư với mức học phí cao cho tất cả các gia đình.

Ở những quốc gia, thành phố văn minh, vị trí của trường học thậm chí được tính trước cả khi những khu dân cư được hình thành để bảo đảm khi có dân cư sinh sống thì trẻ em được học hành và tầm nhìn xa của những công trình đó có khi tới vài trăm năm, không có sự lạc hậu, quá tải... Nghịch lý ở các khu đô thị hiện nay là rất nhiều dịch vụ mang lại lợi ích tức thời được tính toán, thiết kế, đấu thầu như: Siêu thị, dịch vụ vui chơi, mua sắm… nhưng “lờ” đi trường học và đi kèm với trường học còn là thư viện, khu vui chơi dành cho trẻ em, không gian thuộc về trẻ em… Nếu làm một cuộc khảo sát, chắc chắn sẽ càng thấy rõ sự bất hợp lý này. Tính riêng ở Hà Nội, có bao nhiêu khu đô thị mới, và trong số đó có bao nhiêu nhà trẻ, trường học?

Nghịch lý thiếu trường học nơi đô thị- Ảnh 3.
Từ bao giờ chúng ta đã quên đi sự có mặt cần thiết của trường học? Các dự án bỏ trống hạng mục này.
(Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh)

Trong rất nhiều giải pháp, chúng tôi nghĩ đến các quy định cần được xác định như chuẩn mực, bắt buộc cho những dự án khu đô thị đó là phải có nhà trẻ, trường học, nếu không có hoặc có mà mức độ không tương xứng với dự báo về nhu cầu thì không cấp phép xây dựng. Từ bao giờ chúng ta đã quên đi sự có mặt cần thiết của trường học? Các dự án bỏ trống hạng mục này. Người mua nhà cũng chỉ đặt nhu cầu cư trú, hưởng thụ mà không (hoặc không có lựa chọn nào khác) nghĩ đến môi trường học tập của con em mình?

Nhìn chung, việc đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa… thường được mặc định là câu chuyện của tương lai, không mang lại lợi nhuận tức thì, nhiều vấn đề chưa được cụ thể hóa ngay lập tức… nên chính các chủ đầu tư ở đô thị cũng ít quan tâm. Và trên thực tế, thử hỏi có nhiều gia đình sẵn sàng nói không với quyết định cư trú, mua bán nhà đất nếu ở đó thiếu trường học dành cho trẻ em? Vẫn có một tỷ lệ nhất định, có cả những gia đình sẵn sàng đi thuê nhà để tạo điều kiện cho con em học tập, nhưng khách quan thì tỷ lệ không nhiều.

Trước rất nhiều áp lực, người ta thường có xu hướng đổ lỗi cho một bên nào đó, và trong câu chuyện này, ngành giáo dục trở thành tâm điểm. Xét một cách khách quan, ngành giáo dục cũng đã có những giải pháp nhất định nhằm thay đổi phần nào thực tế ngổn ngang, chẳng hạn tuyển sinh trực tuyến. Song, những nỗ lực ấy chưa tác động một cách rõ ràng vào diện mạo, chưa giải quyết triệt để vấn đề nan giải là thiếu trường học cho trẻ em. Sẽ là không công bằng nếu tất cả áp lực này đều đặt lên ngành giáo dục. Cần thiết phải có sự thay đổi, sắp xếp lại về mặt tổng thể và huy động toàn bộ nguồn lực xã hội. Phân bổ trường công lập chưa đồng đều thì phân bổ lại. Các khu đô thị chưa có trường học thì buộc phải có… Tất nhiên, để làm được điều đó không hề đơn giản, nhưng cốt lõi vẫn là ta có muốn làm hay không bởi trên thực tế, quỹ đất vẫn còn, giải pháp và nhân lực cũng không thiếu.

Nghịch lý thiếu trường học nơi đô thị- Ảnh 4.
Toàn xã hội cần phải coi trường lớp cho trẻ em như một nhu cầu thiết yếu, quan trọng bậc nhất.
(Ảnh minh họa: Trần Tú Dũng)

Trẻ em thiếu trường lớp để học tập dẫn đến biết bao hệ lụy mà nếu phân tích cụ thể thì đó trở thành một vấn nạn xã hội đầy nhức nhối tác động vào tâm lý, cuộc sống, quá trình hình thành và rèn luyện nhân cách, trí tuệ… Quan sát thì thấy, ta than vãn thiếu trường lớp, nhưng rồi mỗi trẻ em ở đô thị thường vẫn được đến trường theo một cách nào đó mà người lớn đã phải gian nan, nỗ lực. Có vẻ như mọi chuyện cuối cùng rồi cũng đâu vào đấy là thực tế khiến người ta dễ bằng lòng, dễ an ủi và chấp nhận. Nhưng biết bao câu chuyện phía sau cần được quan tâm. Trẻ em học trái tuyến, chặng đường di chuyển xa kéo theo bao nhiêu sự bất tiện và nguy cơ mất an toàn? Để được một “suất” xin cho con học thì phụ huynh phải trải qua những gì, đánh đổi những gì? Điều gì chắc chắn rằng một gia đình đã vất vả lo cho con được đi nhà trẻ, mẫu giáo… thì các cấp học tiếp theo sẽ không phải tiếp tục dấn vào con đường như trước?

Tôi từng chứng kiến có những gia đình mâu thuẫn chỉ vì việc học của con; có những tai nạn đáng tiếc trên chặng đường trẻ đến trường mà nhẽ ra chặng đường ấy không dài như thế; có những gia đình công chức phải “thắt lưng buộc bụng” chịu học phí khi con học trường tư… Người ta có thể dễ dãi tự an ủi: Rồi cuối cùng trẻ em đều được đến trường, mà quên rằng những vấn nạn nhức nhối, những hệ lụy sau đó đang kéo lùi sự phát triển, sự văn minh và nhân văn trong cuộc sống.

“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, hai câu thơ chứa chan tình yêu thương của Bác Hồ dành cho thế hệ măng non của đất nước đồng thời cũng là trách nhiệm Người giao cho hậu thế về việc phải thường xuyên quan tâm, chăm lo đến trẻ em. Ở độ tuổi đó, nhẽ ra các em không phải chịu vướng bận về việc mình học trường nào, có nơi nào nhận hồ sơ không, nếu không thì sẽ ra sao… như thực tế bộn bề vốn có.

Việc một đứa trẻ chịu tác động từ nỗi lo toan, áp lực của người lớn về trường lớp sẽ gây nên những ám ảnh, trải nghiệm không tích cực. “Bố mẹ đang đi lo xin trường cho con”, “Con chưa biết có được đi học ở đây không hay về quê với ông bà”, “Con muốn được học ở gần nhà mình giống các bạn hàng xóm cơ”… những câu nói ngây thơ của trẻ em khiến ta thắt dạ thắt lòng.

Có nhiều trẻ em ngủ li bì, ngủ quên trên xe buýt đường dài; chịu hệ lụy từ việc bố mẹ thuê người đưa đón; cảm thấy mình có lỗi khi chỉ vì đi học mà gia đình mỏi mệt… Bằng những cách nào đó, toàn xã hội cần phải coi trường lớp cho trẻ em như một nhu cầu thiết yếu, quan trọng bậc nhất, giống như cơm ăn nước uống, điện sáng, giao thông… thì mới có thể quyết liệt đưa ra hướng giải quyết thấu đáo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top