Tôi vẫn gọi những người làm biên tập văn chương, làm sách là những người bắc nhịp cầu văn. Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ là một trong những người ấy. Vũ là Giám đốc NXB Văn học - Một địa chỉ lâu đời và đình đám của ngành xuất bản cũng là nơi tin cậy và danh giá cho các nhà văn gửi gắm tác phẩm của mình. Trong 60 nhà xuất bản đang tồn tại trong cả nước, Nguyễn Anh Vũ là Giám đốc, Tổng Biên tập trẻ nhất. Vũ sinh năm 1978, đảm nhiệm chức vụ Giám đốc năm 2015 và nếu tính cả mấy năm làm Phó Giám đốc phụ trách kiêm Tổng Biên tập thì người đứng đầu cơ quan xuất bản lớn vào hàng tốp đất nước này nhận trọng trách ở tuổi 34.
Sẽ có người ồ à, chức Giám đốc NXB Văn học tương đương cấp vụ trưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tuổi ấy có gì là trẻ nữa. Xin thưa, hãy nhìn vào mặt bằng giám đốc các nhà xuất bản, họ đều là những người từng trải và có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm bởi đặc thù nghề nghiệp xuất bản nó khác biệt hoàn toàn với các công việc khác. Những cuốn sách ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi người tạo ra nó phải hội tụ đủ đầy nhiều yếu tố trong đó trình độ chữ nghĩa là tiên quyết. Trụ được trong cái ghế giám đốc được gần chục năm, xóa bạt những nghi ngại của người trong nghề về sự non nớt tuổi đời, tuổi nghề so với những giám đốc tiền nhiệm, giữ vững sự vận hành phát triển của một nhà xuất bản trong điều kiện khó khăn bởi văn hóa đọc bị những loại hình khác chèn ép, lấn lướt, Nguyễn Anh Vũ thật sự đã trưởng thành, nếu không muốn nói là người có tài năng và phẩm chất lãnh đạo.
Nhà văn đương nhiên là phải in sách. Ai cũng muốn gửi gắm đứa con tinh thần của mình vào tay bà đỡ tốt nhất có thể. Bởi vậy không lạ khi cánh nhà văn luôn có mối kết giao với những người làm sách ở các nhà xuất bản. Khi sung sức, có năm tôi in hai cuốn và lẽ đương nhiên tôi cũng có những biên tập viên là cạ ruột thấu hiểu và nhiệt thành chăm sóc cho đứa con tinh thần của tôi. Nguyễn Anh Vũ là một người trong số đó. Ngoài quan hệ làm sách, tôi và Vũ còn có quan hệ tình cảm rất riêng như thể đó là sự sắp xếp của số phận.
Tôi biết Nguyễn Anh Vũ hơn chục năm trước. Bấy giờ, Vũ chưa đến 30 tuổi, đang là biên tập viên nhưng đã khá nổi tiếng trong giới. Bằng chứng là thi thoảng hội hè, tụ tập của cánh nhà văn đã thành danh, thậm chí có những người cực nổi tiếng, tôi luôn thấy Nguyễn Anh Vũ xuất hiện trong một tâm thế rất tự nhiên thoải mái. Thoải mái trong cả cách xưng hô chú chú, anh anh có sự phân định rạch ròi. Được giới thiệu làm quen, nhưng cả tôi và Vũ đều có vẻ hững hờ. Thâm tâm tôi không thích cái sự tự nhiên thái quá của một người trẻ giữa đám người cứng tuổi. Từ mấy năm trước, truyện ngắn của tôi đã được Nguyễn Anh Vũ tuyển chọn vào các tuyển tập của nhà xuất bản nhưng thật sự tôi và Vũ vẫn không hề giao tiếp và hoàn toàn như người xa lạ.
Rồi đến một lần, trong cuộc rượu tới bến, chuyện đưa đẩy thế nào đó, tình cờ biết Vũ là con trai của nhà báo Nguyễn Văn Anh, Tổng biên tập báo Văn hóa, tôi đã mừng rỡ thay đổi thái độ với Vũ. Đơn giản, nhà báo Nguyễn Văn Anh, từ nhiều năm trước là người luôn động viên tôi vào con đường văn chương bằng cách ông in ấn cho tôi mọi sáng tác từ truyện ngắn đến tạp văn, ký sự... thuở chập chững ban đầu.
Văn Anh chính là người đỡ đầu nhiệt tình và chính ông, giữa lúc tôi hoang mang không biết khả năng của mình đến đâu để có thể tiếp tục theo đuổi văn chương được hay không, đã khẳng định tôi sẽ trở thành nhà văn nếu duy trì được bút lực như hiện tại. Khỏi nói, tôi sung sướng thế nào, lao vào viết như điên. Đến một dạo, Nguyễn Văn Anh từ chối tôi, không tiếp tục in bài và khuyên tôi bắt đầu gửi đến những tờ báo chuyên về văn chương. Tôi chịu ơn ông về sự chỉ bảo và giúp đỡ chân tình như vậy. Năm 2003, Nguyễn Văn Anh mất vì một căn bệnh hiểm nghèo khi ông vẫn đang đương nhiệm vị trí Tổng Biên tập báo Văn hóa.
Nguyễn Anh Vũ thắc mắc vì sao tôi không có mặt trong đám tang cha Vũ, vì sao Vũ không gặp tôi bao giờ ở nhà riêng? Sự giải thích của tôi có vẻ được Vũ chấp nhận. Bằng chứng là tự Vũ thay đổi xưng hô chuyển gọi tôi từ anh sang chú. Đến một dạo khi Nguyễn Anh Vũ cùng nhà sách Đông A của họa sĩ Trần Đại Thắng làm một bộ sách tiểu thuyết chiến tranh gộp chung tác giả gồm các nhà văn Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh và tôi, thì chúng tôi lại phát hiện ra một điều thú vị.
Giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Lý Hoài Thu người từng là cô giáo dạy văn của tôi dạo tôi học đại học lại là mẹ của Vũ. Tôi viết văn muộn và đi học cũng muộn, vừa học vừa đi làm nên mới là học trò của cô giáo chỉ hơn tôi vài tuổi. Nhà văn Lý Hoài Thu nói mấy câu gửi gắm khiến Vũ có vẻ cảm kích. Hãy tưởng tượng một chàng trai to béo cỡ tám chục ký, cao lớn, ăn nói không hề kiêng dè lại có phản ứng rất con trẻ bằng nụ cười phìu miệng xuống hình chữ O rất hiền lành. Một nụ cười chấp nhận.
Từ đấy, rất tự nhiên Nguyễn Anh Vũ coi tôi như người trong nhà và từ bao giờ chẳng nhớ Vũ gọi tôi là bố xưng con. Một tình cảm thật lòng từ Vũ khi nghĩ về cha mình và có thể từ cách ứng xử của tôi với Vũ. Nói thêm, không hiểu số tôi thế nào hay có con nuôi đủ mọi nghề, dù vẫn biết đó chỉ là cách gọi, nhưng ít nhiều vẫn có tình cảm thật sự. Tôi hay đùa Vũ là tổ trưởng tổ con nuôi. Vẫn là nụ cười hiền lành chấp nhận. Có lần Vũ đưa vợ con đến nhà tôi chơi khi ra về, vợ tôi bảo Vũ nó yêu quý anh thật, thấy cứ chống đũa ngắm anh suốt bữa. Nghe nói thế, lòng tôi tràn ngập niềm vui sướng. Vợ tôi vốn kiệm lời khi nhận xét về người khác. Tôi biết cả gia đình tôi cũng đã thật sự coi Vũ như người nhà.
Từ dạo Vũ và tôi thân tình, chúng tôi gần gụi nhau nhiều hơn và quan tâm giúp đỡ nhau trong những công việc có thể. Đến nhà thấy cái tranh nuy Vũ ngắm và bảo rất thẳng thừng con treo hợp hơn vì bố già rồi. Đó là bức tranh của một cố họa sĩ vẽ nuy theo trường phái cổ điển. Lại có lần vẫn là tranh, đến chúc tết năm Dần, thấy có bức tranh bột mầu vẽ hổ rất đẹp và hiền lành, sinh động như một con mèo của họa sĩ Tào Linh, Vũ bảo con trai con ở nhà tên là Hổ, bức này nó thích. Thế thì chẳng cần nói thêm, tôi gỡ tranh đưa cho hai bố con ngay. Báo hại tôi phải gọi cho Tào Linh vẽ giúp bức khác tận chiều 30 Tết mới có tranh treo. Ở chiều ngược lại, Vũ thi thoảng biếu tôi chai rượu, gói thuốc và quý nhất là những cuốn sách mới xuất bản.
Tôi có thói quen hay giúp những tác giả mới in ấn. Là vì tôi ỷ có họa sĩ Trần Đại Thắng, có Đông A và có Vũ trợ lực. Nếu là tác giả nữ, bao giờ Vũ cũng nheo nheo mắt đầy cảnh giác, là thế nào với bố? Tôi cáu, Vũ lại cười mồm phìu chữ O. Con hỏi để miễn phí xuất bản nếu thân thiết người nhà chứ có ý gì đâu. Biết tôi hay đi miền núi trong các đoàn thiện nguyện, Vũ gửi những thùng truyện đủ loại trong danh nghĩa cá nhân và nhà xuất bản cho các trường học. Có lần Vũ sáng kiến trích phần trăm giá bìa sách bán được trong Hội sách để tặng chương trình “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Không hề một lần nói ra nhưng tôi biết, vị tiến sĩ giám đốc trẻ tuổi luôn đau đáu hướng thiện và làm những điều tốt đẹp nhất có thể. Đấy là phẩm chất của Vũ.
Với các nhà văn, đặc biệt là các tác giả mới, Nguyễn Anh Vũ luôn tạo mọi điều kiện giúp việc xuất bản nhanh và chuẩn nhất có thể. Cũng như tôi, rất nhiều nhà văn thân tình và quý trọng Nguyễn Anh Vũ, cho dù ai cũng hiểu Vũ rất nguyên tắc trong công tác biên tập với sự khắt khe và cẩn trọng chữ nghĩa tuyệt đối. Có tác giả nổi tiếng từng bảo đùa, con ông nó ghê lắm, máy chém đấy, nhưng công nhận nó tinh như cáo. Tôi cười tít mắt phụ họa. Chuyện, nó con nhà nòi giỡn sao được. Cả nhà Nguyễn Anh Vũ đều là dân văn khoa trong đó vợ Vũ cũng là một tiến sĩ giảng dạy cùng khoa văn với mẹ chồng.
Đã nhiều năm cứ gần tết âm, tôi và Nguyễn Anh Vũ lại xuống mộ thắp hương cho nhà báo Nguyễn Văn Anh. Tôi mang một cành đào cắm ở mộ ông với lòng biết ơn chân thành. Ngắm nhìn ảnh ông với đôi mắt sáng thấu trong rành rẽ khói hương, tôi biết ông hài lòng về con trai của mình. Mỗi lần như vậy, tôi hiểu chính ông đã chắp nối cho tôi gặp Vũ để chứng kiến một người giống như ông bắc nhịp cầu văn cho tôi. Được cả hai cha con cùng bắc nhịp, tôi có lẽ là người thật hạnh phúc trên con đường văn chương gập ghềnh gian khổ, nặng trĩu nỗi buồn nhưng cũng ăm ắp niềm vui.
Cảm ơn, xin được cảm ơn người bắc nhịp cầu văn./.