Đa số người dân là những ai vậy? Đa số là bao nhiêu phần trăm tổng dân số? Những người được lấy ý kiến và ủng hộ việc tăng giá ấy có đúng là đại diện cho cư dân Thủ đô không? Liệu ý kiến của họ có được ghi nhận, báo cáo trung thực không, hay chỉ là cái thăm dò kiểu qua loa, cho có, để dễ báo cáo?
Cùng lúc đó, lại có thông tin, 91,26% đại biểu tán thành để HĐND Thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo Nghị quyết, giá trông giữ ô tô, xe máy sẽ tăng từ 1,5 đến 2 lần so với hiện tại.
Vậy là đã rõ. Không chỉ "đa phần" người dân đồng ý, mà hầu hết các đại biểu đều tán thành. 91,26% là tỉ lệ quá lớn còn gì?
Nhưng, xin hỏi cái tỉ lệ quá lớn ấy một câu hỏi nhỏ: Các vị có biết thực tế hiện nay giá thu phí trông giữ ô tô, xe máy ở lòng đường, vỉa hè thực tế là bao nhiêu không? Nó có đúng với giá thực người ta ghi trên chiếc vé không?
Thực tế cho thấy, việc trông giữ xe máy, ô tô tại lòng đường, vỉa hè Thủ đô hiện nay đang quá bát nháo. Nhiều nơi, người ta thu với mức phí cao hơn nhiều so với giá thực ghi trên phiếu. Có nơi, vé trông xe chỉ là tờ bìa các-tông cắt vuông nho nhỏ, ghi con số và chữ ký loằng ngoằng của cá nhân nào đó...
Kể cả có tăng hơn nữa so với mức phí mới thông qua, thì chắc chắn một điều, nó vẫn thấp hơn so với số tiền người gửi xe phải bỏ ra trả cho các "ông chủ" trông giữ.
Thay vì tăng giá vé, trước tiên, theo tôi, hãy quản lý chặt chẽ tình trạng bát nháo, lộn xộn đi đã. Đừng tạo cơ hội cho các "đầu nậu" có cớ để "bóp cổ" người gửi xe thêm nữa. Đó mới là điều người ta cần tỉ lệ nhất trí thông qua của đại biểu thật cao!!!