Aa

Người dựng tượng đài

Thứ Sáu, 23/07/2021 - 07:00

Dương Hướng viết không nhiều, chỉ với ba tiểu thuyết, vài tập truyện ngắn, nhưng đó đều là những tác phẩm xứng đáng với vị thế nhà văn của ông trên văn đàn. Nhiều giải thưởng văn học đến từ những tác phẩm này...

Người dựng tượng đài, vâng đó chính là nhà văn Dương Hướng. Ô hay, tượng đài thì phải là nghệ sĩ điêu khắc hay kiến trúc sư chứ nhà văn sao có thể làm nổi? Vậy mà có đấy, cụm tượng đài, khu lưu niệm “Bến không chồng” được dựng tại làng Đông (thôn An Lệnh, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) do chính nhà văn Dương Hướng khởi lên từ tiểu thuyết “Bến không chồng”, được nhân dân và chính quyền địa phương tạo dựng để tri ân tác phẩm xuất sắc này.

Đây chính là quê hương của tác giả. Cụm tượng đài, khu lưu niệm gồm nhiều hạng mục: Bia đá khắc đại tự, khuôn viên, tiểu cảnh, kệ đá hai bên bờ sông Đình Đoài. Tượng đài, bia được chế tác từ đá nguyên khối, có dáng dấp người thiếu phụ bồng con. Một sự hy hữu nhưng không hề lạ kỳ. Mới hay, văn học luôn có những điều kỳ diệu và nhà văn có thể làm những việc tưởng chừng không thể.

Năm 1991, một năm bội thu của văn học Việt. Nói chính xác hơn là một năm được mùa của thể loại tiểu thuyết. Cùng với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, tiểu thuyết” Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng đã tạo ra một sự đột phá lớn trong mặt bằng văn học. Cả ba cuốn tiểu thuyết được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và gây dư luận không chỉ trong nước. Trong đó “Bến không chồng”, một tiểu thuyết viết về một làng quê Việt Nam trải qua những cuộc chiến tranh với thân phận của những người phụ nữ ở hậu phương chờ chồng, chờ con ngoài mặt trận. Cái bến sông được nhà văn gọi là “Bến không chồng” chỉ là một bến sông của một làng quê bình dị nhưng nó chứa đựng những bi tráng thời đại. 

Tôi đọc “Bến không chồng” trong tâm thế của một người lính trở về sau cuộc chiến nên có nhiều đồng cảm với những người ra trận. Thế nhưng những gì xảy ra ở làng Đông mới là những khám phá mới mẻ về một hậu phương tưởng yên bình nhưng lại bội phần dữ dội. Nếu như bom đạn là thước đo của ác liệt thì làng Đông với bến sông, bóng nước, ruộng đồng và những người nông dân hiền lành, cần cù chịu khó lại chịu đựng không chỉ những gì chiến tranh mang đến.

Một làng Đông của những ngày đầu hòa bình 1954 với sự kiện cải cách ruộng đất đến một làng Đông hậu phương của cuộc chiến chống Mỹ với bao nhiêu số phận đủ mọi cung bậc cho đến tận ngày chiến tranh kết thúc và còn kéo dài sau đó. Mấy chục năm trường đằng đẵng chứa đựng bao câu chuyện đời người về tình yêu, hạnh phúc có, đau thương chia lìa không thiếu, cả những trả giá cho sai lầm hay dũng cảm hoặc đớn hèn. Nhưng nổi bật nhất vẫn là hình ảnh những người phụ nữ đơn chiếc lẻ bóng ở cái bến sông đã trở thành huyền thoại. Và giờ đây nó trở nên bất tử với tượng đài “Bến không chồng”.

Tôi có may mắn được gặp gỡ quen biết cả ba tác giả mùa tiểu thuyết bội thu kia của văn học Việt. Với nhà văn Dương Hướng, sự gặp gỡ của tôi và anh có muộn mằn hơn chút ít cũng bởi anh ở tận Quảng Ninh, ít có điều kiện giao lưu như ở Hà Nội. Khi đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể tiểu thuyết và dựng thành phim điện ảnh “Bến không chồng” thì giá trị cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng” như được tăng lên gấp bội. Điện ảnh có cách khai thác riêng những gì văn học chuyển tải.

Ở phim “Bến không chồng”, tôi biết đạo diễn Lưu Trọng Ninh dành nhiều tâm huyết bởi ông trân quý tác phẩm này. Bằng chứng là ngoài chuyển thể kịch bản, làm đạo diễn, Lưu Trọng Ninh còn làm một việc tôi cho là dũng cảm, dám đánh cược sự thành bại của phim vào việc tự mình thủ vai chính, nhân vật Vạn. Còn nữa, sau phim điện ảnh “Bến không chồng” sản xuất năm 1999, gần hai chục năm sau, ông tiếp tục khai thác tiểu thuyết “Bến không chồng” bằng một phim truyền hình dài tập mang tên “Thương nhớ ở ai”, phát trên sóng truyền hình quốc gia và cũng thành công vang dội.

Ở Việt Nam, có lẽ đây là tác phẩm văn học hiếm hoi được một đạo diễn chuyển thể kịch bản và đạo diễn ở cả phim điện ảnh và phim truyền hình. Nói hơi nhiều về phim là tôi muốn nhấn mạnh thêm ở khía cạnh thành công của ngòi bút nhà văn Dương Hướng.

Nhà văn Dương Hương bên cụm tượng đài "Bến không chồng" ở quê hương ông.

Tôi gặp Dương Hướng sau khi phim “Bến không chồng” ra đời. Thú thật, ngoài sự ngưỡng mộ tác phẩm ở cả văn học lẫn điện ảnh, tôi vẫn có ý tiếc bộ phim mới chỉ khai thác được phần nào những gì Dương Hướng gửi gắm trong tiểu thuyết. Nhà văn có vẻ tâm đắc với những gì tôi chia sẻ. Nhưng ảnh hưởng tích cực của phim điện ảnh “Bến không chồng” có vẻ khiến cho nhà văn ngần ngại về ý định tiếp tục đưa tiểu thuyết này thành phim. Ông tâm sự sẽ viết cuốn tiểu thuyết dày có giãn cách thời gian gần trăm năm “Dưới chín tầng trời” có thể làm phim bề thế.

Sau đó một biên kịch trẻ chuyển thể tiểu thuyết này của ông thành một kịch bản phim dài tập nhưng sự đồ sộ của tác phẩm và giãn cách thời gian quá lớn nên việc sản xuất khó khăn, không thành hiện thực. Nói thêm, với Dương Hướng dù ngưỡng mộ nhưng có vẻ tôi vô duyên với việc làm phim từ tác phẩm của ông. Ngoại trừ việc làm biên tập phim “Thương nhớ ở ai” có chút ít kỷ niệm, còn thì tôi thất bại trong mọi ý định, trong đó có sự tiếc nuối, thậm chí là ân hận nhất là không thể đưa “Dưới chín tầng trời” từ kịch bản thành phim, dù tôi tương đối là một bà đỡ mát tay.

Dương Hướng ngoài đời là một người không mấy có dáng vẻ nhà văn. Ông xuề xòa, giản dị và khá hiền lành, tốt tính, đặc biệt chu đáo với anh em bạn bè. Từ một anh lính trở về sau chiến tranh, Dương Hướng chuyển ngành làm nghề Hải quan và viết văn. Trước khi vào bộ đội năm 1971, ông có nhiều năm là công nhân quốc phòng làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa trên tuyến lửa khu 4. Ông làm một mạch ở Cục Hải quan Quảng Ninh cho đến ngày về hưu, năm 2008. 

Nói về sự tốt tính, mỗi lần cánh chúng tôi đến Quảng Ninh, ông đều mời đến nhà đối đãi một cách rất thịnh tình. Từ nhà cũ ở gần chợ Hạ Long đến ngôi nhà mới khang trang ở khu cầu mới và cả nhà con gái, con rể ở Hà Nội, luôn có mặt bạn bè của ông. Buồn cười, dạo còn làm Hải quan cửa khẩu, thi thoảng Dương Hướng lại dúi cho tôi mấy vỉ thuốc, cầm lấy đi, thuốc tăng lực đàn ông đấy, hiếm lắm, công hiệu lắm. Tôi trợn mắt vì cử chỉ này thì ông cười, nửa ranh mãnh nửa bẽn lẽn, ông không dùng thì cho người khác. Rồi Dương Hướng dặn dò đưa cho ai, cho ai. Vì chuyện này mà một nhà văn đàn anh không nhận được thuốc giận tôi đến tận bây giờ vì nghĩ tôi biển thủ để sử dụng riêng.

Dương Hướng là thế, cứ tủm tỉm, tưng tửng một cách hồn nhiên. Kể cả những chuyện hệ trọng của đời người qua câu chuyện ông kể thì trong sự hình dung của tôi, nó cũng nhẹ nhàng như sự đời phải thế. Viết chi tiết này tôi băn khoăn nâng lên đặt xuống chán chê mới dám động bàn phím. Dương Hướng cưới vợ rồi mới vào bộ đội. Khi chiến tranh kết thúc, chả biết léng phéng thế nào, sau đó ông biết mình có đứa con trai với một phụ nữ nơi đơn vị đóng quân. Như người khác thì đây là một sự cố động trời, có thể tan vỡ gia đình, nhưng mọi sự được Dương Hướng sắp xếp êm đẹp. Ông đón con về Quảng Ninh, bố trí học hành và gây dựng sự nghiệp. Bây giờ con trai ông đã yên bề gia thất, sống hòa thuận cùng với hai người con, một trai, một gái do vợ ông sinh ra.

Có lần tôi hỏi về mẹ thằng cu trong Nam, Dương Hướng cười cười, ổn mà, bả có thêm một người con nữa sau này. Chi tiết đời tư này của Dương Hướng, không biết gây cho ông những sóng gió đến đâu, nhưng với những gì tôi chứng kiến, thì đó là một câu chuyện phức tạp có cái kết có hậu. Thâm tâm, tôi nghĩ, chỉ những người hiền hậu, chu đáo như ông mới hành xử được như vậy.

Nhà văn Dương Hướng viết không nhiều, chỉ với ba tiểu thuyết, vài tập truyện ngắn, nhưng đó đều là những tác phẩm xứng đáng với vị thế nhà văn của ông trên văn đàn. Nhiều giải thưởng văn học đến từ những tác phẩm này. Riêng tiểu thuyết “Bến không chồng” được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Ý, và hai lần được chuyển thành phim điện ảnh và truyền hình. Nhưng thành tựu lớn nhất hiếm có nhà văn nào đạt được đó chính là cụm tượng đài “Bến không chồng” được chính quê hương ông dựng lên tôn vinh cho một tác phẩm văn học xuất sắc.

Trước khi viết về ông tôi nhấc máy hỏi đúng một chi tiết, thằng con trai kia là anh hay em… Chưa nghe hết câu, tôi đã thấy tiếng cười của Dương Hướng vẫn nhỏn nhẻn hiền lành, nó là anh, dạo vào chiến trường tôi chưa kịp có con. Thật bội phục người dựng tượng đài. Nhà văn Dương Hướng sinh năm 1949./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top