Không chỉ các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn do các quy định pháp lý ngặt nghèo, rắc rối mà từ trước đến nay, người mua nhà ở xã hội cũng không hề dễ dàng trong việc tiếp cận loại hình này.
Để đăng ký mua, thuê hay thuê mua một căn hộ nhà ở xã hội, người dân phải trải qua rất nhiều các thủ tục, quy trình phức tạp nếu không muốn nói là một “ma trận”. Đến khi đáp ứng đủ các tiêu chí, thực hiện đúng các thủ tục cũng chưa chắc người dân đã may mắn có suất mua được nhà ở xã hội.
Vì vậy, bên cạnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản tham gia phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy nguồn cung phân khúc này mở rộng thì nhiều kiến nghị cũng mong muốn “cởi bỏ” những quy định phức tạp, cứng nhắc để người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận loại hình này.
Thực tế, ngày 27/11 Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với một số quy định cởi mở hơn cho các đối tượng có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đơn cử, Luật mới không quy định giới hạn về cư trú, nới điều kiện về thu nhập… Điều này được xem sẽ tạo nhiều cơ hội cho người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp tiến gần với giấc mơ an cư.
Bỏ quy định giới hạn về cư trú
Trước khi Luật Nhà ở 2023 thông qua, chỉ những người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án mới được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, còn những người có hộ khẩu tạm trú sẽ phải tạm trú tối thiểu 12 tháng và phải đóng Bảo hiểm xã hội tại tỉnh/thành đó 12 tháng.
Việc quy định cứng nhắc về điều kiện cư trú này đã khiến rất nhiều người dân, hộ gia đình có nhu cầu mua nhà ở xã hội bị hạn chế trong việc tiếp cận loại hình này. Trường hợp của anh Hoàng Thế Hà (quê Nghệ An) đang làm việc tại Hà Nội là một minh chứng.
Anh Hà cho biết, trước đó vợ chồng anh đã ở trọ tại Thủ đô gần 4 năm. Đến khi đăng ký mua nhà ở xã hội thì giấy tạm trú sắp hết hạn buộc anh phải đi gia hạn lại. Tuy nhiên, thời điểm anh đi gia hạn lại trúng lúc thủ tục hành chính triển khai chuyển đổi số, yêu cầu phải cung cấp bổ sung một số giấy tờ từ chủ nhà. Vì vậy, giấy tạm trú của anh không kịp gia hạn theo quy định, phải đăng ký lại từ đầu và xem như chưa đủ thời gian cư trú.
Tương tự với trường hợp của anh Hà, anh N.V.Ninh (quê Thanh Hoá) cũng vì không thể xác nhận cư trú nên đã tuột mất suất mua nhà ở xã hội tại Hà Nội.
Anh N.V. Ninh cho biết, sau nhiều năm tích góp được một khoản tiền, anh đã quyết định rà soát các điều kiện để mua nhà ở xã hội. Mọi điều kiện anh đều đáp ứng được nhưng đến khâu xác minh cư trú, anh được hướng dẫn phải nộp thêm bản sao công chứng sổ hồng của căn nhà đang thuê trọ và giấy xác nhận thường trú ở địa phương nơi anh đang sinh sống. Tuy nhiên, chủ nhà trọ từ chối giao sổ hồng công chứng nên anh đã không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội.
Nhìn nhận về thực tế này, chia sẻ với Reatimes, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành – một doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội cũng khẳng định, điều kiện về cư trú là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người dân tuột mất cơ hội sở hữu nhà ở xã hội trong những năm qua. Điều kiện này không chỉ gây khó cho người mua nhà mà còn khiến nhiều doanh nghiệp có quỹ nhà ở nhà hội cần bán cũng khó bán, do khách hàng không thể tiếp cận.
Vì vậy, Luật Nhà ở 2023 bỏ điều kiện cư trú khi mua nhà ở xã hội, tức người dân muốn mua nhà loại này không cần có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có công trình là rất chính xác và phù hợp mong muốn của người dân, doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng, đây là một điểm mới đáng ghi nhận của Luật Nhà ở (sửa đổi). Quy định này, chắc chắn sẽ giúp người mua, thuê mua nhà ở xã hội trút bỏ được phần nào gánh nặng”, ông Nghĩa nhìn nhận.
“Nới một chút” điều kiện về thu nhập
Bên cạnh bãi bỏ điều kiện về cư trú, Luật Nhà ở 2023 còn “nơi một chút” về điều kiện thu nhập. Cụ thể, điểm b Khoản 1 Điều 78 Luật Nhà ở 2023 quy định: “Để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, quy định này đã có hướng thông thoáng hơn so với quy định hiện hành. Bởi vì, cho dù được hưởng một số ưu đãi về miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, được vay với lãi suất thấp... về bản chất, để mua được nhà ở xã hội, người dân cũng cần có tích lũy nhất định, nếu chỉ giới hạn ở những người không nộp thuế thu nhập cá nhân như hiện tại sẽ dẫn đến việc người có tích lũy thì không được mua nhà, người được mua nhà thì không tích lũy đủ tiền.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Nghĩa, việc nới điều kiện về thu nhập này cũng còn phải chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Vì vậy, cả doanh nghiệp và người dân hy vọng sẽ có một hướng dẫn thấu tình đạt lý để những người có thu nhập trung bình, nộp thuế cho Nhà nước được tiếp cận chính sách.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng bày tỏ phấn khởi khi Luật mới giao cho Chính phủ quy định “điều kiện về thu nhập” đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Ông Châu kỳ vọng, tới đây Chính phủ sẽ có hướng dẫn thi hành Luật phù hợp để người dân và cả cơ quan nhà nước dễ dàng áp dụng.
Một quy định khác cũng góp phần cởi bỏ bớt khó khăn cho người tiếp cận chính sách mua nhà ở xã hội là thay cụm từ “sở hữu của mình” cho cụm từ “sở hữu của hộ gia đình” tại điểm a Khoản 1 Điều 78 Luật Nhà ở 2023.
Cụ thể, điểm a Khoản 1 Điều 78 Luật Nhà ở 2023 quy định, người mua nhà chỉ cần “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng”. Trong khi đó, Luật hiện hành thuật ngữ đang được sử dụng là “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình”. Với quy định này, suốt nhiều năm qua đã gây ra lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước khi xác định chủ thể được hưởng chính sách.
Tuy hộ khẩu giấy đã được xóa bỏ một thời gian nhưng với các quy định hiện tại, rất nhiều người dân phải đi làm thủ tục tách hộ để được chính quyền xác nhận “chưa có nhà”, gây lãng phí về thời gian và công sức. Vì vậy, Luật mới được xem đã tháo gỡ hơn cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xác nhận hồ sơ.
Ông Lê Hoàng Châu nhận định, quy định mới tại điểm a Khoản 1 Điều 78 Luật Nhà ở 2023 cũng là một điểm đáng ghi nhận trong việc gỡ khó cho người mua nhà ở xã hội./