Aa

Bất động sản 24h: Điều kiện mua nhà ở xã hội làm khó người lao động

Thứ Năm, 01/06/2023 - 09:55

Điều kiện mua nhà ở xã hội làm khó người lao động; Dự án nằm im, doanh nghiệp địa ốc thoi thóp bên bờ vực phá sản... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Dự án nằm im, doanh nghiệp địa ốc thoi thóp bên bờ vực phá sản 

Chưa bao giờ, thị trường bất động sản đón nhiều trợ lực về mặt chính sách như lúc này. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có 4 công điện, nhiều nghị quyết, nghị định ra đời, đều với mục tiêu tháo gỡ khó khăn giúp ngành này phục hồi.

Trong Công điện 469/CĐ-TTg ban hành cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm những giải pháp trong các nghị quyết, công điện, thông báo đã ban hành; tập trung hướng dẫn địa phương về các quy định thuộc lĩnh vực của mình để giải quyết vướng mắc, không trả lời kiểu né tránh.

Nhiều dự án vẫn nằm im vì vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết. Ảnh: Lê Toàn
Nhiều dự án vẫn nằm im vì vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết. Ảnh: Lê Toàn

Tại TP.HCM, ghi nhận của phóng viên cho thấy, kể từ cuối năm 2022 đến nay, Thành phố liên tục tổ chức nhiều cuộc họp định kỳ hàng tuần với các doanh nghiệp có dự án bất động sản gặp vướng mắc theo tổng hợp của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 13 dự án được Thành phố gỡ vướng pháp lý, cho phép dự án được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Doanh nghiệp chỉ ra nguyên nhân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng rơi vào tình trạng “ế ẩm”

Hồi tháng 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất với 4 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank cam kết bố trí gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi cho phân khúc nhà ở xã hội. Trong đó, mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho người có nhu cầu mua và doanh nghiệp vay ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn thị trường từ 1,5 - 2%/năm.

Đến ngày 3/4, NHNN chính thức có văn bản số 2308/NHNN-TD gửi các ngân hàng nêu trên triển khai gói tín dụng này. Theo đó, thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi 3 năm đối với chủ đầu tư; 5 năm đối người mua nhà kể từ ngày giải ngân, không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.

Nhưng lãi suất cho vay lại được áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư; 8,2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN sẽ có thông báo tiếptheo về lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đại biểu Quốc hội lo ngại về “căn bệnh sợ trách nhiệm”

Sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Một trong những vấn đề nổi bật nhiều đại biểu quan tâm là “căn bệnh sợ trách nhiệm”. Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đặt câu hỏi tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.

Do vậy, đại biểu cho rằng, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Điều kiện mua nhà ở xã hội làm khó người lao động

Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 cả nước có một triệu căn nhà ở xã hội (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn). Tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa. Đề án này được kỳ vọng giúp giá nhà phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.

Những người thu nhập thấp bị mắc kẹt giữa tiêu chí được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội và khả năng vay ngân hàng. Ảnh: L
Những người thu nhập thấp bị mắc kẹt giữa tiêu chí được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội và khả năng vay ngân hàng. Ảnh: LV

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận tỉnh Bắc Giang băn khoăn về tính khả thi của đề án này khi thảo luận về kinh tế xã hội tại Quốc hội ngày 31/5. 

Ông dẫn chứng, tại Bắc Giang công nhân muốn mua nhưng lại không đáp ứng điều kiện "không có nhà ở, đất ở nào khác". Cụ thể, dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, Bắc Giang), giai đoạn 1 có 4.000 căn hộ, giá bán 12,3 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng, nhưng từ khi công bố nhận hồ sơ đã hơn một năm mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Rất nhiều khâu kéo chậm dự án, doanh nghiệp đang “thoi thóp”

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) bày tỏ, những khó khăn, vì có nhiều khó khăn, khó khăn bên trong có, khó khăn bên ngoài cũng có, tác động chung vào nền kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do tình hình thế giới biến động, lạm phát cao, tiêu dùng yếu, hành vi tiêu dùng thay đổi cho nên nhu cầu về hàng hóa chúng ta thấy còn chậm và ảnh hưởng chung, tác động tới sản xuất, kinh tế của thế giới cũng như của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023, trong đó có một số vấn đề tồn tại bên ngoài thì chúng ta thấy rằng nó ngoài tầm với, chúng ta khó kiểm soát.

“Kinh tế sắp tới còn phụ thuộc vào sự ổn định của toàn cầu đó cho nên việc chúng ta đẩy mạnh ổn định vĩ mô phụ thuộc những yếu tố chúng ta có thể chủ động được trong nước”, ông Tuấn nêu.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top