Aa

Người mua nhà phải tự bảo vệ mình

Thứ Tư, 26/07/2017 - 20:01

Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó cho phép trường hợp chủ đầu tư vay vốn ngân hàng thực hiện dự án nhưng không trả được nợ theo đúng thời hạn cam kết thì ngân hàng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo là dự án đó.

Ông Nguyễn Thế Điệp – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Đầu tư Hưng Thịnh Phát, Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho rằng, chủ đầu tư vay mượn dễ dàng nếu không trả được nợ thì việc thu hồi dự án là đương nhiên. Còn đối với những doanh nghiệp chây ỳ trả nợ phải cương quyết xử lý tránh tình trạng để dự án mất thanh khoản.

- Điều này sẽ tác động như thế nào đến thị trường BĐS thưa ông?

Theo quy định trước đây, các ngân hàng rất khó để thu giữ các tài sản đảm bảo, trừ trường hợp khách hàng hợp tác. Nghị quyết hiện nay đã cho phép các ngân hàng và VAMC có quyền làm điều đó.

Nếu thực hiện một cách đúng đắn và hiệu quả sẽ giải phóng các tài sản đảm bảo là BĐS ra thị trường, việc giao dịch mua bán lại dự án sẽ sôi động hơn.

Tuy nhiên, cho đến giờ này chưa biết các ngân hàng áp dụng Nghị quyết như thế nào, do đó chưa thể đưa ra nhận xét điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường BĐS.

Ông Nguyễn Thế Điệp – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hưng Thịnh Phát, Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hưng Thịnh Phát, Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội.

- Một số doanh nghiệp cho rằng nên chăng giãn tiến độ trả nợ để doanh nghiệp có vốn quay vòng các dự án. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Tất cả doanh nghiệp thua lỗ, không xử lý được thì các cấp chính quyền và ngân hàng cần vào cuộc xem khách quan có phải do cơ quan quản lý hay dòng tiền không rót kịp thời cho doanh nghiệp hay là do doanh nghiệp không có đủ sức để làm. Chúng ta xem từng dự án cụ thể để giải quyết.

Cơ quan quản lý cương quyết nhưng cũng phải là bà đỡ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính quyền, ngân hàng, đặc biệt trong tương lai phải có chỉ tiêu pháp lệnh để tăng trưởng tín dụng hơn nữa chứ không thể dậm chân tại chỗ từng này % muốn tăng lên hay giảm đi phải phụ thuộc vào ngân hàng.

Muốn ngành nghề xây dựng phát triển phải có chỉ tiêu pháp lệnh về tăng trưởng tín dụng trong BĐS từ đó mới làm lành mạnh hóa thị trường, giúp sức cạnh tranh của ngân hàng cao lên. Đặc biệt, giá vốn hiện nay rất cao nên phải có chiến lược giảm dần. Sức cạnh tranh phụ thuộc giá vốn rất nhiều, nên về vĩ mô cần điều tiết càng sớm càng tốt.

- Đấy là câu chuyện của cơ quan quản lý và doanh nghiệp, còn khách hàng sẽ là người rủi ro nhất thưa ông?

Quyền lợi của người mua nhà sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Bởi quá thời hạn trả nợ mà chủ đầu tư vẫn không trả được nợ thì ngân hàng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo là dự án BĐS đó và tài sản này thuộc về họ. Lúc này, ngân hàng với tư cách chủ nợ có quyền yêu cầu cư dân của dự án đó ra đường.

- Trong trường hợp dự án đấy bị phong tỏa tài sản thì quyền lợi người mua nhà ra sao thưa ông?

Chúng ta đã có luật rồi, doanh nghiệp bị phá sản, bế tắc rõ ràng có ảnh hưởng lớn đến người mua nhà. Do vậy các cấp chính quyền cần giám sát, vừa tạo điều kiện vừa giám sát chặt các công trình, khu đô thị đang xây.

- Trong trường hợp này người dân có được kiện ra tòa?

Đương nhiên người dân có quyền kiện ra tòa nhưng chúng ta tránh tối đa việc không mong muốn này.

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, người mua nhà sẽ chịu ảnh hưởng từ quy định cho phép ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo. Hiện tại, chưa có quy định trong trường này quyền lợi của người mua nhà được bảo vệ ra sao. Do vậy trước mắt người mua nhà cần phải tự bảo vệ mình.

- Ở khía cạnh nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, ông đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư cũng như người mua nhà?

Hiện nay thị trường rất rộng lớn tuy nhiên công nghệ thông tin phát triển rất tốt, chúng ta chỉ cần nhấc điện thoại lên để tham chiếu hàng trăm dự án. Khách hàng và nhà đầu tư nhỏ lẻ cần tham chiếu chặt chẽ trước khi đưa ra quyết định, đặc biệt là uy tín của doanh nghiệp, địa thế của đất, kết cấu căn hộ…

Thường BĐS và tín dụng đi đối với nhau, nếu chúng ta làm tốt song song thì hệ quả xã hội không nghiệm trọng như giai đoạn vừa qua. Chúng ta cần có cơ chế chính sách cởi mở, đồng thời quản lý giám sát chặt chẽ.

Tôi tin trong tương lai các ngân hàng sẽ định giá đúng giá trị cho vay nên rủi ro thấp. Trước đây do buông lỏng quản lý dẫn đến các ngân hàng bị vỡ, giá trị quá cao so với giá trị cho vay. Bây giờ đưa vào mốc đánh giá chặt chẽ.

Quan trọng, BĐS đầu tư theo phong trào nên nhà nước phải giữ được giá trị BĐS, không nên xuống quá thấp hoặc tăng quá nhanh, cần lĩnh vực nào thì phải mở tín dụng vào lĩnh vực đó như: Nhà ở xã hội, giá rẻ… để đáp ứng nhu cầu thị trường. Lĩnh vực nào hạn chế thì phải điều tiết.

- Vâng! Xin cảm ơn ông.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top