Hà Nội lập tổ công tác liên ngành giải quyết vướng mắc tại các dự án
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3365/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác liên ngành giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án; quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đối với một số loại dự án trên địa bàn.
Theo đó, Tổ công tác do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng. Các thành viên gồm: Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Chánh văn phòng UBND TP.
Trường hợp dự án đầu tư do Sở Xây dựng chủ trì xem xét thì Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì thực hiện, thay Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Tiền sử dụng đất đè nặng người mua nhà
Đối thoại với Cục thuế TP.HCM hôm 6/6 vừa qua, đại diện một số công ty kinh doanh BĐS cho rằng tiền sử dụng đất (SDĐ) đang là gánh nặng. Cụ thể, nhà đầu tư gần như phải mua lại quyền SDĐ đến hai lần: Phải tự đi mua đất của người dân theo giá thị trường, rồi đóng tiền SDĐ cũng theo giá thị trường. Khi phải đi mua đất hai lần thì chủ đầu tư tính vào giá thành và đẩy giá nhà lên rất cao, người mua nhà phải gánh chịu.
Ngoài tiền SDĐ, một số ý kiến thắc mắc DN có trụ sở chính ở TP.HCM nhưng có hoạt động chuyển nhượng BĐS tại Bình Dương, Đồng Nai… thì khai nộp thuế ra sao. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền người nộp thuế thuộc Cục Thuế TP.HCM, giải thích: Theo quy định, DN phải nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan quản lý thuế là cục thuế hoặc chi cục thuế nơi phát sinh hoạt động khai thác tài nguyên và chuyển nhượng BĐS. Như vậy, trong trường hợp này, DN nộp hồ sơ khai thuế ở Bình Dương, Đồng Nai.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, nhận định thị trường BĐS gần đây có nhiều khởi sắc, tăng trưởng ổn định. Ngành thuế cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ tối đa cho DN phát triển.
Doanh nghiệp hiến kế tạo đột phá cho hệ thống hạ tầng đô thị TP.HCM
Tại buổi gặp gỡ các lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. HCM, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các đề xuất nhằm giúp thành phố tạo bước đột phá trong xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị.
Theo đó, trước thực trạng hệ tầng đô thị lạc hậu, xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và nguồn ngân sách lại eo hẹp… ông Đinh Ngọc Ninh, Tổng Giám đốc Tập đoàn SSG đánh giá, chủ trương phát triển không gian ngầm cũng như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là định hướng đúng của TP.HCM. Tuy nhiên, theo ông Ninh, để chủ trương này trở thành hiện thực cần phải tính toán mức độ khả thi vì TP. HCM có nền địa chất yếu, nếu làm không tốt sẽ mất nhiều chi phí mà hiệu quả không cao.
Đối với vấn đề xây dựng các công trình ngầm, ông Võ Văn Bé đại diện công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Thuận Việt đề xuất UBND TP. HCM xem xét và thông qua phương án xây dựng Trung tâm thương mại trên đường Lê Lợi, quận 1 mà đơn vị này đề xuất. Ông Bé giải thích, để xây dựng trung tâm này cần phải làm đồng thời với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên thì mới giảm được chi phí và thời gian.
Giao dịch BĐS Hà Nội tăng 14%
Số liệu tổng hợp của Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho thấy trong tháng 5/2017, tại Hà Nội giao dịch BĐS tăng 14% so với cùng kỳ tháng trước.
Tính chung từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội có khoảng 5.400 giao dịch thành công. Lượng giao dịch thành công chủ yếu vẫn là những căn hộ nằm tại khu vực gần trung tâm, giao thông thuận tiện, đa dạng về tiện ích, thiết kế căn hộ linh hoạt, có tiến độ thanh toán hợp lý và có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Theo ghi nhận từ CBRE, khu vực này trong những quý vừa qua luôn áp đảo về nguồn cung mở bán mới, chiếm khoảng 36% nguồn cung mới trên thị trường. Theo dự báo của CBRE, trong tương lai khu vực Tây Nam Thủ đô sẽ tiếp tục sôi động nhất với nguồn cung mới thống lĩnh thị trường.
Ma trận sốt đất: Đâu là thật đâu là ảo?
Hiện nay, đất nền tại TP.HCM đang tăng nóng, tuy nhiên không phải đất khu vực nào cũng sốt ảo mà nhiều nơi có nhu cầu thực. Do đó, người mua đất hiện nay cần phân biệt rõ đất nơi nào là thật, là ảo.
Về vấn đề này, ông Ngô Quang Phúc – Phó tổng giám đốc Him Lam Land nói rằng muốn xác định được đất tăng thật tăng giá ảo thì phải xác định được đúng giá trị của đất. Cụ thể, giá trị của đất phụ thuộc vào các yếu tố như: pháp lý, quy hoạch, kết nối hạ tầng, lượng cung cầu .
Do vậy, khi khách hàng đi mua đất cần phải tìm hiểu chính xác các yếu tố này. Nếu tất cả các yếu tố trên được đáp ứng thì việc tăng giá là thật. Còn nếu các yếu tố trên không đảm bảo, việc tăng giá chỉ do tin đồn thì chắc chắn giá trị đấy không phải là thật.
Nếu sốt ảo, thị trường chỉ có một chiều giá tăng mà không có giao dịch. Nhà đầu tư có thể kiểm chứng thông tin giao dịch trên thị trường tại các phòng tài nguyên môi trường, cục thuế....