Tại lễ khánh thành, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao Thông vận tải TP.HCM cho biết để có được tuyến buýt đường sông này, TP.HCM đã mất 6 năm chuẩn bị, chúng tôi kỳ vọng đưa tuyến buýt đường sông này vào hoạt động nhằm giúp người dân có thêm giải pháp giao thông, thu hút du lịch sông nước, khuyến khích nâng cao thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tạo sự đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình giao thông công cộng, tạo ra một văn hóa giao thông tiến bộ, văn minh.
Còn theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật – Chủ đầu tư tuyến buýt đường sông số 1 cho biết, để có thể thực hiện dự án này, công ty ông đã phải đi qua nhiều nước trên thế giới có loại hình buýt đường sông để học tập kinh nghiệm khai thác và vận hành buýt đường sông. Sau đó công ty mất hơn 1 năm để chuẩn bị, xây dựng tuyến buýt trước khi đưa vào hoạt động.
Cũng theo ông Toản, để người dân và du khách trải nghiệm thú vị của tuyến buýt sông này, công ty ông tiến hành vận chuyển miễn phí trong 10 ngày đầu. Để thuận lợi cho họ, tại các trạm của tuyến buýt đường sông đều có bãi giữ xe. Chủ đầu tư cũng đề xuất thành phố cho mở 3 tuyến xe điện đưa hành khách từ bến tàu đến các địa điểm nổi tiếng như: Chợ Bến Thành, Nhà hát thành phố, Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) và một số khu vực trên địa bàn quận 2.
"Chúng tôi kỳ vọng hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM sẽ hoàn thiện khi có cả 3 loại hình: metro (tàu điện đi trên cao và đi ngầm), xe buýt đường bộ và tàu buýt dưới sông. Khi đó, việc đi lại của người dân sẽ rất thuận tiện", ông Toản chia sẻ.
Được biết, vốn đầu tư dự án này là 124,5 tỷ đồng, giá vé được chủ đầu tư đề xuất cho mỗi lượt là 15.000 đồng, không tính lộ trình dài hay ngắn. "Với giá vé này, chúng tôi đã rất nỗ lực để thu hút hành khách và sẽ cố gắng để giá vé được ổn định, lâu dài", ông Toản nói.
Toàn tuyến buýt đường sông số 1 có năm tàu (mỗi tàu 75 chỗ), trong đó bốn tàu vận chuyển hằng ngày và một tàu dự bị. Tàu có thiết kế dạng cánh ngầm trước mũi, dài 18 m với màu vàng chủ đạo. Bên trong tàu buýt được trang trí hệ thống đèn, còi hiệu, điều hòa, báo cháy...
Trước khi đi vào hoạt động khai thác, tuyến buýt sông được vận hành kỹ thuật (chạy thử nghiệm) trong nhiều tháng.
Với lộ trình dài gần 11 km đi qua 12 bến (9 bến chính thức và 3 bến bổ sung), thời gian di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối mất khoảng 30 phút. Thời gian cho tàu cập mỗi bến đón và trả khách là ba phút.