Đan Phượng, Hoà Lạc (Hà Nội), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Gia Viễn (Ninh Bình), Từ Sơn (Bắc Ninh), Hớn Quảng (Bình Phước)... đã trở thành điểm nóng trên thị trường bất động sản khi giá đất tăng đột biến. Ghi nhận của phóng viên, tại các điểm nóng, giá đất tăng gấp 2 - 3 lần so với giai đoạn trước Tết.
Mới đây nhất, khi thông tin quy hoạch phân khu sông Hồng được công bố, giá đất tại khu vực Đông Anh và Long Biên cũng tăng mạnh. Không chỉ các nhà đầu tư mà ngay cả những người dân có sẵn khoản tích trữ đều đổ mạnh dòng vốn vào đất. Mức giá đất tăng 10 - 50% chỉ trong một ngày là tình trạng được ghi nhận tại các lô đất nằm trong khu vực quy hoạch.
Mức giá tăng đất đột biến không chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu năm 2021 mà thực tế đã xuất hiện trong 2 - 3 năm trở lại đây. Tâm lý đầu tư vào đất không bao giờ lỗ đã khiến cho người người, nhà nhà đổ tiền mạnh vào đất.
Trước mức tăng đột biến của giá đất và tình trạng sốt đất nhiều nơi, các chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ bong bóng bất động sản nổ ra.
Liên quan đến dấu hiệu của bong bóng bất động sản, TS. Đoàn Thanh Hà chỉ ra rằng, một trong những biểu hiện của bong bóng bất động sản là giá bất động sản liên tục tăng với tốc độ cao, kéo dài trong một thời gian đủ lâu để hình thành trạng thái “neo tâm lý” vào mức giá cao, và sau đó, sự kỳ vọng giá tiếp tục tăng nhanh trong tương lai lan khắp thị trường.
Khi mức giá bình quân vượt xa giá trị cơ bản của nhà ở, hay còn gọi là giá trị thực và khả năng thanh toán của phần lớn người dân thì hình thành hiện tượng bong bóng bất động sản.
Thực tế trước đó, thị trường bất động sản cũng từng ghi nhận tình trạng bong bóng bất động sản với mức giá tăng đột biến.
Số liệu từ Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia và Bộ Xây dựng cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, giá nhà đất đã tăng khoảng 10 đến 12 lần với chu kỳ tăng trưởng nóng, hình thành hai đỉnh vào năm 2003 và 2010. Sự gia tăng liên tục với tốc độ cao của giá nhà đất liệu có phải dựa trên những yếu tố nền tảng tạo nên giá trị cơ bản hay đó là biểu hiện của bong bóng giá tài sản. Mặc dù giai đoạn này cũng chứng kiến sự tăng trưởng liên tục của thu nhập bình quân đầu người, năm 2010 tăng gấp 3 lần so với năm 2000. Tuy nhiên, nếu lấy năm 2000 làm mốc thì tốc độ tăng của giá nhà đất đã vượt xa thu nhập bình quân đầu người.
Hiện tượng này đang lặp lại trong giai đoạn hiện nay khi mức giá bất động sản tăng cao hơn so với thu nhập bình quân đầu người. Tâm lý làm giàu với mức giá đất không thể giảm khiến dòng tiền đổ mạnh vào bất động sản. Trong khi đó, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 3.521 USD, một khoảng cách rất lớn so với giá bất động sản.
Báo cáo “Các xu hướng lợi nhuận theo ngành kinh tế năm 2019 - 2020” của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnamreport) chỉ ra, mặt bằng giá bất động sản nói chung đã tăng vọt lên 50%, có nơi cả 100% và thậm chí 200% chỉ trong vòng vài năm, trong khi mức tăng trưởng kinh tế khoảng gần 7%/năm, mức tăng thu nhập bình quân đầu người từ 7 - 8%/năm.
Theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính (Đại học Kinh tế TP.HCM), việc dòng tiền chỉ đợi chảy vào các kênh đầu cơ khiến nền kinh tế có nguy cơ bị ngập úng trong tiền nếu không thể điều hướng được dòng chảy.