Aa

Xã hội hoá quy hoạch: Nhìn từ câu chuyện quy hoạch đô thị sông Hồng

Thứ Bảy, 27/03/2021 - 06:00

Dù có thực hiện xã hội hóa thì vai trò đầu tiên vẫn thuộc về Nhà nước, không thể giao phó hoàn toàn cho doanh nghiệp thực hiện. Vì lợi ích, doanh nghiệp rất dễ đánh đổi những giá trị mà dự án đã đặt ra từ đầu.

Nguồn lực tài chính vẫn luôn là bài toán không dễ giải trong công tác quy hoạch phát triển đô thị. Với nguồn ngân sách eo hẹp, nhiều địa phương phải loay hoay trong "chiếc áo" đô thị chật chội. Để tìm lối thoát cho câu chuyện này, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và khoản 2, Điều 19, Luật Xây dựng năm 2014 quy định: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. 

Thực tế, việc xã hội hoá quy hoạch là một giải pháp tốt để các địa phương hiện thực hoá giấc mơ xây dựng những đô thị xanh, thông minh và bền vững với những bản quy hoạch được thiết kế bài bản, khoa học và phát huy tối đa nguồn lực đất đai.  

Gần đây, một số địa phương cũng kêu gọi xã hội hoá quy hoạch, điển hình là tỉnh Khánh Hòa. Năm 2020, tỉnh này đã thống nhất chủ trương xã hội hóa công tác lập quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Vân Phong. Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh nghiên cứu tổng thể và thực hiện quy hoạch, đồng thời kêu gọi tài trợ quy hoạch theo quy định pháp luật. Cùng với Khánh Hoà, một số địa phương khác cũng đã bắt đầu triển khai thực hiện xã hội hoá quy hoạch để có thể giải quyết được bài toán nguồn lực khi triển khai dự án, thể hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc minh bạch thực hiện quy hoạch, không ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp, xã hội hoá quy hoạch thực hiện công thức, doanh nghiệp tài trợ tiền để thuê đơn vị tư vấn quy hoạch, sau đó "tiền trảm hậu tấu", khiến không ít bản vẻ đi vào đời sống bị "bóp méo" theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, thiếu đi tính khách quan, minh bạch. 

Hà Nội dự kiến phê duyệt, ban hành quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 6.2021.
Hà Nội dự kiến phê duyệt, ban hành quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 6/2021.

Mới đây, đồ án Quy hoạch đô thị sông Hồng thu hút sự chú ý của dư luận khi Hà Nội khẳng định “Nhà nước làm, không giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào”. Chính quyền Hà Nội buộc phải giải bài toán cân đối nguồn lực tài chính.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cụm từ xã hội hoá, không nên hiểu rằng cứ phải giao cho doanh nghiệp thực hiện. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đóng góp tài chính vào một quỹ chung, và Nhà nước dùng quỹ đó để thực hiện công tác quy hoạch. Như thế, Nhà nước giữ được vai trò làm chủ trong các bản quy hoạch, không bị chi phối bởi bất cứ điều gì. 

Vậy xã hội hoá công tác quy hoạch nên thực hiện như thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất mà vẫn đảm bảo tính khách quan, minh bạch? Hà Nội liệu có thể tiên phong trong cách lập quy hoạch kiểu mới “doanh nghiệp tài trợ, Nhà nước làm” để trở thành trường hợp thí điểm cho các địa phương khác thực hiện theo?

Cà phê cuối tuần ghi nhận quan điểm của TS.KTS. Ngô Doãn Đức, Hội Kiến trúc sư Việt Nam về câu chuyện này.

XÃ HỘI HOÁ NHƯNG KHÔNG THỂ BIẾN THÀNH "SÂN NHÀ" CỦA DOANH NGHIỆP

Có thể nói trên thế giới đã có nhiều thành phố tận dụng rất tốt lợi thế phát triển đô thị cạnh những con sông như Rome (Italia), Paris (Pháp), Seoul (Hàn Quốc)… Trong nước cũng đã có Đà Nẵng thành công trong việc đưa dòng sông Hàn vào trong lòng thành phố. Hà Nội hơn ngàn năm văn hiến cũng bắt đầu từ dòng sông Hồng chảy vào đất Việt. Thế nhưng, nhiều năm qua sông Hồng chưa bao giờ được ví là dải lụa, trục không gian với đúng nghĩa là trục cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp kết nối hai bờ sông có phù sa màu mỡ. Con sông này cũng chưa được khai thác đúng tầm của nó.

Với quy mô diện tích khoảng 11.000ha, kéo dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, ý tưởng đầu tiên của đồ án lần này là muốn tổ chức lại không chỉ không gian cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông một cách quy củ, rõ ràng, mà còn đảm bảo sinh kế cho hàng chục nghìn hộ dân ở đây. Thông qua đồ án, Hà Nội sẽ “quay mặt” vào sông Hồng để phát triển. Lần này, Hà Nội đặt quyết tâm biến chủ trương thành hành động cụ thể.

Khác với những giai đoạn trước khi việc lập quy hoạch hầu như chỉ giao cho tư vấn nước ngoài hay doanh nghiệp bỏ vốn lập dưới hình thức xã hội hóa, quyết định của Hà Nội lần này là quy hoạch do Nhà nước làm mà không giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Hà Nội không phải trả tiền tư vấn chuyên môn bởi Hà Nội đã và đang có đội ngũ chuyên môn như Viện Quy hoạch, Sở Quy hoạch, các đơn vị thiết kế. Hà Nội có khả năng làm quy hoạch sông Hồng rút kinh nghiệm từ các đơn vị quốc tế như Hàn Quốc để biết cách đặt vấn đề tốt hơn, khách quan hơn, thực quan hơn. Cũng vì “mình làm cho mình” nên việc giám sát, quản lý của Nhà nước sẽ chặt chẽ hơn.

Ví như dự án quy hoạch sông Hồng là X tiền, Nhà nước giao cho các đơn vị Bộ Xây dựng, Viện Quy hoạch… thì các đơn vị này phải có trách nhiệm. Bởi Nhà nước sinh ra những đơn vị này để làm gì? Nhà nước có quyền, có hiệu lực để giao các đơn vị này làm và phải minh bạch thông tin cũng như tài chính. Ngược lại, các đơn vị này khi nhận làm quy hoạch sông Hồng cũng là thể hiện trách nhiệm với Nhà nước. Ngoài ra, là sự giám sát, góp ý của nhân dân.

Nhưng trong quy hoạch đương nhiên cũng sẽ có hạng mục cần kêu gọi các nguồn vốn khác nhau. Trong khi đó, ở Việt Nam vừa có doanh nghiệp Nhà nước vừa có doanh nghiệp tư nhân. Nếu cần xã hội hoá quy hoạch thì phương án thế nào? Tôi cho rằng, thành phố có thể kêu gọi nhà đầu tư chỉnh trang lại hệ thống đê điều, xây dựng khu công viên, khu thể thao, khu nghỉ dưỡng, khu văn hóa lịch sử. Các khu vực cần được phân định rõ ràng.

Việc kêu gọi các nhà tài trợ lập quy hoạch xây dựng cũng là phương án hợp lý trong bối cảnh khả năng bố trí ngân sách cho việc này còn hạn chế.

Tuy nhiên, việc triển khai các đồ án quy hoạch có tài trợ cần phải đảm bảo nguyên tắc: cơ quan, tổ chức lập quy hoạch phải là đơn vị của Nhà nước, phải được quy định về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.

Việc lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định lấy ý kiến, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch cần phải tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư theo đồ án quy hoạch được phê duyệt phải thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Nhấn mạnh rằng, dù có thực hiện xã hội hoá thì vai trò đầu tiên vẫn thuộc về Nhà nước và TP. Hà Nội. Tiếp đó, khi cho doanh nghiệp thực thi thế nào còn tùy thuộc vào từng thế mạnh của doanh nghiệp. Không thể giao phó hoàn toàn cho doanh nghiệp thực hiện bởi những lợi ích của doanh nghiệp rất dễ đánh đổi những giá trị mà dự án đã đặt ra từ đầu. Việc xã hội hoá quy hoạch, xã hội hoá nguồn vốn như thế nào sẽ cần một quy trình minh bạch, rõ ràng.

Tôi cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục lắng nghe ý kiến phản biện của chuyên gia các lĩnh vực liên quan, ý kiến cộng đồng dân cư về việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia cùng Nhà nước.

Cần phải công khai việc góp vốn như thế nào? Bộ tiêu chí lựa chọn năng lực hay vị trí công trình làm ra sao? Tiếp đó, Nhà nước thông minh chính là tính được bài toán kinh tế xã hội ở khúc giải quyết bài toán quỹ đất như thế nào sau khi quy hoạch.

Quỹ đất sau khi quy hoạch, di dời, đền bù tái định cư rồi thì phải làm thế nào để đẹp cảnh quan hai bên bờ, để thành phố từ quay lưng với sông Hồng thành quay mặt ra sông? Đương nhiên, khi Nhà nước không đủ tài chính để tự làm thì Nhà nước phải tổ chức đấu giá đất, đấu thầu công trình. Tất nhiên việc này phải được kiểm soát chặt chẽ để không được ảnh hưởng tới quy hoạch, hạ tầng, đồng thời không bị lợi dụng chính sách để trục lợi.

Lúc này, Nhà nước sẽ căn cứ vào năng lực của mỗi doanh nghiệp để làm cơ sở lựa chọn. Cũng sẽ có người vì yêu Hà Nội mà bỏ tiền ra đấu giá đất làm công trình theo đúng quy định quy hoạch của Nhà nước.

Nếu không làm tốt, làm minh bạch quy trình đấu giá, đấu thầu sẽ thành chuyện “xin - cho”, thậm chí có trường hợp Nhà nước sẽ thành sân sau của một số doanh nghiệp. Trong quy hoạch đô thị sông Hồng lần này, Nhà nước phải làm thật sạch, thật tốt khâu quản lý và phải có cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm chứ không thể để chuyện khi có sai phạm thì tập thể đứng ra chịu. Các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc, phải có một quy hoạch sử dụng diện tích đất cho xây dựng hợp lý.

Doanh nghiệp khi hoạt động sẽ luôn đặt lợi ích lên đầu, chúng ta không thể trách họ mà chỉ có thể trách hàng rào của Nhà nước có quản lý được hay không? Với dự án đô thị sông Hồng, Hà Nội phải gương mẫu làm tốt, tiên phong minh bạch để trở thành hình mẫu cho các dự án sau này. Toàn dân cũng đang hướng đến dự án này, Hà Nội và Nhà nước làm tốt sẽ ghi điểm trong lòng dân.

QUY HOẠCH VÌ CỘNG ĐỒNG

Năm 2006, các chuyên gia đô thị Hàn Quốc đã đưa ra ý tưởng xây dựng nhiều nhà cao tầng ở 2 bên bờ sông nhằm khai thác tối đa quỹ đất phục vụ quá trình đô thị hóa. Nhưng với quy hoạch lần này thì khác, lãnh đạo Hà Nội khẳng định không “chồng chất” cao ốc lên hai bên sông Hồng. Tôi rất ủng hộ với chiều hướng quy hoạch này. Đó là quy hoạch đã ưu tiên phát triển không gian xanh và thoát lũ chứ không chú trọng phát triển thành trục bất động sản như của Hàn Quốc đã từng đề xuất. Điều này cũng đã đáp ứng mong mỏi của người dân Thủ đô từ nhiều năm nay.

Doanh nghiệp khi hoạt động sẽ luôn đặt lợi ích lên đầu, chúng ta không thể trách họ mà chỉ có thể trách hàng rào của Nhà nước có quản lý được hay không? Với dự án đô thị sông Hồng, Hà Nội phải gương mẫu làm tốt, tiên phong minh bạch để trở thành hình mẫu cho các dự án sau này. Toàn dân cũng đang hướng đến dự án này, Hà Nội và Nhà nước làm tốt sẽ ghi điểm trong lòng dân.
Trước đây mọi người nói "Hà Nội quay lưng vào sông Hồng", nhưng với quy hoạch lần này "Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển"

Thời điểm năm 2006 khác với thời điểm năm 2021. Hiện nay, quỹ đất Hà Nội đã mở rộng gấp đến 3 lần và cầu trúc đô thị Hà Nội hình thành 3 phần cơ bản: khu phố cổ, khu phố cũ, các phần mới xây dựng (bao gồm cả các khu vệ tinh). Sau khi mở rộng, thành phố đã có nhiều không gian để xây dựng nên không cần thiết phải dồn công trình dọc hai bên sông Hồng.

Hơn nữa, hình ảnh phía Nam của sông Hồng liên quan rất chặt chẽ đến phần nội đô, đến các di tích, di sản, nét truyền thống của Hà Nội. Nội đô cũng thu hút khách du lịch thăm quan nên cách tốt nhất là phải giảm mật độ dân số trong khu phố cổ, giảm mật độ xây dựng, tạo các không gian cây xanh, tiện ích du lịch phục vụ cộng đồng… Cho nên việc không chồng chất cao ốc hai bên bờ sông Hồng là đúng.

Ví dụ, tính toán chất tải lên đô thị, nhà cao tầng sẽ đưa tới một dòng người trong lòng đô thị, là đi ngược lại với mục tiêu giãn dân của Hà Nội. Sự bành trướng một cách thiếu kiểm soát của nhà cao tầng không những ẩn chứa nhiều hiểm họa mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị hai bên dòng sông.

Sau hơn 20 năm, quy hoạch dự án này cần được xem xét lại một cách tổng thể hơn, cập nhật những thông tin mới. Trước đây, dự án này thất bại cũng một phần do Việt Nam cung cấp số liệu cho nhà tư vấn Hàn Quốc không chuẩn nên bài toán đền bù, tái định cư không khớp với thực tế.

Lần này, Hà Nội hãy giải quyết hết các bài toán về giao thông, trị thủy, tái định cư..., cập nhật lại thông tin, rà soát các thông số. Tôi tin rằng, nếu làm tốt thì doanh nghiệp vẫn có được những công trình đẹp và vẫn có lợi ích cho công cộng.

Hai bên bờ sông cũng không thể thiếu vắng một số công trình cao tầng liên quan đến du lịch. Vậy quy hoạch các công trình này cần phải được hiểu như thế nào? Toà nhà bao nhiêu tầng thì được gọi là cao tầng? Ở vị trí nhất định cũng cần có cao tầng nhưng chiều cao cần hạn chế và phê duyệt quy hoạch xây dựng không thể “dễ dãi” để xảy ra tình trạng “xôi đỗ” như một số quận, huyện của Hà Nội vừa qua.

Đây là dòng sông chảy qua khu vực đặc biệt nên cần tính toán cụ thể, tổng thể, chứ không nên vội vàng, làm theo cảm tính, hay quan điểm của một địa phương. Nếu được hãy tổ chức một cuộc thi về quy hoạch, kiến trúc, rồi lựa chọn phương án thiết kế phù hợp, cần hơn nữa thì xin ý kiến chủ trương của Quốc hội.

GẮN LIỀN BẢO TỒN VỚI PHÁT TRIỂN

Thực tế vẫn luôn luôn có những xung đột lợi ích giữa bảo tồn và phát triển tại các đô thị. Nhưng quy luật chung là muốn phát triển, trước hết phải bảo tồn tốt. Thách thức giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề của mọi quốc gia, mọi đô thị, nhưng với Hà Nội nó đặc biệt quan trọng và nghiêm trọng.

Khi làm quy hoạch đô thị sông Hồng, tất yếu phải lưu ý gìn giữ các di sản, di tích của Hà Nội như cầu Long Biên, các dãy phố cổ… Phải xác định đâu là vùng được phép xây dựng, đâu là vùng cần bảo tồn di sản, cảnh quan tự nhiên. Không thể do cần “phát triển” mà chấp nhận cho xây ngày một nhiều nhà cao tầng như đang làm ở các phố Gia Ngư, Hàng Bè… Xây dựng đô thị nào cũng cần phải có trí nhớ không chỉ thể hiện bằng phi vật thể mà còn bằng cả vật thể.

Quy hoạch đô thị ven sông Hồng phải đáp ứng được tiêu chí là xây dựng mới nhưng vừa khớp với những cái cũ chứ không phải là xây dựng mới rồi bỏ đi những thứ cũ. Quy hoạch là sự lồng kết, nghiên cứu đánh giá các di sản, trên cơ sở đó hình thành những công trình mới hoàn thiện hơn. Không nên nghĩ rằng cứ cái gì cũ là cũng phải giữ lấy, như vậy là không khoa học, nhưng việc chúng ta phải sàng lọc, thống kê đánh giá và xếp hạng các di sản, di tích để bảo tồn là công việc lâu dài và luôn cần thiết cho một đô thị.

Tôi cho rằng, trong tương lai quy hoạch cũng cần có những bước đi không kém phần quan trọng là công tác giãn dân, giảm mật độ dân cư ở 2 khu vực bên bờ sông một cách quyết liệt. Các khu mới nên xây đàng hoàng, ưu tiên công trình hành lang xanh, vành đai xanh. Công tác phát triển đô thị ven sông Hồng đi đôi với bảo tồn các di sản phải “bình tĩnh” , không nóng vội.

Để có thể tạo ra đô thị ven sông Hồng đáng sống thì trước hết, bản quy hoạch phải làm cân đối hai bên bờ sông về các chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng, dân số, yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội.

Thứ hai là tránh điều chỉnh quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch tăng xây dựng là một tật xấu của quy hoạch các đô thị tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Đô thị sông Hồng không thể lại đi vào vết xe đổ, băm nát quy hoạch của các dự án trước đó.

Thứ ba là quy hoạch đề cao yếu tố cộng đồng, là quy hoạch các không gian sinh hoạt phục vụ cộng đồng, công viên cây xanh, các quỹ đất nông nghiệp phục vụ người dân. Hà Nội hiện đang thiếu lá phổi cải thiện môi trường sinh thái, do đó xây dựng môi trường sinh thái phải được đưa lên ưu tiên hàng đầu. Đây cũng chính là yếu tố quyết định chất lượng sống của con người trong xã hội hiện đại.

Thứ tư, kết nối hài hoà dòng chảy văn hoá truyền thống với văn hoá tương lai. Đó là các làng nghề, sản vật nông nghiệp của làng ven sông, những câu chuyện về nền văn minh của người Việt dọc sông Hồng… phải được coi như một nguồn tài nguyên quý giá cần bảo tồn và phát triển.

Thứ năm là hoạt động tổ chức và quản lý tốt. Xây dựng đô thị sông Hồng phải phát triển hết sức bình tĩnh bởi đây là quỹ đất đẹp, sạch gần như còn lại cuối cùng của Hà Nội.

Thiết kế: Quỳnh Anh - Đinh Nga

TS. KTS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:

Có một thực tế là nhiều dự án, công trình đô thị luôn trong  tình trạng “đắp chiếu” hoặc trì trệ thi công. Cùng với đó, xung quanh là chi chít chung cư, cao ốc. Nguyên nhân do quy hoạch bị chia nhỏ, nguồn vốn của doanh nghiệp cũng bị chia thành nhiều gói, nhiều thời kỳ nên đứt đoạn. Và một số yếu tố khác nữa khiến quy hoạch mãi chỉ nằm trên giấy.

Phải khẳng định rằng, một số chủ đầu tư dự án đô thị khi có miếng đất đẹp thì vì lợi ích mà họ tăng mật độ xây dựng nhà cao tầng xung quanh lên. Giả sử được phép xây dựng 30 tầng, nhưng người ta lại “cố” xin để xây lên 50 tầng chẳng hạn, hay khi phê duyệt dự án chỉ cho phép xây dựng với mật đô 50 - 60% thì lại xây lên 80% để bán được nhiều bất động sản hơn. Đấy là lỗ hổng trong cơ chế quản lý, quy hoạch ở một số đô thị lớn mà chúng ta cần quan tâm và có giải pháp thích hợp.

Phương án Nhà nước làm quy hoạch dựa trên đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, sau khi Nhà nước làm quy hoạch sẽ công khai đấu giá đất có thể xem là một phương án khả thi “giải cứu” cho quy hoạch đô thị. Nhà nước, khi tự làm quy hoạch sẽ không quá ư dễ dãi trong việc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch cho các dự án. Các nhà quản lý quy hoạch sẽ buộc phải có trách nhiệm với tương lai lâu dài của đô thị, dần loại bỏ tư tưởng nhiệm kỳ, bởi vấn đề tham nhũng đất đai đã được nêu ra nhiều và “không có vùng cấm”.

Song cũng không thể vì doanh nghiệp đóng góp vốn cho quy hoạch mà chúng ta “cho không” doanh nghiệp những mảnh đất vàng sau quy hoạch. Quỹ đất đó phải đem đấu giá công khai để thu thêm ngân sách cho Nhà nước và địa phương.

Xã hội hóa quy hoạch nhưng phải có một cơ chế hợp lý, đảm bảo được lợi ích của cộng đồng, đúng quy hoạch. Do đó tất cả đều phải có cơ chế hợp lý, có quy hoạch tổng thể và sự quản lý chặt chẽ, chứ không nhất thiết phải “trải thảm đỏ” để mời các nhà đầu tư góp vốn cho Nhà nước sau đó để họ “làm mưa làm gió”. Thậm chí, sau khi đấu giá đất, quy hoạch công trình cũng phải được chính quyền đô thị phê duyệt trên cơ sở quy hoạch chung.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top