Aa

Nguyễn Du với tác phẩm kệ dẫn về vị quốc sư triều Lý

Thứ Ba, 18/05/2021 - 14:00

Dân ta có câu “nhất thành cảm cách”. Theo dấu bước chân hóa duyên của Ngài, có những điều còn khuất lấp trong lịch sử Phật giáo giai đoạn này và sự tiếp biến của đạo Phật ở Việt Nam thời Lý dần được mở ra, sáng tỏ.

Quốc sư Minh Không, thiền sư Không Lộ cùng với thiền sư Từ Đạo Hạnh là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn về nhiều mặt đối với lịch sử dân tộc và Phật giáo. Tam vị Thánh tổ triều đại nhà Lý, Minh Không cùng với Không Lộ và Đạo Hạnh, đã tạo nên dấu ấn Phật giáo mang bản sắc riêng biệt khó lẫn với bất kỳ một giai đoạn nào của lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam kể cả cho đến ngày nay. Cũng vì vậy, ảnh hưởng của các thánh trải khắp một vùng rộng lớn cho nhân dân muôn đời kính ngưỡng, thờ phụng, lưu truyền. 

Với những công hạnh nổi bật, triều Lý ban cho Minh Không là thái sư[1], quốc sư. Cho đến những nơi thờ Không Lộ cũng từng có tư liệu cho Không Lộ là quốc sư. Thậm chí, với thiền sư Đạo Hạnh ta thấy vai trò chính trị của của thiền sư không chỉ là “phò vua hộ quốc” với các tước vị được ban. Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã “làm Vua” bằng cách thác thai. Tam thánh Không Lộ, Đạo Hạnh và Minh Không còn được tôn xưng “Nam Việt Phật Tổ”, là “Thiên Tiên”, là “Thánh Hiền”, là “Thần”, là “Tổ nghề” của nhiều nghề khắp các làng quê xứ Đoài và trấn Sơn Nam Hạ.   

Bước chân học đạo với chí cầu đại thừa, ba vị đã kết làm huynh đệ cùng nhau đi đến tận vùng đất Phật “Kim Xĩ” để cầu đạo, tu hành. Khắp các đền chùa thờ ngài, các ngài được tôn xưng là bậc đạt đến “lục trí viền thông”. Không dừng lại ở việc qua Tây Trúc học đạo, Lý triều quốc sư Minh Không còn vượt biển đi khuyến đồng từ vua Tống với bao kỳ tích dị truyện. Truyền tích nón đồng lướt biển Đông chém Ngô Công và đặc biệt, câu chuyện “đồng khố nhất nang”, túi đồng từ Bắc quốc đúc nên Tứ khí làm bảo vật trấn quốc đã thành kế hưng bền cho xã tắc Đại Việt. Bởi những công hạnh ấy, tam vị thánh tổ được thờ ở đình, đền, chùa khắp các vùng quê thuộc Bắc Bộ và duyên hải Bắc Trung Bộ. Trong tâm thức dân gian, qua hàng ngàn năm, chư vị vẫn được ca tụng, được thờ kính như các vị phúc thần, bảo hộ cho muôn dân (thượng phù quốc tộ an ninh, hạ bảo nhân dân khang thái).

Đầu năm 2021 vừa qua, chúng tôi đã hoàn thiện và xuất bản ra mắt bạn đọc cuốn sách: Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa Đền Thánh Nguyễn nhằm công bố một cách hoàn chỉnh những tư liệu Hán Nôm và hệ thống văn bia, câu đối, sắc phong hiện còn nơi Đền Thánh Nguyễn (tức Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không), tọa lạc trên mảnh đất quê hương làng Điềm (Gia Viễn, Ninh Bình). Với tấm lòng tri ân kính ngưỡng đến Thánh tổ, chúng tôi để công điền dã, lần tìm lại từng trang kinh, từng cuốn sách cổ được ông cha ghi chép và lưu giữ nhiều thế kỷ nay. 

 

Dân ta có câu “nhất thành cảm cách”. Theo dấu bước chân hóa duyên của Ngài, có những điều còn khuất lấp trong lịch sử Phật giáo giai đoạn này và sự tiếp biến của đạo Phật ở Việt Nam thời Lý dần được mở ra, sáng tỏ. 

Việc điền dã và khảo cứu cho thấy hệ thống di tích và những tư liệu về quốc sư Minh Không còn được lưu giữ rất phong phú. Không chỉ những ghi chép của tiền nhân từ sử sách liên quan cuộc đời Minh Không và Không Lộ mà những sáng tác diễn Nôm trong dân gian cũng rất đa dạng. Đặc biệt, trong quá trình tìm hiểu và tập hợp tư liệu về Không Lộ Đạo Hạnh và Minh Không, có một văn bản được tìm thấy mang tên "Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn" (李 朝 國 師 聖 祖 偈 引). Thú vị là bản Kệ dẫn diễn Nôm này, ngay trang đầu ta đọc thấy câu: Tiên Điền lễ tham Nguyễn hầu bái duyệt chính (仙 田禮 參 阮 侯 拜 閱 正).

Trong rất nhiều bản diễn Nôm về Không Lộ, Đạo Hạnh và Minh Không mà chúng tôi hiện có, thì bản "Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn" là một tác phẩm văn học vô cùng quan trọng. Sở dĩ nói như vậy bởi đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện chính Nguyễn Du trong những năm tháng của đời mình chú tâm đến các tác phẩm văn học của Phật giáo vùng đất ông sinh sống. Nguyễn Du đã dành thời gian cho việc “duyệt chính” một tác phẩm văn học Phật giáo liên quan đến bậc thiền sư danh tiếng, quốc sư Minh Không. 

Đại thi hào Nguyễn Du là một tác giả lớn, một nhà tư tưởng lớn. Chúng ta biết ông sinh thời sống cuộc sống thấm đẫm chất liệu từ bi với tinh thần vô ngã của trí Bát Nhã Kim Cương. Mang tâm thái của bậc thiền sư đạt đạo nhưng cũng “bặt dấu vết” với các hoạt động cụ thể liên quan Phật giáo. Từ đây, với tác phẩm cụ thể "Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn" chúng ta có thể nói, những năm tháng Nguyễn Du sống ở Thái Bình chắc chắn có những kết giao với giới Tăng lữ và đi lại hay cư trú nơi nhiều ngôi chùa cổ kính u tịch vùng đất này. 

Tác phẩm "Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn" là một tác phẩm văn học có giá trị do hậu thế viết về lịch sử Minh Không và Không Lộ. Bản kệ Nôm này được lan truyền dưới dạng hát kể hạnh về cuộc đời Thánh. Đây cũng là phần không thể thiếu của người diễn tuồng hội lễ và người đi dự lễ hội thánh hay các dịp lễ thánh sinh và hóa. Vẫn còn đó hiện hữu của những di tích danh lam nổi tiếng với những lễ hội về thánh mỗi năm và đã kéo dài nhiều thế kỷ qua.

Ở Nam Định như có chùa Cổ Lễ, chùa Tây Thần Quang, chùa Keo Hành Thiện, chùa Viên Quang (Xuân Ninh, Xuân Trường), chùa Lương Hàn, chùa Quýt (Trung Đông Trực Ninh) và ở Thái Bình như chùa La Vân, chùa Lộng Khê, đền chùa Lại Trì, chùa Keo (Duy Nhất Vũ Thư). Ở Hải Dương, Bắc Ninh như: chùa Hưng Long (Hán Lý, Vĩnh Lại), xhùa Phả Lại, chùa Vệ Xá. Chùa Yên Vệ, đền Thánh Nguyễn, đền Kênh Gà, đền Làng Ngãi, Đình Chùa Địch Lộng, v.v.. ở Ninh Bình.

Chùa Cổ Lễ.

Ở Hà Nội ta có thể kể như chùa Lý Quốc Sư, chùa Quán Sứ, đình Ngũ Xã, chùa Thần Quang ở phố Ngũ Xã, v.v.. Gắn với những di tích danh làm nổi tiếng này, cứ đến ngày lễ thánh hội Xuân hay dịp lễ hội thánh hóa thánh sinh đâu đâu cũng truyền tụng bản kệ nôm hát kể hạnh để dân chúng nhớ nằm lòng công hạnh và ngợi ca đức thánh. 

chùa Lý Quốc Sư
Chùa Lý Quốc Sư.

Bước chân trên nhiều vùng miền của đất nước, hòa với nếp sống quê hương Bắc bộ, chắn chắn Nguyễn Du đã tham dự lễ hội và chứng kiến người dân mình hát kể hạnh trong những dịp ấy. Đây là lối hát quen thuộc trong dân gian, được sáng tác và diễn xướng nhằm ca ngợi cuộc đời và công hạnh đức Lý triều quốc sư cùng tam vị thánh tổ, thiền sư. Không ngẫu nhiên Nguyễn Du để tâm chọn “duyệt chính” bản kệ Nôm về chư vị thánh tổ. 

Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Nguyễn Du là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Ông để lại một khối lượng tác phẩm có giá trị lớn trong đó, Truyện Kiều được cho là một kiệt tác văn học, một thành tựu văn học tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam. Nguyễn Du cũng được Unessco vinh danh là Danh nhân Văn hóa thế giới.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu các văn bản liên quan những hoạt động đương thời của Nguyễn Du là một việc làm cần thiết giúp chúng ta mở thêm hướng tiếp cận để nhận diện, làm rõ các vấn đề của lịch sử văn hóa dân tộc và Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du cũng như xa hơn là của Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top