Aa

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói về tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam

Thứ Ba, 17/01/2017 - 03:00

Thông tin trên được ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ trao giải Cuộc thi Ngôi sao khởi nghiệp BĐS năm 2016 được tổ chức ngày 15/1 tại Hà Nội.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, trong năm qua, mặc dù các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt mức mong muốn so với kế hoạch nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam cũng đã gặt hái được những thành quả nhất định so với khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng vào loại khá, tiền tệ ổn định.

Mặc dù, còn có những khiếm khuyết  như nợ công cao, nợ xấu ngân hàng lớn, thiên tai và hạn hán trong nông nghiệp xảy ra nhiều nhưng kinh tế vẫn có bước tăng trưởng tương đối ngoạn mục. Đóng góp cho sự tăng trưởng đó có lĩnh vực BĐS.

Trong năm, thị trường BĐS đã có mức hồi phục và phát triển được các chuyên gia nước ngoài đánh giá tốt. Thể hiện qua con số giao dịch năm 2016 tuy thấp so với 2015 nhưng giá trị lớn hơn do số lượng các căn hộ, sản phẩm cao cấp được mua bán tăng từ 24% năm 2015 lên 36% trong 2016.

“Việc tăng lượng giao dịch đã đẩy tổng lượng giao dịch, nguồn tiền đưa vào các giá trị BĐS lớn hơn rất nhiều”, ông Nam cho biết.

ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ảnh: Kháng Trần

ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ảnh: Kháng Trần

Một trong những điểm sáng của thị trường BĐS trong năm qua theo người đứng đầu Hiệp hội BĐS Việt Nam là dư nợ ngân hàng vẫn đảm bảo trong ngưỡng an toàn, khoảng 422.000 tỷ đồng trong khoảng 4,5 triệu tỷ đồng dư nợ ngân hàng (dưới 10%).

“Một điểm mở ngoặc ở đây là tổng dư nợ này có vẻ dường như hơi quá tập trung ở một số doanh nghiệp và dự án lớn. Những điểm này cũng gây ra sự không an toàn cho lắm”, ông Nam nhận định. 

 Đề cập đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường BĐS trong năm qua, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, lĩnh vực BĐS vẫn đứng thứ hai trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo đó, trong năm qua, kiều hối tiếp tục đổ dồn vào lĩnh vực BĐS. Tất cả các phân khúc của thị trường từ nhà ở, chung cư, biệt thự, nhà liền kề, văn phòng, dịch vụ, diện tích bán lẻ... đặc biệt là du lịch (các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, khách sạn, condotel...) đều bùng nổ và tăng trưởng rất ngoạn mục.

Theo dự báo năm 2017, thị trường BĐS Việt Nam sẽ còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Ảnh: Trần Kháng

Theo dự báo năm 2017, thị trường BĐS Việt Nam sẽ còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Ảnh: Trần Kháng

"Dự báo năm 2017, thị trường BĐS sẽ tiếp tục ổn định mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tiền, tín dụng vào các dự án BĐS cao cấp, sang trọng. Đồng thời, tìm kiếm nguồn vốn tài trợ mạnh mẽ hơn cho phân khúc nhà ở thương mại quy mô, chung cư giá rẻ và đặc biệt là nhà ở xã hội”, ông Nam cho biết.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cách đây mấy hôm, Giám đốc Trung tâm tư vấn BĐS Thái Lan đã công bố nghiên cứu khá kỹ trong vòng 2 năm về thị trường BĐS Hà Nội. Họ đánh giá rất cao về tỷ lệ bán hàng, hàng bán được trên tổng số hàng chào bán.

“Chúng ta đang ở con số trung bình khoảng 4-5%/ tháng, có nghĩa là trong vòng 2 năm, một dự án có thể bán sạch hàng. Mức này theo các bạn nói là đáng mong ước của các nước xung quanh, thậm chí một số phân khúc nhà ở có giá trị từ 60.000  - 90.000 USD, nằm trong khoảng 1- 2 tỷ đồng/căn thì chỉ trong vòng 6 - 7 tháng là bán hết. Đó là tiềm năng rất lớn của thị trường BĐS Việt Nam”, ông Nam chia sẻ. 

Ngoài ra theo ông Nam, với một số dân 94 triệu, 24 triệu hộ gia đình, tốc độ đô thị hóa 1%/năm, mỗi năm chúng ta có khoảng 1 triệu dân chuyển từ nông thôn ra thành phố... đây là tiềm năng còn rất lớn của thị trường BĐS Việt Nam về trung và dài hạn.

Mặc dù dự đoán khá sáng lạng về thị trường BĐS Việt Nam trong năm tới nhưng ông Nguyễn Trần Nam cũng đưa ra cảnh báo, chúng ta đang có những thách thức về sự mất cân đối hàng hóa, vẫn có cái làm ăn chưa kế hoạch, theo luật, các chính quyền địa phương cấp dự án, phê duyệt quy hoạch còn chưa tuân theo quy hoạch. Đặc biệt là không có kế hoạch về mặt tiến độ thời gian, do đó sự mất cân đối về hàng hóa, nguồn lực và nhu cầu về hạ tầng, tiền vốn để hoàn thành dự án còn rất mất cân đối..., do đó nếu không kiểm soát tốt có khả năng đi lại “vết xe” cũ.

“Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ đã nhìn ra và đã có chỉ thị của Thủ tướng đối với việc kiểm soát thị trường BĐS và thúc đẩy phân khúc còn yếu và có nhu cầu lớn”, ông Nguyễn Trần Nam nói. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top