Aa

Nhà báo và doanh nhân

Chủ Nhật, 13/10/2019 - 09:30

Nhiều người nói, làm doanh nhân thì phải biết cách “chơi” với báo chí, biến họ thành những người chia sẻ được với mình mà không “ảnh hưởng” tới mình, phải có bí quyết.

Kể từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến nay, khoảng 30 năm, đã ghi dấu ấn hình thành một đội ngũ doanh nhân đông đảo, trí tuệ và tài năng, đã làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo ra những bước phát triển với tốc độ có thể gọi là thần kỳ. Nhiều doanh nhân đã là thương hiệu của Việt Nam, có tên trong những bảng xếp hạng những người giàu thế giới.

Con đường đi của mỗi doanh nhân, của cả đội ngũ doanh nhân không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Có những doanh nhân đã rơi vào những hút xoáy ghê gớm, có những thành bại, những câu chuyện cay đắng, đáng được kể trong nhiều thời gian nữa…

Trên báo chí, một đề tài lớn luôn được đề cập là câu chuyện về làm giàu, đổi mới để phát triển, là những thông tin về doanh nghiệp, dự án, về doanh nhân và mối quan tâm của người dân, của xã hội đối với những hoạt động này…

Người ta thường nói, nhà báo là bạn đồng hành của doanh nhân. Quan hệ báo chí với doanh nghiệp là quan hệ tương hỗ, tương sinh, là tin cậy và tôn trọng.

Nhưng, trong thực tế, câu chuyện nhà báo với doanh nhân, còn có đủ những sắc thái khác nữa, không phải lúc nào cũng lý thú và an tâm. Nếu một nhà báo hỏi một doanh nhân nghĩ gì về báo chí hiện nay, chắc sẽ có ngay câu trả lời giống như nói ở trên. Nhưng nếu đó là câu hỏi không phải của nhà báo, thì doanh nhân sẽ ngẫm nghĩ, có khi không trả lời, mà có trả lời hoặc nói thẳng ra, thì họ coi nhà báo là đối tượng cần “cảnh giác” cao độ…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều người nói, làm doanh nhân thì phải biết cách “chơi” với báo chí, biến họ thành những người chia sẻ được với mình mà không “ảnh hưởng” tới mình, phải có bí quyết. Hiện nay, các doanh nghiệp lớn đều có bộ phận truyền thông, một mặt làm công tác PR, làm công việc “xử lý sự cố truyền thông” khi có vấn đề, nhưng nói thật, để biết được cách, hay nói kiểu khác, là có “bí quyết” ứng xử với truyền thông, thì còn xa lắm...

Vấn đề là làm sao có được sự thông hiểu và chia sẻ, để tạo nên sự tin cậy giữa doanh nhân, doanh nghiệp với nhà báo và cơ quan báo chí, nhất là trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt hiện nay? Làm sao vừa chia sẻ được những mong đợi từ truyền thông, để có được sự cổ vũ và tiếp thị cho mình và doanh nghiệp của mình, vừa không bị “hở sườn”, bị “lộ” những bí quyết, chiến lược của mình, tránh những “đối đầu” và “thiệt hại” trong cuộc chiến cạnh tranh? Đây chính là một nghệ thuật, không kém gì nghệ thuật kinh doanh, để thành công.

Nhìn từ phía nhà báo, các cơ quan báo chí, cũng có vấn đề. Không phải tất cả đã “biết cách” trở thành những người đồng hành thật sự với doanh nghiệp, nếu không thực sự thông hiểu và chia sẻ với những vấn đề của doanh nhân, doanh nghiệp, chỉ nhìn thấy những lợi ích “ngắn hạn” trước mắt khi tiếp cận và viết về họ. Đó là chưa kể, thật đau lòng, có những “con sâu” trục lợi doanh nhân, doanh nghiệp, không xứng danh với thiên chức đẹp đẽ của nhà báo.

Là một người đã hoạt động báo chí khá nhiều năm, tôi nghĩ rằng, thực tế cuộc sống phát triển, có rất nhiều sự thật khác nhau, nếu như nhìn từ những góc độ khác nhau. Vấn đề là lựa chọn sự thật nào để phản ánh? Phản ánh vì mục đích gì? 

Ví dụ, có những doanh nhân thành công, vì tự hào mình là người Việt, vì hoài bão lớn, đã đầu tư tại quê nhà, làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng đất nghèo khó, tạo nên những giá trị thương mại lớn lao cho những tiềm năng đang “ngủ yên”. Nhưng “bỗng nhiên” họ lại trở nên “xấu xí” trên truyền thông. Lý do là vì họ hay đối tác của họ, hay ngay cả chính quyền địa phương, khi chuẩn bị và hợp tác, trong quá trình triển khai dự án, đã không bao quát hết, bao quát cho thật đầy đủ những ảnh hưởng tới mọi đối tượng liên quan. Trong thực hiện những dự án, có những sự cố ngoài ý muốn. Nếu nhà báo không chia sẻ, không đưa thông tin giúp họ xử lý tốt hơn, mà lại phản ánh theo kiểu “cho nó biết mình là ai” và doanh nghiệp thì không biết cách “quản lý” và “xử lý” kịp thời, thì có thể trở thành “thảm họa truyền thông”, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngay.

Nhà báo đã biến thành một đối tượng cần hết sức “cảnh giác”, phải dè chừng trong tiếp cận và ứng xử, là từ đâu vậy? Nếu nhà báo là người biết lựa chọn đúng sự thật, không vụ lợi cá nhân, vì cộng đồng, vì phát triển, thì doanh nhân đâu cần phải băn khoăn, ngẫm nghĩ “cảnh giác” đến như vậy?

Quan hệ nhà báo và doanh nhân hiện vẫn đang là vấn đề đáng được suy ngẫm nhiều hiện nay!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top