Doanh nghiệp tích cực triển khai, địa phương mạnh dạn đăng ký
Một trong những tín hiệu phấn khởi nhất của thị trường bất động sản đầu năm 2025 là loạt địa phương mạnh dạn đăng ký triển khai phát triển nhà ở xã hội. Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, cả nước chỉ có 108 dự án, tương ứng 47.532 căn nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024. Nhưng sang đến năm 2025, dựa trên số liệu các địa phương đăng ký, dự kiến cả nước có 135 dự án, với gần 101.900 căn, gấp 2,1 lần so với năm ngoái.
Trong đó, Hà Nội dự kiến có 11 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000m2 sàn. 5 năm tới, thành phố đặt mục tiêu có thêm 50 dự án mới đăng ký, quy mô 57.200 căn.
Tại TP.HCM, hiện có 21 doanh nghiệp đăng ký xây dựng 52.000 căn nhà ở xã hội tại quỹ đất tự tạo lập, cùng 8.000 căn từ 7 khu đất mời gọi đầu tư và 10.000 căn từ nguồn đầu tư công. Thành phố đặt mục tiêu đạt 70.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 và rút ngắn thủ tục hành chính, tạo lập quỹ đất cho phát triển phân khúc nhà ở này.
Với "thủ phủ" khu công nghiệp Bình Dương, UBND tỉnh cho biết, chỉ tiêu Chính phủ và đề án được phê duyệt giai đoạn 2021 - 2025 là 42.000 căn. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được 15.893 căn, nên trong năm 2025 tỉnh sẽ tiếp tục triển khai 26.552 căn.
Tiếp giáp tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng đang tích cực tham gia cuộc đua phát triển nhà ở xã hội. Trong năm 2025, địa phương này dự kiến hoàn thành tới 979 căn hộ. Trong đó, 517 căn sẽ đến từ dự án của Công ty cổ phần Thống Nhất, nằm tại huyện Trảng Bom; 462 căn còn lại thuộc dự án của Công ty Thành Thắng tại TP. Long Khánh.
Tại Hải Phòng - nơi được xem là điểm sáng phát triển nhà ở xã hội của cả nước - cũng đang phấn đấu đến hết năm 2025, 9 dự án nhà ở xã hội sẽ hoàn thành với 15.000 căn hộ.
Bên cạnh đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn cung nhà ở giá rẻ cho bộ phận người lao động có thu nhập thấp, việc các địa phương mạnh dạn đăng ký triển khai phát triển nhà ở xã hội trong năm nay còn xuất phát từ tín hiệu tích cực của các chủ đầu tư.
Sau giai đoạn dài khó khăn trước những biến động trên thị trường, thanh khoản các phân khúc phục vụ nhu cầu đầu tư liên tục về "đáy", nhiều chủ đầu tư đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo hướng ưu tiên phát triển nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu ở thực. Cùng với đó, Luật Nhà ở 2023 được ban hành với nhiều quy định mới cởi mở và ưu đãi hơn cho phát triển nhà ở xã hội đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia "đường đua" phân khúc này.
Minh chứng là trong 2 tháng gần đây, bên cạnh nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được các chủ đầu tư thi công "thần tốc" để hoàn thành đúng kế hoạch thì không ít dự án đã đẩy mạnh khởi công xây dựng.
Đơn cử như liên danh chủ đầu tư Handico và Viglacera đang chuẩn bị những bước cuối cùng để tiến hành khởi công công trình CT3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 - Khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) trong tháng 1 đầu năm.
Theo quy hoạch phê duyệt, công trình sẽ cung cấp một lượng quỹ nhà ở mới với 1.104 căn hộ trong năm 2025, đáp ứng chỗ ở cho gần 3.900 người thuộc đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội.
Vào đầu tháng 12/2024, dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1 khu đô thị Hạ Đình, huyện Thanh Trì (TP. Hà Nội) cũng đã bắt đầu thi công sau thời gian bỏ hoang, chậm triển khai.
Dự án có diện tích hơn 9.300m2 thuộc quỹ đất 20% của Khu đô thị mới Hạ Đình. Dự án dự kiến đáp ứng quy mô dân số là 1.230 người.
Cũng trong tháng 12/2024, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng tổ chức lễ khởi công Khu nhà ở cao tầng - nhà ở xã hội thuộc dự án Khu nhà ở tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (TP. Hà Nội). Tổng diện tích xây dựng gần 7.000m2, tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 61.000m2. tương đương 466 căn hộ.
Kỳ vọng nguồn cung cải thiện
Việc tích cực triển khai dự án nhà ở xã hội của các doanh nghiệp và mạnh dạn đăng ký chỉ tiêu của các địa phương đã tạo ra kỳ vọng lớn về nguồn cung nhà ở giá rẻ trong năm 2025.
Trong bối cảnh bài toán cung - cầu nhà ở ngày càng mất cân đối nghiêm trọng; cơ cấu nguồn cung lại chủ yếu thiên về phân khúc cao cấp, hạng sang, khan hiếm phân khúc bình dân thì việc bổ sung thêm nguồn cung nhà ở xã hội là điều quan trọng.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, nhà ở xã hội không đơn thuần là một phân khúc nhà ở trên thị trường mà nó còn mang tính chính trị. Bởi phát triển nhà ở xã hội được xác định là nhiệm quan trọng của Đảng, của cả hệ thống chính trị và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vì thế, nếu phân khúc này được cải thiện nguồn cung trong năm 2025 - điều mà từ năm này đến năm khác Việt Nam luôn phấn đấu thì không chỉ bài toán nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp được phần nào giải quyết, thị trường bất động sản có động lực khởi sắc mạnh mẽ mà còn tạo điều kiện cho vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, từ cuối năm 2023, phân khúc nhà ở xã hội đã được quan tâm thúc đẩy và nhiều doanh nghiệp cũng đăng ký tham gia phát triển, đặt ra kỳ vọng về cải thiện nguồn cung trong năm 2024. Nhưng trên thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội 2024 vẫn chưa có bước tiến đáng kể và không đạt được mục tiêu đề ra.
"Đầu năm 2024, dựa trên những tín hiệu tích cực, chúng ta cũng đã kỳ vọng rất nhiều về việc cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội nhưng thực tế, các "đại công trường" nhà ở xã hội vẫn chỉ là tưởng tượng. Sang năm 2025, chúng ta tiếp tục kỳ vọng nhưng cần làm gì để không lặp lại tình trạng cũ", TS. Nguyễn Minh Phong đặt câu hỏi.
Theo chuyên gia, việc các địa phương đăng ký chỉ tiêu hay các doanh nghiệp khởi công dự án chỉ là bước đầu. Bởi đăng ký nhiều nhưng thực hiện được bao nhiêu mới là điều quan trọng. Với các dự án đã khởi công, quá trình triển khai xây dựng và hoàn thiện còn rất dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, để năm 2025 về đích thành công, quyết tâm triển khai nhà ở xã hội từ doanh nghiệp cho đến các địa phương phải cao hơn, quyết liệt hơn.
Trong đó, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng trong khâu xử lý thủ tục hành chính, ưu đãi thuế, phí. Việc kéo dài thủ tục không chỉ cản trở các doanh nghiệp tiến hành xây dựng dự án mà còn làm nản lòng chủ đầu tư, khiến môi trường kinh doanh kém hấp dẫn./.