Aa

Nhãn đầu mùa

Thứ Năm, 17/06/2021 - 07:00

Đôi mắt em tròn hạt nhãn, có lẽ không ít người rưng rức nhớ đôi mắt ngỡ đã thuộc về mình? Không ít người bần thần nếu may mắn được "lạc vào" đôi mắt tròn hạt nhãn. Cái gì đầu mùa, đầu đời cũng thiêng liêng, hồi hộp.

Sau những ngày nắng như rang, 3 giờ 00 sáng nay, Hà Tĩnh bừng giấc. Vòm trời như chú Hựu, người hàng xóm của tôi say rượu. Mặt đỏ phừng phừng, chân bước loạng choạng, ngửa mặt mà nói. Sấm như thủng trống trời. Sét vạch vòm trời giận giữ. Và mưa, chưa bao giờ hỷ hả như thế. Sướng thế. 

Cây cối trong vườn được bữa tắm nude hứng khởi. Con người như được tắm táp, kỳ cọ bởi trận mưa tự do. Từng lỗ chân lông ưỡn lên nức nở.

Vườn nhà bà thông gia, sát vách vườn em tôi, cây nhãn trĩu quả. Em trai tôi và con gái bà Tâm, em dâu tôi đúng là Hai chúng mình

Biết nhau từ nhỏ

Nhà em bên nhà anh

Đường xóm ra vào chung ngõ,
Cách nhau chỉ một rào thưa,

Bấm chân ngõ lội ngày mưa,

Chung một cầu ao

Khoả chân rửa vội”

(Hoa chanh, thơ Nguyễn Bao)

Nhãn đầu mùa mà sai quả thế. Ngắm mãi từng chùm nhãn mới bé bằng ngón tay út, màu vàng xanh nặng trĩu. Tôi nhớ tiểu thiếu “Nhãn đầu mùa” của hai đồng tác giả Xuân Tùng và Trần Thanh. Bối cảnh tiểu thuyết này, so với bây giờ, xa xưa lắm, tận những năm chống Pháp. Hết chống Pháp, đất nước bước vào chống Mỹ. Thời tất cả phải biến thành robot, ngay cả cảm xúc, “Nhãn đầu mùa”, gần như là tác phẩm bị cấm. Tình cảm, ủy mị phải cấm. Ngôn ngữ Việt Nam thời đó, những từ như “nụ hôn” ít được sử dụng, bởi nó “nhạy cảm”, dễ làm “mềm lòng” con người.

Tôi có may mắn được đọc “Nhãn đầu mùa” trên những trang in ố vàng. Thời đó, “Nhãn đầu mùa” hay “Mùa hoa dẻ” của Văn Linh được săn lùng, đàm tiếu, rỉ tai. Ai cũng mơ ước được đọc.

"Được mùa cau, đau mùa lúa" hoặc "Được mùa lúa, úa mùa cau" là thành ngữ người xưa để lại. Theo kinh nghiệm trồng trọt của bà con nông dân, năm nào được mùa cau thì lúa sẽ mất mùa và ngược lại. Cũng người xưa tổng kết “Được mùa nhãn vãn mùa cau”. Năm nay cau mất mùa, một quả cau ngoài chợ Nghèn 10 ngàn đồng. 

Em dâu tôi bảo: “Nhãn lồng, cùi dày, ngọt lịm”. Tháng 8 mới được ăn, nhưng đầu lưỡi đã thấy ngọt lịm. Xưa nay, nói đến nhãn lồng người sành điệu nghĩ đến Hưng Yên, nói đến vải thiều, nhớ đến vùng đất Phố Hiến. 

Nhãn lồng Hưng Yên đặc biệt ngon, quả to, tròn, da láng, cùi nhãn giòn, trong như hổ phách, nước ngọt lịm, mát và thơm đến lạ. Bóc lớp vỏ mỏng láng, màu vàng nâu nhạt, để lộ lớp cùi dày, trắng ngà hấp dẫn với hương thơm nhẹ nhàng. Bóc lớp cùi ấy ra, bỏ vào miệng “Thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho” (Lê Quý Đôn).

nhãn

Vì thế mà nhãn lồng Hưng Yên đi vào ca dao: “Dù ai buôn Bắc bán Đông/ Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”.

Từ xa xưa, theo ghi chép của Kê Hàm trong “Nam Phương Thảo Mộc Trạng” thì vào năm 111TCN, Hán Vũ Đế bên Trung Quốc đã sai đem cây vải và nhãn từ Giao Chỉ (miền Bắc nước ta hiện nay) về trồng. Song trên đường vận chuyển, cây chết do lạnh. Từ đó, vua Hán bắt nhân dân nước ta hàng năm phải cống “lệ chi” (vải) và nhãn lồng. 

Tới thời nhà Đường bên Trung Quốc, lệ này vẫn được duy trì. Theo cuốn “Tân Đường Thư”, vải và nhãn là loại quả ưa thích của một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc - Dương Quý Phi. Bà thích vải tới nỗi người thời đó đặt tên ngoại hiệu cho vải là “phi tử tiếu” - tức nụ cười Dương Phi. Đường Huyền Tông vì cưng chiều bà nên thường xuyên bắt nhân dân phía Nam cống nạp vải về thành Trường An.

Dương Quý Phi da mọng nước và mỏng như màng trứng trở thành một trong “tứ đại mỹ nhân” Trung Quốc cổ đại nhờ ăn vải và nhãn lồng Hưng Yên. Mãi tới gần đây, vải và nhãn lồng Hưng Yên được nhân giống, trồng khắp các tỉnh phía Bắc nên con gái Việt Nam lại ngày càng đẹp hơn.

Sơn La thành “kinh đô” nhãn lồng Hưng Yên. Bắc Giang thành “kinh đô” vải thiều Hưng Yên. Sơn La, nhất là huyện Sông Mã, đúng là trên trời, dưới nhãn. Cây nhãn lồng Hưng Yên tìm ra vùng “đất mới” phù hợp, do năm 1963, người Hưng Yên lên Sơn La làm kinh tế mới mang theo lên trồng. Ngày ấy, 102 thanh niên đại diện cho 50 gia đình đi “khai thiên, phá thạch”. Bây gì, 20 cụ còn sống khỏe, đều đã ở tuổi 75 - 80. Bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu của huyện Sông Mã có tấm bia đá khắc ghi tên, tuổi các cụ, như gia phả của bản, để con cháu nhớ cội nguồn.

Lên Sơn La, vào Sông Mã, ngày thu hoạch mới thấy ngọt ngào quê hương, quê cũ, quê mới. Bà con quê cũ Hưng Yên vẫn lên quê mới Sơn La giúp họ hàng, anh em thu hoạch, chế biến long nhãn. Đêm rộn rã bản làng.

Nhãn đi vào thi ca. Đôi mắt em tròn hạt nhãn, có lẽ không ít người rưng rức nhớ đôi mắt ngỡ đã thuộc về mình? Không ít người bần thần nếu may mắn được "lạc vào" đôi mắt tròn hạt nhãn. Cái gì đầu mùa, đầu đời cũng thiêng liêng, hồi hộp. Tôi đã "lạc vào" đôi mắt huyền hạt nhãn, “chung thân” cùng đôi mắt ấy. Có lẽ vì thế mà tôi thành “tín đồ” của nhãn. 

“Hoa đầu mùa bao giờ cũng đẹp

Nắng đầu mùa bao giờ cũng say

Mối tình đầu bao giờ cũng vậy

Rất ngọt ngào nhưng cũng lắm đắng cay”

Mấy câu thơ này của ai, tôi không nhớ nữa. Nhưng nhìn mưa, ngắm những chùm nhãn đầu mùa hẹn hò, lòng tôi trẻ lại.

Bất giác muốn cùng mưa bay!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top