Aa

Mụ mối mát tay

Chủ Nhật, 13/06/2021 - 13:00

Một thời gian sau thì chú Nậy với o Huê cũng tổ chức đám cưới, cũng tại nhà kho hợp tác xã. Mự Ngụ cũng lại cầm cái loa sắt tây nhảy lên bục chủ tọa ngâm bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng”.

Thời thanh nữ, mự Ngụ mần Phó Bí thư Chi đoàn thanh niên hợp tác xã. Nhiệm vụ chính của Phó Bí thư Chi đoàn là vận động chị em tình nguyện lấy thương binh nặng làm chồng và dẫn đầu đám con nít đi cổ động, hô hào dân làng sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi. 

Cả hai nhiệm vụ trên đây mự Ngụ đều hoàn thành xuất sắc vì mự có tài mần thơ ứng khẩu. Tài hơn nữa là mự lại biết lồng ghép hai nhiệm vụ với nhau rất nhuần nhuyễn hài hòa. Bởi rứa, chỉ qua một nửa nhiệm kỳ Phó Bí thư Chi đoàn, mự đã được xét đưa vô danh sách quần chúng cảm tình do đồng chí Dượng Mẹt Lê phụ trách giúp đỡ bồi dưỡng.

Chuyện vận động thanh nữ tình nguyện lấy thương binh nặng làm chồng thì chắc nhiều người còn nhớ, vì hồi chiến tranh, đó là một phong trào sôi nổi rộng rãi khắp cả nước. Sau này tôi được biết, chẳng riêng gì con gái quê tôi, mà hồi đó nhiều thiếu nữ Hà Nội xinh đẹp nghiêng nước nghiêng thành cũng tình nguyện “gắp thăm” lấy thương binh nặng. Đa số các cặp “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” kiểu ấy đều vợ chồng hạnh phúc, con cái trưởng thành, chẳng như đám mắt xanh mỏ đỏ hiện nay, bỏ nhau như thay quần áo.

Riêng chuyện đi cổ động thì tôi chưa thấy ở đâu có hình thức tuyên truyền náo hoạt, vui nhộn như ở làng tôi thời đánh Mỹ. Cổ động là tập hợp thanh thiếu niên đi biểu tình hô hào khẩu hiệu, thường là vào lúc sâm sẩm gà lên chuồng. Một đoàn nam thanh nữ tú choai choai cùng bầy con nít lau nhau rồng rắn từ đầu làng đến cuối làng, trống mõ não bạt khua ầm ĩ và hát hò hô hào loạn xị ngậu. Với đám thanh niên trai gái cập kê thì đó là những cơ hội vàng để chúng hẹn hò hú hí. Bọn họ chỉ tập trung điểm danh, xong đi một đoạn là cặp nào cặp nấy biến mất tăm. Chỉ còn đám con nít lau nhau bọn tôi là hăng hái hô hào lăng xăng từ đầu làng đến cuối làng, chẳng đứa nào bỏ cuộc.

Nhưng đám con nít nhất qủy nhì ma cũng là bọn bậy bạ hết cỡ. Chúng đi cổ động để nô đùa thỏa thích chứ nào biết tuyên truyền vận động là cái quái gì. Cho nên hô khẩu hiệu thì chúng toàn xuyên tạc bậy bạ. Chẳng hạn khi mự Ngụ hô “Mao Chủ tịch muôn năm!” thì cả lũ lại đồng thanh hưởng ứng “Mua Nơm! Mua Nơm! Mua Nơm…”. Có đứa “Mua Nơm” xong lại hô tiếp “Ông Mẹt Lê cũng rứa!”, rồi xô đẩy nhau cười chí chóe…

Chỉ những khi mự Ngụ cất những câu hò do mự sáng tác thì chúng mới hùa theo “Bơ hò là hò dô hò…”, rất nhịp nhàng, đều đặn…

Một đám cưới với chú rể là bộ đội thời chiến tranh. (Ảnh sưu tầm)

Làng có chú Hà Huy Hớn đi bộ đội bị thương đốt sống cổ, liệt mất một cánh tay, xuất ngũ về làng đã ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được vợ. Không biết do mặc cảm hay là do ý chí làm giàu mà chú Hớn bỏ làng vô trại khai hoang, sau mấy năm quần quật với cánh tay còn lành lặn, chú gây dựng được một trang trại vườn đồi xanh tươi trĩu trịt.

Đặc biệt vườn chè nhà chú chẳng biết chăm bón phân tro kiểu gì mà nước nấu lên sóng sánh như mật ong, vị chát đắng quyện với vị ngọt đậm hài hòa như cậu với mự. Thế rồi chẳng biết từ đâu đồn thổi rằng, chè chú Hớn không chỉ ngon lành mà còn rất may mắn, nhà nào có đám cỗ mà mua chè chú Hớn thì công việc trôi chảy, cầu gì được nấy.

Chú Hớn có tình ý với o Đóc Con đã chạm tuổi hăm nhưng còn kén chọn. Chú nhờ mụ mối đánh tiếng nhưng bị o Đóc Con từ chối, không nói ra nhưng o có ý ngại ngần cái cánh tay bại liệt của chú. Biết chuyện, Mự Ngụ nói để đó cho tau. Từ đó  mỗi khi dẫn đầu đoàn cổ động đi ngang qua nhà o Đóc Con, Mự lại cất tiếng hò:

Bơ hò… là hò dô hò…

Giang tay ôm trọn bó chè

Duyên ưa phận đẹp, tay què mặc tay…

Cả bọn lau nhau hùa theo hưởng ứng nhịp nhàng: "Là bơ hò… là hò dô hò…"

Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng hò âm vang vô tận Lèn Hung. vách đá lèn dội trở lại là hò dô hò ò ò ò… âm vang, âm vang, vang mãi… Dân làng nghe tiếng hò, nhiều người tủm tỉm cười. Chẳng rõ o Đóc Con có tủm tỉm cười không, nhưng một thời gian sau thì o bắn tin với mụ mối là o đồng ý. Đám cưới chú Hớn với o Đóc Con do Chi đoàn thanh niên tổ chức tại nhà kho hợp tác xã, mự Ngụ hăng hái cầm cái loa sắt tây nhảy lên bục chủ tọa ngâm bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng”, được bà con vỗ tay hoan hô tưởng bể trời.

Chú Nậy đi bộ đội cùng đợt với chú Hớn, cũng bị thương ở Quảng Trị. Một mảnh đạn pháo văng trúng vô hạ bộ của chú. “Thằng nhỏ” vẫn vẹn nguyên, nhưng quân y viện chỉ cứu được một hòn cà, hòn kia phải gắp bỏ. Chú xuất ngũ về làng, chân tay lành lặn, đi đứng bình thường, nhưng mãi không lấy được vợ. Chú thích o Huê trung cấp kỹ thuật ở trại chăn nuôi, đón đường đón chợ mấy lần nhưng o có ý tránh mặt. Biết chuyện, mự Ngụ lại nói, để đó cho tau. Từ hôm đó, mỗi khi dẫn đoàn cổ động ngang qua trại chăn nuôi, mự lại cất tiếng lĩnh xướng:

Bơ hò … là hò dô hò…

Một hòn thì mặc một hòn

No cơm ấm cật, sòn sòn lo chi…

Bầy con nít lại hùa theo vô cùng giao hưởng: "Là bơ hò… là hò dô hò…"

Một thời gian sau thì chú Nậy với o Huê cũng tổ chức đám cưới, cũng tại nhà kho hợp tác xã. Mự Ngụ cũng lại cầm cái loa sắt tây nhảy lên bục chủ tọa ngâm bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng”. Cưới xong, o Huê đẻ liền ba năm hai đứa đủ nếp đủ tẻ. Đứa đầu đặt tên thằng Cu Cục, đứa sau đặt tên con Mẹt Hòn. Còn mự Ngụ từ đó còn có tên là “Mụ Mối”…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top