Lần đó, đến bên nhà thờ mẫu thượng ngàn ở một ngôi chùa cũ trên núi Tam Đảo, tôi thấy nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đứng lặng rất lâu. Ông nghĩ những gì, tôi không dám hỏi. Có lần ông bảo, khi viết tiểu thuyết mệt quá thì lại rời đi xa Hà Nội vài ngày. Có thể đến ngôi chùa cổ Bổ Đà, hay vào chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang; có khi lên chùa Dâu ở Bắc Ninh, hoặc tạt ra đền Bà Đá ở tận Đồ Sơn, Hải Phòng.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thực sự đam mê và am hiểu tín ngưỡng Phật giáo, lịch sử các chùa chiền cổ kính, thấy ở nơi nào vừa tu tạo mới, phá cách kiến trúc cổ, ông hút thuốc lá nhiều, buồn ghê lắm. Rồi khi về tới nhà, thì cắm cúi ngồi viết văn. Ông đã cho ra đời các tiểu thuyết "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng Ngàn", "Đội gạo lên chùa"...
Mỗi khi thư giãn, ông rẽ sang đọc truyện trinh thám. Nhà văn sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, nên khi đọc được một cuốn sách hay, khi nghỉ viết tiểu thuyết, ông cũng hay chuyển sang dịch sách. Những cuốn sách dịch như “Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất”, “Bẩy ngày trên khinh khí cầu”, “Tâm lý học đám đông”... Trong mắt tôi, ông vừa khiêm nhường, vừa giản dị và thâm trầm...
Thuở thanh xuân, ông sống hàn vi lắm. Ông từng làm thợ may, nuôi lợn ở làng Thanh Nhàn, chưa kể còn làm đủ thứ việc linh tinh khác. Ông viết báo, dịch sách kiếm tiền để nuôi đàn con thơ dại. Giờ thì ông đã bước qua một khung trời khác, ở miền thế giới hoang tưởng mà ông từng viết.
Khi chạm đến văn hóa là chạm tới nơi đáy sâu thẳm nhất của con người. Và cả đời nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lao lực cho dòng chảy văn hóa này. Đó là những tác phẩm ông chan vào phận đời phụ nữ, những mẫu tượng ngàn mang bóng dáng thôn nữ tần tảo, dịu hiền, những góc khuất khác của phận đàn bà từ thế kỷ trước, mà người cầm bút tâm huyết như ông, cả đời vẫn chưa chắc dám nói được, là chữ Hiểu.
Văn hóa trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh còn có những bài học về cách hành xử, biết cúi xuống khi nhận ra, ta đang sống ích kỷ, nào đã vì nhau, nào đã để lại gì sự ấm áp khi rời cõi thế.
Thấm đẫm hàng ngàn trang sách nghĩ ngợi về Hà Nội xưa cũ, mơ hồ về vẻ đẹp của làng cổ Hà Nội, chùa cổ Hà Nội đang đánh mất vẻ đẹp rêu phong cổ kính. Thời hiện đại, thật khó có thể buớc qua.
Tôi nhớ ngày ông mang bản thảo nộp cho NXB Phụ nữ. Biên tập viên Nguyễn Thanh Bình gọi điện chúc mừng ông, chị còn vui, hân hoan hơn cả tác giả khi viết xong tiểu thuyết. Ở NXB Phụ nữ, ông có khung trời riêng, nói vui như biên tập viên Minh Hà, ngày ấy cứ cười cười nhỏ nhẹ: “Anh Khánh được những “mẫu” vây quanh".
Mỗi khi viết mệt, bác Khánh lại đạp xe đạp cà tàng lên với các “mẫu” ở NXB Phụ nữ để hầu chuyện, nào bản thảo, nào sách hay cần đọc, nào lên kế hoạch tuần sau sẽ xuống Hải Phòng thăm nhà văn Đoàn Lê, Bùi Ngọc Tấn... Tôi vẫn nhớ chuyến đi xuống Hải Phòng năm đó, đã hơn mười năm, khi đó khai mạc phòng tranh của nhà văn Đoàn Lê. Trên đường anh cứ giục các “mẫu”: "Phải mua bó hoa thật đẹp để tặng", “mẫu” Hoa Phượng bảo: "Bác yên trí đi, em lo xong rồi". Vẫn còn vọng mãi trong tâm trí tôi tiếng gọi như reo lên, đầy hân hoan sung sướng của Đoàn Lê: "Anh Khánh ơi, em đây", rồi sau mới chợt nhìn sang chung quanh, chị Đoàn Lê tiếp: Quý hóa quá, cả NXB Phụ nữ nữa, cả nhà văn Hoàng Quốc Hải, cả nhà văn Bùi Ngọc Tấn… Những niềm vui của bạn văn Hà Nội, Hải Phòng và cơ duyên gặp gỡ ngày ấy.
Giờ, anh Khánh đã ra đi gặp chị Đoàn Lê, anh Bùi Ngọc Tấn ở thế giới bến kia cả rồi.
Sau tác phẩm "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng Ngàn", "Đội gạo lên chùa", tiểu thuyết "Chuyện ngõ nghèo" của Nguyễn Xuân Khánh kể về một làng quê Hà Nội, làng Thanh Nhàn thời bao cấp, một thời đạn bom, một thời thật nghèo, thật Hà Nội. Tiểu thuyết xây dựng chân dung một trí thức viết văn, nuôi lợn, với những đối thoại cười ra nước mắt, rồi lặng đi mà nhận ra rằng, khéo mà trong con người ta cũng có một khí chất của “trư cuồng”; chút ngộ nhận mình cũng hao hao “trư cuồng” mà mình chưa biết, chưa nhìn ra chính mình đó thôi.
Với "Chuyện ngõ nghèo", Nguyễn Xuân Khánh đã viết về những ngày tháng chồng lên ngày tháng, để nói về một thời khốn khó ở Hà Nội. Những đam mê của một người trí thức tự học không dễ dàng có được trong đời sống thường nhật. Con người tự học, tự đọc rất nhiều cuốn sách chỉ để học cách nuôi lợn. Một nhà văn viết về lợn mà cứ như diễn viên xiếc tung hứng như khi đang đi trên dây, không rõ ông định nói gì ngoài việc nuôi lợn kia; Chuyện không chỉ dừng ở đối thoại rất hoạt, rất đời và rất người, một giấc mơ nuôi lợn kiếm sống, không cao xa. Nhưng đối thoại trong mỗi trang viết khiến người đọc bật cười nghiêng ngả rồi sau đó lặng phắc nhận ra. Ta đang cười chính ta đấy chứ! Ta cũng có một chút vĩ cuồng của họ trư. Người lợn và lợn người.
Đọc ông, ta hiểu thêm về về văn hóa, lịch sử, về sự nhìn xa đọc rộng như dòng sông chảy tràn ra biển lớn. “Tư Mã Thiên có nói Lã Hậu chặt chân, chặt tay người phi yêu dấu của Hán Cao Tổ, và gọi đó là con lợn”. Đọc "Chuyện ngõ nghèo" mà vỡ ra cả cái chất người - lợn, vỡ ra sử thi còn nhiều chuyện bí hiểm mà ta chưa hề hay biết, có khi đọc rồi lâu ngày bỏ quên. Giờ đây ngồi nhớ lại.
Ông gửi gắm bao nhiêu khắc khoải, bao nhiêu nỗi niềm thế sự cho người đọc thấy một Hà Nội xưa, con người cũ, và cách nghĩ cũng cũ, thật khó vượt qua chính bước chân mình. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có nhiều cách thuyết phục người đọc ở sự dung dị. Văn hóa đạt đến sự giản dị mới khó. Ông là nhà văn lao động chữ nghĩa kỹ càng. Đọc ông viết, thi thoảng lại thấy đời sống Hà Nội xưa thấp thoáng trong ngõ ngách, trong chợ búa, trong chùa chiền và gần gũi như chính hơi thở của mình.
Trong mỗi người cầm bút, mỗi nhà văn, có những cách riêng lưu dấu câu chữ, chi tiết, chương đoạn trong trí nhớ bạn đọc, ám ảnh bạn đọc sau khi gấp cuốn sách lại. Và như thế là nhà văn đang tồn tại.
Nguyễn Xuân Khánh luôn tồn tại. Tác phẩm của ông là "Của để dành" cho nền văn học đương đại Việt Nam, cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21./.