Hạ tầng giao thông - Đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng
Năm 2025 được dự báo sẽ là một năm đầy sôi động với những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hứa hẹn tạo nên những cú hích mạnh mẽ cho thị trường bất động sản. Việc đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không, không chỉ đơn thuần là xây dựng thêm những con đường, cây cầu, mà còn là tạo dựng nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mở ra những không gian kết nối và cơ hội đầu tư mới.
Theo thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), năm 2025 dự kiến sẽ là một năm bùng nổ với 12 dự án giao thông quan trọng được khởi công.
Cụ thể, các dự án nổi bật bao gồm đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; Cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên quốc Lộ 37B; Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú theo phương thức PPP; Mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên.
Ngoài các dự án đường bộ, năm 2025 còn chứng kiến những bước tiến trong lĩnh vực hạ tầng giao thông khác, bao gồm xây dựng cầu đường sắt Cẩm Lý; Nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên quốc lộ 1 (các cầu Xương Giang, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang); Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; Hệ thống thông tin Cục Hàng không Việt Nam; Hệ thống thông tin Cục Đường bộ Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, những dự án cao tốc, sân bay, cảng biển... như những mạch máu nối liền các vùng miền trên cả nước. Điều này không chỉ thúc đẩy giao thương, du lịch mà còn mở ra không gian phát triển mới cho thị trường bất động sản tại các khu vực ven đô, các tỉnh thành đang phát triển. Hãy thử tưởng tượng, khi việc di chuyển giữa các tỉnh thành trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết, bất động sản tại các khu vực này sẽ trở nên hấp dẫn hơn, thu hút cư dân và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông đồng bộ chính là chìa khóa để hình thành các đô thị vệ tinh, góp phần giảm áp lực dân số cho các thành phố lớn. Các đô thị vệ tinh với không gian sống xanh, hiện đại, kết nối thuận tiện với trung tâm sẽ là điểm đến lý tưởng cho những người muốn tìm kiếm một cuộc sống chất lượng hơn.
Đáng chú ý, hạ tầng giao thông phát triển là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần nâng cao giá trị bất động sản. Khi một khu vực có kết nối giao thông thuận lợi, tiện ích đầy đủ, bất động sản tại đó sẽ tự động tăng giá trị, thu hút dòng vốn đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, kế hoạch Đầu tư công năm 2025 được Chính phủ dự kiến ở mức hơn 790.000 tỷ đồng - một con số khá lớn. Trong đó, tập trung vào các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành, và tuyến đường sắt Bắc Nam.
Theo các chuyên gia từ Chứng khoán ACBS, các ngành hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư công bao gồm xây dựng hạ tầng, nguyên vật liệu như thép, xi măng, nhựa đường, và đá xây dựng. Ngoài ra, bất động sản dân cư và khu công nghiệp cũng được dự báo sẽ nhận được tác động tích cực nhờ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Với giá trị các hợp đồng backlog lớn gấp 2 – 4 lần doanh thu trung bình giai đoạn 2021 – 2023, các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm tới, khi đầu tư công trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.
Ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI) cũng nhận định rằng đầu tư công đang đóng vai trò then chốt, thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Cụ thể, hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể nhờ đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và giao thương giữa các vùng kinh tế. Điều này không chỉ tác động tích cực đến lĩnh vực bất động sản nhà ở mà còn lan tỏa đến nhiều ngành nghề khác. Nhờ kết nối giao thông thuận tiện, các nhà đầu tư và người mua nhà có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm bất động sản ở nhiều khu vực, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển.
Ông Tiến cũng dự báo: "Năm 2025, với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng, nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sẽ tiếp tục được hưởng lợi. Sự tăng trưởng này sẽ tạo động lực cho các lĩnh vực khác phát triển, góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước".
Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi
PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh ba yếu tố chính sẽ tạo động lực cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản trong năm 2025 và những năm tiếp theo: quy hoạch, chính sách ưu tiên đầu tư và hạ tầng giao thông. Trong đó, hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá lớn nhờ cam kết và hành động quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
"Hạ tầng giao thông đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thị trường bất động sản. Sự phát triển của giao thông sẽ thu hút đầu tư vào các dự án bất động sản, hiện tượng này diễn ra phổ biến ở các đô thị trên toàn thế giới", PGS. TS. Ngô Trí Long cho hay.
Tuy nhiên, để tối ưu hóa vai trò của hạ tầng giao thông trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, chuyên gia cho rằng địa phương cần chủ động tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư vào các dự án bất động sản tại những khu vực được đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, cần thiết lập chính sách quản lý minh bạch cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, công khai thông tin về quy hoạch, chính sách phát triển và đầu tư hạ tầng.
Cùng với sự gia tăng đầu tư công, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, logistics, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi.
Theo nhóm chuyên gia ABCS, một số doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đang có giá trị công việc tồn đọng (backlogs) tính đến cuối tháng 9/2024 gấp 2 - 4 lần doanh thu trung bình giai đoạn 2021 - 2023. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong 2 năm tới của các doanh nghiệp này.
Điển hình là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng và chiều dài 729 km, đã được khởi công từ năm 2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025, vận hành từ năm 2026. Các doanh nghiệp lớn như Vinaconex (VCG), Đèo Cả (HHV) và CIENCO 4 (C4G) tham gia dự án này sẽ có "điểm rơi lợi nhuận" vào giai đoạn 2025 - 2026.
Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm khác như sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM và đường Vành đai 4 Hà Nội cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 67,3 tỷ USD, dự kiến khởi công năm 2027 và hoàn thành năm 2035, sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá 33,5 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán ACBS, nhóm ngành nguyên vật liệu cũng sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư công. Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) được kỳ vọng sẽ tăng sản lượng thép xây dựng khoảng 10% trong năm 2025 do nhu cầu thép tăng cao từ các dự án đầu tư công.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) cũng được đánh giá cao với điểm sáng là mảng xây lắp. Nhờ kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, HHV đã ký kết được nhiều hợp đồng xây lắp lớn, nâng giá trị đơn hàng tồn đọng lên hơn 2.900 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu xây lắp năm 2023. HHV dự kiến sẽ đẩy mạnh ghi nhận doanh thu mảng xây lắp trong giai đoạn 2024 - 2026.
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) cũng ghi nhận giá trị đơn hàng tồn đọng lớn, đạt hơn 17.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần doanh thu mảng xây lắp năm 2023. VCG liên tục trúng thầu các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam. ACBS nhận định, với kinh nghiệm và năng lực triển khai các dự án lớn, Vinaconex sẽ tiếp tục trúng thêm nhiều gói thầu mới trong thời gian tới.