Aa

Nhận diện tăng trưởng tín dụng ảo

Thứ Tư, 19/07/2023 - 09:02

Nửa đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt thấp và nhiệm vụ đẩy mạnh cho vay đang được các ngân hàng đặt ra cho giai đoạn nửa cuối 2023. Tuy nhiên, nhận diện “tăng trưởng tín dụng ảo” cũng là một bài toán hóc búa.

Yếu tố phù hợp để nới lỏng tiền tệ

Đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

Theo NHNN, đây là động thái của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn trong nền kinh tế khó khăn. Theo đó, “không gian” cho các ngân hàng trong nửa cuối năm 2023 là khá rộng mở, vì vẫn còn dư địa hơn 9% tăng trưởng tín dụng nữa cho nửa năm còn lại.

Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí TCTD đang áp dụng để xem xét, chỉ đạo các TCTD cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết. 

 - Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước.

Thông điệp của NHNN gần đây cũng tỏ ra rất cởi mở để tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng nguồn vốn, tiếp cận khách hàng vay. Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN, hiện nay, NHNN đang khẩn trương rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí TCTD đang áp dụng để xem xét, chỉ đạo các TCTD cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết.

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Trong đó, NHNN cũng đặt sự quan tâm để các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

Giải pháp kiểm soát dòng tiền

Với diễn biến hiện nay, NHNN và các chuyên gia dự báo lãi suất cho vay có thể sẽ hạ thấp hơn trong nửa cuối năm và đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi khuyến khích dòng vốn được khơi thông. Ông Tú cho biết, đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
“Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, ông Tú đưa ra dự báo.

Đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022 Ảnh: TL

Mặc dù vậy, mục tiêu chung là tín dụng cần phải hướng vào lĩnh vực sản suất kinh doanh. Do đó, việc kiểm soát dòng tiền chạy lan man sang các lĩnh vực không tạo động lực tăng trưởng, hoặc thậm chí chỉ “chạy lòng vòng” trong ngân hàng là một yêu cầu đang được đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2023/TT[1]NHNN (hiệu lực từ tháng 9/2023) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/ TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Trong đó, một trong những điểm mới đáng chú ý trong Thông tư 06 là TCTD không được cho vay đối với một số nhu cầu vốn, trong đó có việc cấm cho vay để gửi tiền.

Phân tích về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, thực chất việc các khách hàng vay tiền, sau đó lại gửi tiền có thể cũng ít xảy ra do chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra. Chẳng hạn như, lãi suất bình quân vay tiền tại ngân hàng hiện khoảng 10%, nên nếu khách hàng vay lãi suất 10%/năm sau đó lại gửi tiền tiết kiệm vào một ngân hàng khác với lãi suất tiền gửi trung bình hiện nay khoảng 6 - 7%/năm thì họ sẽ lỗ.

Đó là lý thuyết, tuy nhiên, thực tế vẫn có những tình huống tương tự xảy ra như vậy, chẳng hạn như những đối tượng khách hàng đủ điều kiện vay các khoản tín dụng ưu đãi, nhưng sau khi vay được vốn lãi suất ưu đãi lại không sử dụng vào mục đích chính mà gửi trở lại ngân hàng. Theo đó, trong một số trường hợp ngân hàng cho vay và số tiền đó tính vào tăng trưởng tín dụng, nhưng thực tế vốn không chảy vào nền kinh tế và vẫn nằm ở trong hệ thống ngân hàng, tương tự như một dạng “tăng trưởng tín dụng ảo”.

Ngoài ra, thực tế cũng có thể có những tình huống khác về việc vốn có thể chỉ chạy “lòng vòng” trong ngân hàng khiến cho dòng vốn ngân hàng cũng không đem lại nhiều ý nghĩa cho nền kinh tế. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chuyên gia tài chính, Giám đốc AFA Capital cho biết, trên thị trường liên ngân hàng có thể có những thời điểm lãi suất liên ngân hàng xuống rất thấp. Như vậy, có thể có trường hợp có ngân hàng vay trên thị trường liên ngân hàng, rồi lại đem đi gửi ở ngân hàng khác, như vậy thì có thể họ sẽ được hưởng khoản chênh lệch lãi này.

Theo đó, nếu có những ngân hàng dùng các biện pháp “kỹ thuật” kiểu này thì sẽ khiến cho tiền sẽ chỉ chạy “lòng vòng” trong ngân hàng nhưng không có lợi ích gì phục vụ nền kinh tế và việc đưa ra quy định cấm vay để gửi tiền sẽ có tác dụng hạn chế được những tình huống tương tự như trên.

 

Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã xuống dưới 0,2%

Hiện tại, lãi suất cho vay trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đã xuống rất thấp, kỳ hạn qua đêm chỉ còn 0,14%. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 1 tuần hiện là 0,32%; kỳ hạn 2 tuần là 0,49%; kỳ hạn 1 tháng là 2,3%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top