Aa

Nhân vô thập toàn...

Thứ Năm, 15/10/2020 - 07:00

Các cụ nhà ta hay nói câu “Nhân vô thập toàn”. Câu ấy nghĩa đơn giản nhất với ý là không có người nào mười phân vẹn mười cả, không có người nào mười phần đều là mười phần tốt đẹp cả.

Lần trước, khi viết về chuyện thưởng thức bữa ăn, tôi có viết cái ý là không có bữa ăn nào là tuyệt đối hoàn hảo hay là không có một bữa ăn nào không thể góp ý. Vấn đề là ta bắt đầu ngồi vào với bữa ăn thì nên chú tâm chọn lấy những điều thích thú để khen ngợi, để tâm đắc mà kích thích thú vui thưởng thức, để mà ăn ngon hơn, vui hơn.

Người Việt hay nói ăn chơi. Ăn thì như vậy, mà chơi, đặc biệt chơi với người, cũng như vậy. Các cụ nhà ta hay nói câu “Nhân vô thập toàn”. Câu ấy nghĩa đơn giản nhất với ý là không có người nào mười phân vẹn mười cả, không có người nào mười phần đều là mười phần tốt đẹp cả.

Có người chơi với ai cũng được, ngồi với ai cũng vui, là bởi họ bắt đầu bằng việc thấy những cái hay, cái thích thú, cái đáng học ở người khác, thì ngồi với nhau vui vẻ, chuyện trò được, qua đó mà sẽ chia sẻ và theo nhau dài dài. Còn ngược lại, nếu chỉ chú tâm vào những cái mình không hợp, không thích ở người khác, là rất khó ngồi với nhau, chứ chả nói đến chuyện chơi với nhau.

Trong đám bạn văn chương, có khi gọi nhau đi nhậu, nghe tiếng nhau nhưng chưa rõ nhau lắm, thì thường phải hỏi: "Này, có ngồi được với tay ấy không?". Hay là trước khi đến với một cuộc mời, thường phải hỏi cặn kẽ là đám ấy có những ai, để xem mình có hợp không, thì mới đến. Đấy là do bởi cái cách không chú tâm như đã nói ở trên.

Còn tôi, nếu nhận được lời mời, nếu mình rảnh, thu xếp được, là đi, không cần băn khoăn hỏi lại là có những ai ngồi. Khi nhận được lời mời, người mời nói rõ thành phần rồi, lại còn hỏi thêm tôi là có ngồi với đám ấy được không, thì tôi hay trả lời, ông cứ hỏi đám ấy xem họ có muốn ngồi với tôi không, chứ tôi thì ngồi với ai cũng được, đều không có vấn đề gì cả.

Ở cơ quan, khi nói với các bạn trẻ rằng chúng ta cần yêu thương, giúp đỡ nhau, làm thành một tập thể đoàn kết, thông hiểu và chia sẻ với nhau, có bạn trẻ hỏi tôi, rằng nên bắt đầu điều ấy như thế nào? Tôi trả lời, hãy tìm ngay những điểm tốt mà mình thấy thích ở người bên cạnh mình để bắt đầu, rồi cứ thế mà tiến lên thôi. Buổi sáng gặp nhau, hãy bắt đầu bằng một lời chào cùng với lời khen gì đó nơi bạn đồng sự của mình. Nhưng lời khen này phải chân thành, chính xác, chứ không sa vào hình thức hay là khen giả vờ. Mà muốn khen chính xác, chân thành, khen đúng đắn thì phải quan tâm và tinh tế, thì sẽ nhận ra những điều để khen.

Tất nhiên, cũng có nhiều lúc phải góp ý, thậm chí chê bai. Nhưng góp ý phải đúng vào chỗ người ta có thể sửa được, điều chỉnh được, tiếp thu được. Còn chê bai như kiểu cậu béo quá, em thấp quá, thì không bao giờ nên làm. Họ có sửa được điều ấy đâu.

Quan hệ con người với con người, từ ăn chơi cùng nhau cho đến làm việc, cộng tác, hợp tác với nhau, nếu chú trọng vào những điều hay ho ở người khác, thì cái phổ để lựa chọn đồng hành sẽ rất rộng, dù đúng là “nhân vô thập toàn”. Cuộc sống và công việc cứ thế mà tiến triển lên mãi. Đấy chính là bí quyết của người thành công, có nhiều bạn bè, quan hệ rộng rãi, so với người chưa thành công, quan hệ hạn hẹp, ít người giúp đỡ, hợp tác.

Và không chỉ trong khuôn khổ sống và làm việc. Ngay cả việc giao phó tính mạng của mình vào tay người khác, cũng có cả chuyện “nhân vô thập toàn”.

Bây giờ, giả sử mình phải vào viện đại phẫu thuật vì một căn bệnh nặng nào đó đi. Có một bác sỹ phẫu thuật rất giỏi, cao tay nghề chữa cho. Nếu ta nghe giới thiệu: “Ông bác sỹ này mổ cho mười người thì cứu được chín người đấy”. Thế là ta an tâm bước vào phòng phẫu thuật, gây mê xong thì thiếp đi, cảm giác sẽ an lành hơn và chính ta đã góp thêm chút an lành ấy vào thành công trong việc chữa trị cho ta. Nhưng nếu ta nghe người ta giới thiệu: “Ông bác sỹ này mổ cho mười người thì chết một người”, thế là có thể ta lại sợ hãi, lo lắng, và ta chẳng giúp thêm cho ta được chút nào cả.

Mà đã bảo là “nhân vô thập toàn” rồi mà, không bao giờ có mười cả đâu, chỉ cao nhất là chín thôi hay là tám, bảy, sáu, năm… nữa, thì sao?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top