Aa

Nhân xem đề thi môn Văn của ta...

Chủ Nhật, 01/07/2018 - 06:00

Với cách học, cách ra đề thi như hiện nay, hoàn toàn không thể đào tạo ra những trí thức độc lập, những công dân trưởng thành cho một đất nước dân chủ tự do, biết mình có quyền và nghĩa vụ gì. Sẽ chỉ có những "con dê" ngoan ngoãn và những "con chó sói" hung dữ!

Nhân xem đề thi môn Văn của ta...

Tôi mới tò mò tìm hiểu xem năm nay đề thi môn Văn của kỳ thi tú tài... nước Pháp (BAC) thế nào?

Và đây là đề cho ban Văn (ban L) của họ. Thí sinh chọn một trong ba đề sau để làm:

Đề 1: Văn hóa có làm chúng ta có nhân tính hơn?

Đề 2: Người ta có thể từ bỏ sự thật?

Đề 3: Giải thích đoạn văn sau: (Một đoạn văn khoảng hơn 300 chữ của một triết gia Đức thế kỷ 19, ngài Arthur Schopenhauer, về ý chí, tâm lý nhận thức của con người, rất hiểm. Xin không đưa lên đây)

Ta thấy gì? Trước hết cả ba đề ra cho thí sinh đều rất cô đọng súc tích. Kể cả cái đề thứ ba. Với những đề kiểu này thì học sinh tha hồ phát huy trí tưởng tượng, kiến thức đã được học, vốn đọc, vốn sống để mà múa bút. Và kiểu học thuộc, học tủ của học sinh Việt Nam ta mà gặp đề dạng này thì tuyệt đại đa số ngồi cắn bút là cái chắc. Không có khả năng viết gì. Bởi đề thi này, nó đòi hỏi thí sinh làm bài phải có khả năng tư duy tổng hợp, độc lập, sáng tạo. Mỗi đề thi có thể làm là một bài thi tốt nghiệp trong vòng mấy tiếng hoặc một bản luận văn thạc sĩ hay tiến sĩ cũng đều được. Nói thế để thấy hết cái tầm vóc của đề thi bên họ. Và thấy rằng, học thuộc, văn mẫu, đóng khung trong sách giáo khoa là một khái niệm vô cùng xa lạ với nền giáo dục của các nước tiên tiến. Nó yêu cầu trong quá trình học, học sinh phải đọc rất nhiều, kiến thức nền tảng rộng và sâu chứ không đơn thuần là vài tác phẩm, vài tác giả loanh quanh trong quyển sách giáo khoa.

Chính cách ra đề của họ đã bắt học sinh phải tự đọc sách nếu muốn làm được bài cho tốt. Tự cập nhật mọi kiến thức, mọi tình hình của đời sống chính trị xã hội, kinh tế, tôn giáo trong nước và thế giới...thì mới có cái để nói, để viết. Thày cô giáo nhiều khi chỉ là người giới thiệu, các em nên đọc những quyển này, quyển này... Và như thế, khi tốt nghiệp tú tài là học sinh của họ đã có đầy đủ nhận thức của một trí thức thức thực thụ. Họ trở thành ngay một công dân ưu tú, đàng hoàng đĩnh đạc của một nước văn minh.

 

Ảnh mnh hoạ. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh mnh hoạ. Nguồn ảnh: Internet

Trở lại đề thi tốt nghiệp phổ thông môn Văn của nước ta năm nay, với hai phần lớn được chia ra thành 6 câu nhỏ. Một cái đề thi khá dài. Nhưng nội dung thì nó như một bài tập hơn là một đề thi để cấp bằng tú tài và tính điểm đầu vào cho đại học. Vụn vặt và sáo mòn cũ kỹ. Tôi cũng xin phép không đưa nguyên văn vào đây, vì nó có đầy trên mạng mà tôi tin chắc là ít nhất chúng ta cũng đều đã đọc qua, nếu quan tâm. Dù những người ra đề đã cố gắng đổi mới bằng cách đưa một đoạn thơ của Nguyễn Duy không có trong sách giáo khoa để cho học sinh phân tích bình giảng. Và cố gắng kín đáo lồng một chút tình hình thế sự của đất nước vào. Cái đó là đáng ghi nhận. Thế nhưng về cơ bản nó vẫn là một cách ra đề cũ kỹ, với những tác phẩm và tác giả đã mòn vẹt trong những quyển sách giáo khoa lạc hậu được những tập văn mẫu vô hồn xào đi nấu lại mãi rồi. Bao nhiêu năm nay rồi. Nếu chỉ nhìn vào đề văn tốt nghiệp phổ thông các năm thì người ta cảm tưởng rằng, nền văn học nước nhà bao năm nay chỉ có độ mươi tác giả văn xuôi và cũng độ chừng đó tác giả thơ. Hết.

Nền văn học Việt Nam đã bị đổ bê tông đưa vào viện bảo tàng rồi. Học Văn chỉ còn là học thuộc và làm văn mẫu theo hướng dẫn của thày cô cho thông thạo là xong. Trong khi đó, học Văn- Ngữ văn, đầu tiên là học một ngôn ngữ: sinh ngữ. Đã là sinh ngữ thì nó luôn phát triển, luôn cựa quậy để sinh sôi, để cho ra những cái mới. Nếu không thế, nó đã bị biến thành tử ngữ từ lâu rồi!

Học Văn là học làm người. Văn học là nhân học. Với một môn học quan trọng như thế mà lại bị rập khuôn xơ cứng từ cách học cho đến cách ra đề bài thi thì thử hỏi làm sao mà không kêu ca học sinh ngày càng chán ghét môn Văn? Và từ chán ghét, chúng chán luôn cả sách. Mà những quyển sách hay luôn là một cái gì đó để bồi dưỡng cho tâm hồn người đọc những điều tốt đẹp. Hướng thiện. Chả trách con người sao ngày càng ác hơn, phi nhân tính hơn, lạnh lùng hơn, ích kỷ hơn? Cái đề văn của nước Pháp kia, văn hóa làm cho chúng ta nhân tính hơn, liệu đọc lên có ai động lòng suy nghĩ? Bởi văn hóa nó cả là một phạm trù mênh mông chứ không phải chỉ là học vẹt vài tác phẩm của ông bà, abc...xyz nào đó rồi đi thi là thành ra có văn hóa. Văn hóa là nó được tích lũy, thẩm thấu dần dần, qua rất nhiều tác phẩm, qua nhiều bộ môn văn hóa nghệ thuật. Nhưng môn Văn và văn hóa đọc nó luôn đóng vai trò như nền tảng, như cái gốc cho văn hóa chung của con người. Xét về góc độ này, nền giáo dục của chúng ta đã thất bại thảm hại.

Với cách học, cách ra đề thi như hiện nay, hoàn toàn không thể đào tạo ra những trí thức độc lập, những công dân trưởng thành cho một đất nước dân chủ tự do, biết mình có quyền và nghĩa vụ gì. Sẽ chỉ có những "con dê" ngoan ngoãn và những "con chó sói" hung dữ!

Nhân câu chuyện về đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Văn nước ta năm nay đang gây ra một cuộc tranh luận khá thú vị, nên tôi cũng đưa một vài ý kiến và dẫn đề thi tú tài bên Pháp để các bạn tham khảo. Tôi nghĩ rằng chỉ cần đọc và so sánh đề thi của hai nước là ta đã thấy chúng ta đang ở đâu. Ở cái đề thứ hai của nước Pháp, như một câu hỏi cho cả chúng ta hiện thời: Người ta có thể từ bỏ sự thật? Không! Sự thực là tình hình của chúng ta rất nguy cấp và lạc hậu. Ai cũng biết. Không cứ ở giáo dục, ở môn Văn, mà hình như ở mọi ngành, mọi lĩnh vực kinh tế xã hội nước ta đều thế. Ai cũng biết là nó lạc hậu bất cập. Ai cũng hiểu là cần phải cải cách đổi mới căn bản toàn diện mọi mặt từ gốc. Ai cũng thấy là đấy là việc cần kíp phải làm để cho đất nước hùng cường...

Thế nhưng bắt đầu từ đâu, thì chả ai nói.

Chả lẽ lại bắt đầu từ ra đề thi môn Văn?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top