Aa

Lần mần chuyện giá, phí...

Chủ Nhật, 03/06/2018 - 06:01

Nếu chúng ta đi trên con đường cao tốc đẹp đẽ, Hà Nội- Lào Cai hay Hà Nội - Hải Phòng chẳng hạn, ai nấy đều vui vẻ móc ví mà chưa thấy mấy ai phàn nàn lên tiếng này nọ. Thế nhưng khi qua mấy cái trạm thu BOT láo toét đặt sai chỗ, đơm đó, trấn lột nhân dân. Có thể gọi là cướp ngày. Ai không bực mình vì mất tiền oan, lại thêm một nỗi điên người vì họ ngang nhiên viết sai tiếng Việt...

Chuyện là ngồi uống rượu với mấy ông văn nhân người Hà Tĩnh, mình mới bảo văn nhân nước Việt xưa nay ở đất đó có hai ông lừng lẫy là Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ. Cơ mà mình khoái cụ Hi Văn hơn! Mà khoái nhất bài thơ Trêu Quan Đại Thần của ngài:

“Lênh đênh một chiếc thuyền nan

Một cô thiếu nữ một quan đại thần.

Ban ngày quan lớn như thần

Ban đêm quan lớn lần mần như ma.

Ban ngày quan lớn như cha

Ban đêm quan lớn ngầy ngà như con”.

Nghe mình đọc xong, mấy văn nhân Hà Tĩnh mình ơi, đồng thanh quát: Sai!

Không phải là lần mần, mà là tần mần!

Không phải là ngầy ngà, mà là rầy rà, nhé!

Mấy tay ấy nói, phương ngữ Hà Tĩnh là phải thế! Lại còn dẫn câu của cụ Tố Như nói về vụ Mã Giám Sinh phá trinh Thúy Kiều nữa chứ: “Buồn mình trước đã tần mần thử chơi”!

Ai không bực mình vì mất tiền oan, lại thêm một nỗi điên người vì họ ngang nhiên viết sai tiếng Việt, như chọc vào mắt: Thu giá! Là thu cái gì? Thu giá đỗ ăn phở hay ăn rau sống à? Vừa mở ví vừa phải chửi một lũ vừa gian vừa ngu cho bõ tức. 

Kinh khiếp hãi. Mồm miệng văn nhân thì các bạn biết rồi đấy, nên mình cũng đành chịu lép một bề, quay sang nhắm rượu cho nó sướng đời. Cãi nhau lắm chỉ tổ mệt. Cơ mà mình vẫn chưa chịu hẳn. Về nhà nằm nghĩ mãi. Lần mần là cái gì, tần mần là cái chi chi. Mình đồ là ông quan đại thần kia, đêm khuya thanh vắng mới lần mần hết chỗ nọ sang chỗ kia, cô thiếu nữ dí ngón tay vào đầu đại quan mắng yêu, khiếp, cứ lần mần như ma ấy! Mà thế có được yên đâu. Lúc thì quan đòi x, lúc lại đòi y, rồi lại z... Đang z thì lại bỏ dở sang y, bực cả mình! Thật giống như thằng cu con đang ti mẹ rồi bỏ dở quay mặt ra ầu ơ nói chuyện vài câu. Rồi lại ti. Mà có ti không đâu, ti bên này nó còn sờ, nghịch, cấu véo bên kia. Thì của nó, nó làm gì thì làm... Cái thằng đến là ngầy ngà! Câu mắng yêu của xứ Bắc đó. Cụ Tố Như, cụ Hi Văn vốn gốc Hà Tĩnh, thế nhưng các cụ lớn lên và sinh sống chủ yếu ngoài Bắc, ở kinh thành Thăng Long. Các cụ ấy viết văn làm thơ hình như bằng tiếng Việt chuẩn, chả thấy có chi, mô, răng, rứa, tê... trong đọ! Có thế thì cả nước đọc mới hiểu, mới thích, mới yêu. Các cụ cứ mô tê răng rứa suốt thì có mà em đây thuộc được nửa bài chết liền chứ đừng nói là thích, nhé!

Làm thơ, viết văn cho người Việt đọc là phải chuẩn tiếng Việt. Tiếng Việt chuẩn phải là tiếng của xứ Bắc mà tiêu biểu, tinh hoa nhất là tiếng Hà Nội! Còn phương ngữ chỉ dành về quê nói chuyện với nhau thôi. Thế nên mình vẫn cho là cụ Trứ, cụ ấy viết bằng ngôn ngữ chuẩn cả nước kia, chứ chả phải dùng cái vùng miền nào đó đậm đà, bản sắc chi đâu. Danh nhân đất nước, văn nhân lớn, là nói tiếng nói của dân tộc, của nhân loại kia mà.

Nguồn ảnh: Zing

Nguồn ảnh: Zing

Nhưng nghĩ đến đây, mình bỗng chợt nhớ chuyện mấy ngày nay cả nước cũng đang sôi sục chuyện chữ nghĩa. Từ nghị trường cho đến quán chè chén vỉa hè: Chữ "giá" hay là chữ "phí" đây? Trạm thu giá hay là Trạm thu phí. Học giá hay là học phí... Sôi sùng sục. Đến mệt!

Đúng hay sai thì các nhà ngôn ngữ đã lên tiếng. Ông tiến sĩ trưởng khoa văn đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM Đoàn Lê Giang còn viết hẳn một bài dài, phân tích, dẫn nguồn đầy đủ, ai muốn biết cặn kẽ thế nào là giá, thế nào là phí xin mời vào trang của thày Giang đọc.

Tôi thì nghĩ, cái chuyện "phí" hay "giá" nó không đơn thuần là chuyện chữ nghĩa đúng sai. Mà đây nó còn là thái độ của nhân dân với một vấn đề gây nhức nhối đã lâu: Việc thu phí BOT sai! Nếu chúng ta đi trên con đường cao tốc đẹp đẽ, Hà Nội- Lào Cai hay Hà Nội - Hải Phòng chẳng hạn, ai nấy đều vui vẻ móc ví mà chưa thấy mấy ai phàn nàn lên tiếng này nọ. Thế nhưng khi qua mấy cái trạm thu BOT láo toét đặt sai chỗ, đơm đó, trấn lột nhân dân. Có thể gọi là cướp ngày. Ai không bực mình vì mất tiền oan, lại thêm một nỗi điên người vì họ ngang nhiên viết sai tiếng Việt, như chọc vào mắt: Thu giá! Là thu cái gì? Thu giá đỗ ăn phở hay ăn rau sống à? Vừa mở ví vừa phải chửi một lũ vừa gian vừa ngu cho bõ tức. Nó đã ăn cướp của mình lại còn nhăn nhở cười nhạo, giá, giá, giá...! Giá mà vả vào mồm cả lũ quan tham một cái ngay tại đó cho hết giá!

Bỗng nghĩ ra, cụ Hi Văn thật là thánh nhân! Xưa cụ chả bảo quan lớn đại thần như ma, như con. Con ma. Hình như quan nay vẫn thế. Mà không, hơn thế. Cướp cạn giữa ban ngày lại còn nhơn nhơn cười cợt thì phải là quỷ. Quỷ sứ Diêm Vương xổng ngục chạy lên rồi chứ không chỉ là con ma đi dọa trẻ con chơi chơi nữa đâu!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top